- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển không ngừng về kinh tế - xã hội, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật, tranh chấp dân sự tại địa bàn huyện Nam Sách ngày càng tăng về số lượng và mức độ phức tạp. Do đó đòi hỏi cán bộ, Kiểm sát viên VKSND huyện Nam Sách phải nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, vạch ra kế hoạch rõ ràng để hoàn thành tốt công việc được phân công, luôn tìm cách tối ưu hoá lượng công việc có thể thực hiện, hoàn thành công việc, dự lường trước tình huống khó khăn để tìm cách khắc phục phù hợp, không rơi vào trạng thái bị động.
Để nâng cao tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, đơn vị VKSND huyện Nam Sách đã triển khai nhiều biện pháp, giải pháp để thực hiện.
Trước tiên, đối với lãnh đạo viện: đã chủ động xây dựng cơ chế và môi trường làm việc phát huy tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, Kiểm sát viên; đưa ra cơ chế giúp cho cán bộ, Kiểm sát viên phát huy nội lực của bản thân, tính chủ động, sáng tạo, tính dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề, tính quyết đoán trong công việc cho cán bộ, Kiểm sát viên. Lãnh đạo không bảo thủ, độc đoán mà lắng nghe, tiếp thu, ghi nhận ý kiến đóng góp của Kiểm sát viên, tạo môi trường và điều kiện để Kiểm sát viên phát huy sáng tạo, chủ động hơn trong công việc. Ngược lại, bản thân cán bộ, Kiểm sát viên luôn có tinh thần sẵn sàng đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, thông qua việc đánh giá khối lượng và kết quả công việc của từng Kiểm sát viên, Lãnh đạo Viện sẽ tuyên dương Kiểm sát viên có thành tích nổi bật trong tháng và xem đây là một trong những tiêu chí để bình xét thi đua và đề nghị khen thưởng cuối năm.
Sáng tạo, đổi mới trong công tác đào tạo tại chỗ, bồi dưỡng cán bộ, Kiểm sát viên trong đơn vị bằng nhiều hình thức như chú trọng thực hiện nghiêm túc việc học tập tại các buổi giao ban tuần, giao ban tháng của đơn vị trong đó tập trung quán triệt các văn bản mới, các thông báo rút kinh nghiệm, hướng dẫn nghiệp vụ của cấp trên; đồng thời trao đổi những vướng mắc trong quá trình làm việc để cùng bàn bạc, tìm cách tháo gỡ kịp thời. Yêu cầu mỗi cán bộ có sổ tay để ghi chép những nội dung cần lưu ý, những nội dung đã được rút kinh nghiệm để khi gặp phải dễ dàng tìm kiếm, nghiên cứu, tránh lặp lại sai sót.
Lãnh đạo đơn vị Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Sách đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể chỉ tiêu phiên tòa rút kinh nghiệm đối với đồng chí Kiểm sát viên phụ trách bộ phận, đồng thời yêu cầu toàn thể cán bộ, kiểm sát viên, kiểm tra viên, chuyên viên trong đơn vị phải tham gia nghiêm túc các phiên tòa rút kinh nghiệm để đóng góp ý kiến giúp Kiểm sát viên hoàn thiện thiếu sót, hạn chế và cùng học tập, rút kinh nghiệm chung.
Đối với cán bộ trẻ, Lãnh đạo đơn vị luôn hướng đến đào tạo cụ thể, “cầm tay chỉ việc”, đào tạo gắn phân công nhiệm vụ để “học” đi đôi với “hành”. Phân công cán bộ trẻ giúp việc cho Kiểm sát viên để tiếp cận, làm quen với công tác. Giao nhiệm vụ cho Lãnh đạo, Kiểm sát viên quan tâm hướng dẫn, đào tạo các cán bộ trẻ thông qua các công việc cụ thể. Nghiêm túc tổ chức tham dự phiên tòa rút kinh nghiệm, yêu cầu tất cả các cán bộ tham dự đều phải phát biểu ý kiến nhận xét để nâng cao tinh thần tự học tập, rút kinh nghiệm qua việc phát hiện những ưu, nhược điểm của Kiểm sát viên. Tập thể lãnh đạo Viện luôn có sự phân công công việc đối với cán bộ trong đơn vị một cách hợp lý, theo hệ thống nhất định, tuỳ theo vị trí năng lực sở trường của mỗi người và phù hợp với chuyên môn của từng cán bộ. Đồng thời vẫn có sự luân chuyển trong thực hiện nhiệm vụ để đảm bảo đào tạo toàn diện
Thường xuyên kiểm tra hoạt động nghiệp vụ của cán bộ, Kiểm sát viên: Để tăng cường tinh thần trách nhiệm và tính chủ động của cán bộ, Kiểm sát viên trong thực hiện nhiệm vụ thì việc thường xuyên kiểm tra là hoạt động không thể thiếu. Định kỳ hàng tháng/quý, Lãnh đạo Viện sẽ thực hiện việc kiểm tra ngẫu nhiên hoạt động nghiệp vụ của cán bộ, Kiểm sát viên. Hoạt động này buộc cán bộ, Kiểm sát viên phải chủ động sắp xếp thời gian để hoàn thành công việc được giao, không trì hoãn, kéo dài.
