Xây dựng đoàn kết nội bộ là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong công tác tổ chức, đây là nhiệm vụ then chốt hàng đầu đặt nền móng vững chắc cho mọi thành công. Bởi “đoàn kết là sức mạnh vô địch” và điều đó đã trở thành chân lý, là truyền thống ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Có đoàn kết ắt sẽ thành công; đoàn kết là sức mạnh, là tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta từ xưa đến nay đã chứng minh, nếu thiếu sự đoàn kết, thống nhất, trên dưới một lòng, thì không thể nào đánh đuổi được giặc ngoại xâm, bảo vệ đất nước.
Theo Hồ Chí Minh “Muốn đoàn kết càng chặt chẽ, tiến bộ càng mau chóng thì mọi người phải sửa chữa khuyết điểm, phát triển ưu điểm. Mà muốn được như thế thì không có cách gì hơn là thật thà tự phê bình và phê bình”. “Mục đích phê bình cốt để giúp nhau sửa chữa, giúp nhau tiến bộ. Để đoàn kết và thống nhất nội bộ”. Trong tác phẩm “Tự phê bình và phê bình”, Bác viết: “Tự phê bình và phê bình là thứ vũ khí sắc bén nhất giúp cho Đảng ta mạnh và ngày càng mạnh”. Tự phê bình và phê bình là việc làm thường xuyên như “rửa mặt hàng ngày”. Vì thế mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt mình trong tổ chức, trong tập thể, phải tôn trọng nguyên tắc, pháp luật, kỷ cương. Tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”; kèn cựa địa vị, nói xấu lẫn nhau, dân chủ hình thức, lợi dụng dân chủ để "kéo bè, kéo cánh", để làm rối loạn kỷ cương cần phải lên án và loại bỏ. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: đoàn kết thống nhất là nguồn gốc của sức mạnh, là vấn đề then chốt của thành công. Trong Di chúc của mình, Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của nhân dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.
Theo tư tưởng Hồ Chí Minh, đoàn kết là vấn đề có tính chiến lược, quyết định mọi thành công của cách mạng. Đây cũng chính là bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với việc xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong công tác tổ chức và cán bộ của Đảng, cũng như việc xây dựng và chỉnh đốn Đảng hiện nay. Mỗi khi nội bộ chưa thống nhất về chính trị tư tưởng, về chủ trương, về lợi ích thì không thể có sự đoàn kết nhất trí cao, đồng nghĩa với nó là sự bất ổn và tạo nên lực cản kìm hãm sự phát triển chung của tổ chức Đảng và của toàn Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Theo quan điểm Hồ Chí Minh, đoàn kết trước hết là đoàn kết nội bộ, đoàn kết trong Đảng, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, trong đó, đoàn kết nội bộ, đoàn kết trong Đảng là nền tảng, là bí quyết thành công của sự tồn tại và phát triển bền vững của Đảng và của dân tộc Việt Nam ta.
Trong điều kiện hiện nay, do ảnh hưởng tác động từ mặt trái của các quan hệ xã hội, của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã làm nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp đe dọa đến việc xây dựng khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và trong từng tổ chức. Do đó, đòi hỏi Đảng phải kịp thời đổi mới trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng và giữ vững sự đoàn kết, nhất trí trong Đảng. Kịp thời phát hiện và đập tan những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch nhằm chia rẽ, gây mất đoàn kết trong nội bộ của Đảng.
Để xây dựng khối đoàn kết thống nhất trong Đảng, đòi hỏi các cấp ủy và mỗi đảng viên cần nêu cao tinh thần gương mẫu, trách nhiệm trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng khối đoàn kết nội bộ và bảo vệ chính trị nội bộ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải xây dựng lối sống trong sạch, lành mạnh, tương thân, tương ái, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau. Quán triệt và thực hiện tốt quan điểm, đường lối, chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, tạo sự thống nhất về chính trị, tư tưởng, về ý chí và hành động. Đây là cơ sở quan trọng nhất để xây dựng đoàn kết thống nhất trong Đảng. Thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình. Tăng cường giáo dục đạo đức cách mạng, chăm lo củng cố tình đồng chí trong Đảng, chống chủ nghĩa cá nhân. Phát hiện sớm và tập trung xử lý dứt điểm tình trạng mất đoàn kết từ khi những biểu hiện này mới manh nha hình thành.
Ảnh Chi bộ VKSND huyện Bình Giang học tập chuyên đề “Xây dựng đoàn kết nội bộ theo tư tưởng Hồ Chí Minh”
Để tạo được sự đoàn kết thống nhất cao về ý chí và hành động trong một tập thể trách nhiệm đầu tiên là thuộc về các đồng chí trong cấp ủy, tập thể lãnh đạo, sau đó là của các cán bộ, đảng viên và nhân viên, phải nghiêm chỉnh cấp hành và thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, vừa tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và tổ chức, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nhận thức về lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp và kiến thức thực tiễn cho cán bộ, đảng viên. Tạo sợi dây liên kết chặc chẽ giữa cấp ủy - Chính quyền đoàn thể và cán bộ đảng viên, viên chức của tổ chức, từng bước xây dựng tập thể thành khối đoàn kết vững chắc, cùng hành động để đạt được mục tiêu, lý tưởng và nhiệm cách mạng đặt ra trong tình hình mới. Người đứng đầu đơn vị cần phải đảm bảo quản lý điều hành trên cơ sở chấp hành chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước và phù hợp với quy định của tập thể, cơ quan, đơn vị đồng thời chấp hành nguyên tắc tập trung dân chủ và sự đồng thuận về ý chí, hành động mục tiêu chung; thường xuyên có sự phối hợp hỗ trợ nhau trong các lĩnh vực công tác nhằm hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Đặc biệt, cán bộ quản lý của đơn vị phải là trung tâm đoàn kết, không ngừng hoàn thiện mình để trở thành thủ lĩnh của đơn vị, tổ chức; xây dựng tốt các mối quan hệ đoàn kết, thống nhất trong các tổ chức; khoan dung, độ lượng, tương thân, tương ái, thương yêu, tin cậy lẫn nhau, tạo bầu không khí ấm áp tình đồng chí, đồng nghiệp; luôn đi đầu gương mẫu trong mọi lĩnh vực và là trung tâm gắn kết từng cán bộ, công chức, nhân viên. Đây là một vấn đề tuy không mới, song rất khó, nó đòi hỏi người lãnh đạo, quản lý phải xác định rõ tầm quan trọng của việc xây dựng khối đoàn kết, xác định đúng mục tiêu và có biện pháp phù hợp từ công tác chính trị tư tưởng đến tổ chức và cán bộ.
Xây dựng đoàn kết nội bộ, giữ được văn hóa đoàn kết đòi hỏi mỗi cá nhân phải luôn tìm cách cân bằng được cả hai cảm xúc suy nghĩ tiêu cực và tích cực của mình. Muốn xây dựng đoàn kết nội bộ thật sự phải kiên quyết đấu tranh loại trừ những người cơ hội, kích động, xúi dục làm chuyện sai trái gây mất đoàn kết nội bộ. Trong tư tưởng mỗi cá nhân phải nhấn mạnh được mục đích chung và lợi ích chung của tất cả để cùng hướng mọi người về một mối, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh “Xin ai nên nhớ chữ đồng. Đồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh”./.
|
Phạm Văn Ngoan
VKSND huyện Bình Giang
(Sưu tầm) |