Thực hiện Hướng dẫn số 05/HD-VKS-P9 ngày 03/01/2025 của Viện KSND tỉnh Hải Dương về công tác kiểm sát giải quyết các vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình năm 2025; Ngày 31/3/2025, Viện KSND TP. Hải Dương đã phối hợp với TAND TP. Hải Dương tổ chức phiên tòa xét xử dân sự rút kinh nghiệm kết hợp trình chiếu hình ảnh đối với vụ án dân sự sơ thẩm “Tranh chấp hợp đồng gia công" giữa nguyên đơn là ông Nguyễn T. K và bị đơn bà Nguyễn T. L. Phiên tòa do đồng chí Nguyễn Thị Băng Tâm - Viện trưởng VKSND TP. Hải Dương trực tiếp kiểm sát xét xử, với sự tham dự của các Kiểm sát viên, Kiểm tra viên và Chuyên viên của đơn vị.
Nội dung của vụ án: Ông K nhận gia công hàng cho bà L từ tháng 3/2023, giữa ông K và bà L không ký kết hợp đồng gia công bằng văn bản nhưng có ghi trong sổ chi chép của ông K về nội dung công việc phải làm, đơn giá sản phẩm gia công, thời hạn thanh toán, được thể hiện tại mục ghi “Đơn giá hàng gia công” thời gian ghi ngày 11/3/2023, “Mục chốt công việc” ngày 30/4/2023, “Mục công việc với xưởng” ghi ngày 30/4/2023; việc thanh toán được thực hiện vào ngày 15 -30 hàng tháng nếu không đúng hạn 2 ngày trên thì phải chịu lãi suất mượn trả công nhân. Khi bà L đến để hàng gia công tại xưởng của ông, hai bên không lập biên bản giao nhận hàng. Khi ông K hoàn thành công việc theo yêu cầu ông K giao lại hàng gia công cho bà L nhưng hai bên cũng không thiết lập biên bản giao nhận hàng. Chỉ đến cuối tháng mới chốt lại số tiền chưa thanh toán. Đến 30/4/2023, bà L nợ tiền gia công đợt một chưa trả nhưng ông K vẫn tiếp tục nhận hàng gia công cho bà L đợt hai. Đến ngày 10/7/2023, bà L đã viết cho ông K giấy nhận nợ cụ thể bà L còn nợ ông K tổng số tiền 180.000.000đ hẹn đến ngày 30/12/2023, trả ông K số tiền 100.000.000đ, còn 80.000.000đ hạn cuối đến ngày 30/6/2024. Hiện, tại xưởng của ông K vẫn còn các tài sản của bà L do bà chuyển đến để gia công sản phẩm bao gồm: 01 bàn cắt vải (kích thước 3,66x1,8)m, mặt bàn gỗ ép, chân bằng khung thép mạ kẽm; 01 máy cắt vải đầu bàn kèm thanh ray; 04 bao chun đen; 01 thùng caton 02 bao tải nguyên liệu gia công chưa thành phẩm; đối với số tài sản trên hai bên chưa thỏa thuận được cách thức giao nhận.
Phía nguyên đơn ông K đề nghị Tòa án buộc bà L phải trả lại ông số tiền 224.820.000đ trong đó tiền gốc là 180.000.000đ, tiền lãi tạm tính từ ngày 10/7/2023 đến 07/10/2024 là 44.820.000đ. Ông đồng ý trả bà L số hàng bà L giao đợt cuối và các vật dụng là 01 máy cắt, 01 máy cắt vải đầu bàn, tuy nhiên ông K yêu cầu bà L phải có trách nhiệm đến lấy chứ ông K không có trách nhiệm mang trả.
Về phía bị đơn là bà Nguyễn T. L: Bà L cho rằng các hàng hóa và vật dụng của bà do ông K giữ nhưng không phải ở nhà ông K mà ở nhà người khác nên bà không thể vào lấy, ông K cũng không mang hàng ra để trả cho bà; bà không muốn nhận lại vì các hàng hóa và vật dụng này đã để quá lâu. Bà xác định bà có nợ ông K số tiền gốc là 180.000.000đ nhưng yêu cầu đối trừ số tiền hàng ông K giữ và số tiền bà đã ứng trước, còn lại 94.850.000đ, không đồng ý trả số tiền lãi cho ông K. Tại phiên tòa, bà L đã thay đổi quan điểm, đồng ý với số nợ gốc là 180.000.000đ, đồng ý nhận lại nguyên liệu gia công, nhưng không chấp nhận phần tiền lãi nguyên đơn yêu cầu.
Đây là vụ án có tranh chấp phổ biến điển hình tại địa phương nên đã đảm bảo tiêu chí để Viện trưởng VKSND TP. Hải Dương lựa chọn thực hiện phiên tòa rút kinh nghiệm, đồng chí đã thực hiện đúng hướng dẫn số 32/HD-VKSTC ngày 30/11/2018 của VKSND tối cao về việc tham gia, tham dự phiên tòa dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động rút kinh nghiệm; nghiên cứu kỹ hồ sơ, đề xuất quan điểm giải quyết vụ án rõ ràng, dự thảo câu hỏi cùng những tình huống phát sinh và dự thảo phát biểu tại phiên tòa.
Kiểm sát viên kiểm sát việc tuân theo pháp luật và tham gia phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án
Tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã kiểm sát chặt chẽ việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử, của đương sự và những người tham gia tố tụng đồng thời căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, diễn biến tại phiên tòa, Kiểm sát viên đã phát biểu quan điểm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, chấp nhận yêu cầu khởi kiện về số tiền nợ gốc của nguyên đơn; yêu cầu bị đơn trả tiền lãi chậm trả theo quy định pháp luật; yêu cầu nguyên đơn hoàn trả nguyên vật liệu cho bị đơn. Quan điểm giải quyết vụ án của Kiểm sát viên đã được HĐXX đồng ý, chấp nhận.
Sau khi kết thúc phiên tòa, Viện KSND TP. Hải Dương đã tổ chức họp rút kinh nghiệm, có sự tham gia của đầy đủ thành phần đã tham dự phiên tòa. Các ý kiến tham gia đều thống nhất đánh giá kiểm sát tham gia xét xử tại phiên tòa đã thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của kiểm sát viên tại phiên tòa theo đúng tinh thần cải cách tư pháp, đồng thời cũng góp ý các nội dung cần rút kinh nghiệm.
Việc tổ chức phiên tòa xét xử rút kinh nghiệm vụ án dân sự do lãnh đạo viện trực tiếp kiểm sát xét xử thể hiện sự sát sao trong công tác quản lý kiểm sát dân sự, qua phiên tòa, các công chức, Kiểm sát viên làm công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, hôn nhân gia đình đã học hỏi, nâng cao được trình độ, kỹ năng nghiên cứu hồ sơ, xử lý các tình huống tại phiên tòa, tích lũy kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, đảm bảo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị được giao, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới./.
Nguyễn Phúc Đạt, Nguyễn Thị Thúy- Viện KSND TP. Hải Dương