(Các kiểm sát viên chủ động báo cáo Lãnh đạo Viện tiến độ giải quyết án điều tra tại cuộc họp giao ban tuần của đơn vị)
Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo viện, các Kiểm sát viên, công chức đã nghiêm túc, nỗ lực nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cụ thể:
- Thứ nhất, báo cáo tiến độ giải quyết tin báo tố giác tội phạm và tiến độ điều tra vụ án theo định kỳ. Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố, kiểm sát giải quyết tin báo và kiểm sát điều tra thường xuyên báo cáo tiến độ giải quyết vụ việc cho Lãnh đạo Viện tại cuộc họp giao ban tuần. Để thực hiện được yêu cầu này, Kiểm sát viên đã chủ động phối hợp với Điều tra viên để nắm chắc diễn biến tố tụng và nội dung vụ án, vụ việc, tiến độ giải quyết, đề ra yêu cầu xác minh và yêu cầu điều tra kịp thời, phù hợp, bảo đảm nguồn tin về tội phạm được giải quyết kịp thời kịp thời, không để oan sai và bỏ lọt tội phạm của Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
- Thứ ba, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để theo dõi, quản lý án và tiết kiệm thời gian thực hiện các thao tác nghiệp vụ. Ngoài cập nhật nội dung và thông tin vụ việc vào hệ thống mẫu sổ nghiệp vụ theo quy định của Ngành, Kiểm sát viên đều thực hiện theo dõi và quản lý án bằng file excel và phần mềm ứng dụng riêng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý án giúp Kiểm sát viên có thể theo dõi được tiến độ giải quyết vụ việc, tình trạng vụ việc đang giải quyết, tạm đình chỉ hay sắp hết thời hạn. Từ đó, Kiểm sát viên có thể chủ động sắp xếp và phân bố thời gian phù hợp để đảm bảo thời hạn tố tụng của từng vụ việc đúng quy định của pháp luật. Việc theo dõi, quản lý án bằng excel và phần mềm ứng dụngkhác giúp Kiểm sát viên thống kê được khối lượng công việc đã thực hiện, cung cấp số liệu một cách nhanh chóng để phục vụ công tác báo cáo theo yêu cầu nghiệp vụ. Chú trọng việc số hóa hồ sơ đảm bảo đúng quy định.
Qua việc triển khai các giải pháp nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, kiểm sát viên trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, 06 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã làm tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; không để xảy ra trường hợp oan, bỏ lọt tội phạm; chất lượng kiến nghị, yêu cầu được nâng lên, các chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản được thực hiện hoàn thành, có chất lượng như: Tố giác, tin báo về tội phạm giải quyết đạt 84,3% bắt giữ hình sự chuyển khởi tố đạt 100%; án trọng điểm xác định đạt 22,2 %, ban hành yêu cầu khởi tố 05 vụ án và 03 bị can; án giai đoạn điều tra giải quyết đạt 73%, án năm 2022 chuyển sang giải quyết xong trong quý I/2023; giải quyết án truy tố đạt 100%; phối hợp với Tòa án tổ chức 09 phiên tòa hình sự để rút kinh nghiệm; 07 phiên tòa trực tuyến, không có trường hợp nào đình chỉ điều tra do không phạm tội; không có án hình sự, dân sự, hành chính, Kinh doanh thương mại hủy để điều tra, giải quyết lại; Công tác kiểm sát thi hành án hình sự, dân sự được tăng cường. Hoàn thành kiểm tra việc thực hiện kiến nghị của năm 2022. Thông qua kiểm sát hoạt động tư pháp, đã ban hành 01 kháng nghị; 21 kiến nghị (trong đó có 04 kiến nghị phòng ngừa), ban hành 26 yêu cầu. Các kiến nghị, yêu cầu được tiếp thu thực hiện.
Với nhiệm vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn hiện nay thì yêu cầu về tính chủ động và sáng tạo của Kiểm sát viên được đặt ra quan trọng hơn bao giờ hết. Việc nâng cao tính chủ động, sáng tạo của Kiểm sát viên là nâng cao phong cách làm việc khoa học, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và trình độ, năng lực để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Không ngừng chủ động, không ngừng sáng tạo để đạt chất lượng và hiệu quả tốt nhất trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ là phát huy tốt nhất ý chí tự lực, tự cường và khát vọng cống hiến của Kiểm sát viên nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương, góp phần xây dựng hình ảnh tốt đẹp của Kiểm sát viên nói riêng và ngành Kiểm sát nói chung trong lòng nhân dân./.
Nguyễn Hồng Ngọc VKSND huyện Nam Sách |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.