- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Ngày 08/4/2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Sách phối hợp với Tòa án nhân dân huyện Nam Sách tổ chức phiên tòa sơ thẩm hình sự xét xử đối với bị cáo Phạm Công Quý cùng đồng phạm, bị VKSND huyện Nam Sách truy tố về tội Cố ý gây thương tích, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự để rút kinh nghiệm cho Kiểm sát viên trong thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Tham dự, theo dõi phiên tòa có đại diện lãnh đạo VKSND tỉnh Hải Dương, Lãnh đạo, Kiểm sát viên phòng 2, phòng 7, phòng Thống kê và Công nghệ thông tin VKSND tỉnh, các Viện kiểm sát huyện Nam Sách, Cẩm Giàng, Gia Lộc, Kinh Môn, Chí Linh, Thanh Hà và lãnh đạo, Thẩm phán, thư ký Tòa án nhân dân huyện Nam Sách.
Trước khi xét xử, VKSND huyện Nam Sách đã chủ động sử dụng những trang thiết bị hiện có, ứng dụng công nghệ thông tin để số hoá tài liệu. Phối hợp với Toà án nhân dân huyện Nam Sách lắp đặt trang thiết bị, chuẩn bị hệ thống âm thanh, trình chiếu hình ảnh phục vụ phiên toà. Đây là vụ án đầu tiên, VKSND huyện Nam Sách thực hiện việc số hoá tài liệu và công bố tài liệu bằng hình ảnh tại phiên toà.
Tóm tắt nội dung vụ án: giữa gia đình bị cáo Phạm Công Quý sinh năm 1958 và chị Trần Thị Hằng sinh năm 1986 đều trú tại đường Trần Hưng Đạo, thị trấn Nam Sách, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương có mâu thuẫn trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày chưa được giải quyết triệt để nên sáng ngày 28/5/2018, chị Hằng và Phạm Công Quý xảy ra cãi nhau về việc Hằng dắt chó đi vệ sinh tại khu đất trống cạnh nhà Quý. Sau khi được can ngăn thì cả hai đi về nhà mình. Đến chiều cùng ngày, Hằng kể lại chuyện cãi nhau với Quý vào buổi sáng cho bố là Trần Văn Giới. Sau khi nghe Hằng kể lại thì ông Giới cảm thấy bức xúc nên đã cùng Hằng, Trần Văn Gióong (con trai), Phạm Ngọc Sinh (con rể) đến chỗ làm của Quý để tìm Quý. Do không thấy nên tất cả lại quay lại thì gặp Phạm Công Quý tại cửa nhà. Hai bên tiếp tục xảy ra lời qua tiếng lại, cãi nhau, thách thức đánh nhau. Phạm Công Quý đã chạy vào trong nhà lấy tuýp sắt ra để đánh nhau thì Phạm Công Trường, Phạm Công Quảng (là con trai bị cáo Quý) cũng chạy theo vào lấy tuýp sắt ra để hỗ trợ bị cáo Quý đánh lại phía gia đình chị Trần Thị Hằng. Cả hai bên tiến ra giữa đường, đối diện và lao vào dùng tuýp sắt, dao quắm, đao, phóng lợn đánh nhau. Hậu quả, phía gia đình Trần Thị Hằng, Sinh và Gioong bị thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể mỗi người là 02%, phía gia đình bị cáo Quý, Quảng bị thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể 21%, Phạm Công Quý bị thương tích với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 13%.
Phiên tòa xét xử các bị cáo được thực hiện an toàn, đúng pháp luật và bảo đảm yêu cầu về cải cách tư pháp. Tham gia phiên toà có 04 luật sư bào chữa cho các bị cáo, 02 luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho người bị hại Trần Văn Gióong. Tại phần tranh luận, các Luật sư bào chữa cho các bị cáo cho rằng Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Sách truy tố các bị cáo là chưa có căn cứ vì các bị cáo thực hiện hành vi Cố ý gây thương tích trong trường hợp trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, phòng vệ chính đáng và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên các bị cáo không phạm tội. Do chủ động tham gia xét hỏi, nắm chắc các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và thực hiện tốt việc trình chiếu, công bố công tài liệu bằng hình ảnh tại phiên toà, Kiểm sát viên đã đối đáp với luật sư, đưa ra các căn cứ và lập luận để giữ nguyên quyết định truy tố. Căn cứ các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, kết quả xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên các bị cáo phạm tội Cố ý gây thương tích như truy tố của Viện kiểm sát và xử phạt bị cáo Phạm Công Quý 07 tháng tù, bị cáo Phạm Công Trường, Phạm Công Quảng 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử tách là 12 tháng.
Sau phiên tòa, đồng chí Nguyễn Huy Tài - Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương chủ trì tổ chức rút kinh nghiệm. Các ý kiến đều có nhận xét chung về ưu điểm của Kiểm sát viên: đã làm tốt công tác số hoá tài liệu, công tác chuẩn bị trước phiên tòa, công tác kiểm hoạt động tư pháp tại phiên tòa, chủ động tham gia xét hỏi, tranh luận và bảo vệ được quyết định truy tố, quan điểm xử lý vụ án của Viện kiểm sát. Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đã nêu ra những tồn tại của Kiểm sát viên như: Kiểm sát viên còn hỏi lại nội dung mà Thẩm phán đã hỏi, cáo trạng còn dài, luận tội còn liệt kê chứng cứ, việc trình chiếu tài liệu đôi khi chưa cần thiết.
Việc tổ chức phiên toà để rút kinh nghiệm là việc làm cần thiết, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và cần có nhiều hơn nữa đơn vị tham dự; qua đó giúp cho cả Kiểm sát viên THQCT, KSXX và những người tham dự có kinh nghiệm thực tiễn, bản lĩnh nghề nghiệp và những thiếu sót tồn tại cần khắc phục, góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân.
Thông qua công tác THQCT và Kiểm sát xét xử vụ án, VKSND huyện Nam Sách nhận thấy công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhất là chính quyền địa phương chưa thật sự hiệu quả, chưa nâng cao được ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Hơn nữa công tác hòa giải cấp cơ sở chưa thật sự được chú trọng, quan tâm đúng mức, mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ nhân dân chưa được phát hiện kịp thời, giải quyết một cách triệt để, dứt điểm, mâu thuẫn kéo dài dẫn là một trong những nguyên nhân dẫn đến hành vi phạm tội của các bị cáo. Qua đó, VKS sẽ kiến nghị với chính quyền địa phương cần có những biện pháp cụ thể để tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chú trọng và quan tâm đến công tác hòa giải ở cơ sở để ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật xảy ra./.
Nguyễn Văn Nhuấn VKSND huyện Nam Sách |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.