- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Đạo đức, tác phong của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Chủ tịch Hồ Chí Minh- từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam và nhân dân tiến bộ yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hi sinh, vô cùng cao thượng và phong phú, vô cùng trong sáng và đẹp đẽ. Người không chỉ để lại hệ tư tưởng đồ sộ mà còn là một đạo đức, tác phong dễ gần dễ học.
Bác luôn coi đạo đức là cái gốc của người cách mạng, của con người trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Cái lớn nhất trong đạo đức của Bác là “hi sinh tất cả vì độc lập dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân”. Chính vì vậy mà cả cuộc đời của Bác “chỉ có một ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho đất nước được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Phẩm chất cao quý của Hồ Chủ tịch là trung với Đảng, trung với nước, hiếu với dân, kiên định trong lập trường cách mạng, sáng suốt trong đường lối chiến lược, dũng cảm trong hành động, khôn khéo trong xử lý tình huống, thắng không kiêu, khó khăn không nản, mẫu mực trong cuộc sống hằng ngày: khiêm tốn, giản dị, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thương yêu đồng bào, đồng chí hết mực. Bác là hình mẫu một công dân “giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy quyền không thể khuất phục”.
Bác là gương sáng về phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Những chân lý của thời đại Người diễn đạt bằng những lời nói giản dị mà hàm súc.
Bác Hồ tát nước chống hạn ở cánh đồng Quang Tô, xã Đại Thanh, tỉnh Hà Tây cũ (1958) |
Một trong những phong cách quý báu của Bác Hồ là “học đi đôi với hành”. Cả cuộc đời Bác là tấm gương học tập suốt đời. Bác học khi còn là Nguyễn Sinh Cung, Bác học khi là thầy giáo Nguyễn Tất Thành, Bác học khi là người thợ đốt lò, người thợ ảnh…Bác vẫn học khi là Hồ Chí Minh, khi là Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước. Cả cuộc đời của Bác là sự vận dụng sáng tạo những điều đã học vào thực tiễn cách mạng Việt Nam.
Phương pháp tư duy của Bác là luôn gắn lý luận với thực tiễn, dùng lý luận để soi sáng hoạt động thực tiễn, tổng kết thực tiễn để rút ra những kết luận mới bổ sung cho lý luận, thay thế cho lý luận đã lỗi thời. Nhiều luận điểm của Hồ Chủ tịch chưa có trong lý luận Mác-Lênin nhưng lại rất phù hợp với tinh thần của chủ nghĩa Mác-Lênin, rất phù hợp với điều kiện cụ thể của nước ta.
Nét đặc biệt trong phong cách Hồ Chí Minh là lời nói đi đôi với việc làm. Đề cao việc nêu gương đạo đức cách mạng mà trong đó bản thân Bác luôn luôn là tấm gương cho mọi người noi theo về lối sống khiêm tốn, giản dị, nếp sống cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư của Bác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người kiên quyết đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, tham ô, lãng phí công quỹ Nhà nước. Người coi đó là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội, Người yêu cầu trong Đảng phải “thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” xem đó “là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Người yêu cầu phải giữ gì Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân.
Nguyễn Văn Nhiệm VKSND tp Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.