- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Từ một đồn binh, trung tâm hành chính của triều
đại nhà Nguyễn được khởi lập năm 1804 dưới thời Vua Gia Long, sau 215 năm xây dựng phát triển
Thành Đông xưa - Thành phố Hải Dương ngày nay đã trở thành trung tâm
chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải
Dương và là đô thị trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
(Thành phố Hải Dương - Nguồn Internet) |
Lịch sử hình thành
Tổng hợp tư liệu lịch sử theo wesite (https://vi.wikipedia.org/wiki/Hải_Dương_(thành_phố))
Tên gọi Hải Dương chính thức có từ năm 1469 với ý nghĩa "Ánh sáng từ miền duyên hải chiếu về". Trước năm 1804, lỵ sở của tỉnh Hải Dương được đặt tại Lạc Thiên (Chí Linh), lúc ấy gọi là thành Vạn hay doanh Vạn. Sau đó rời về Mao Điền (Cẩm Giàng). Năm 1804 (năm Gia Long thứ 3), để củng cố bộ máy cai trị, nhà Nguyễn đã phân chia lại địa giới hành chính của cả nước, do vậy lỵ sở Hải Dương đã được rời từ Mao Điền về vùng ngã ba sông Thái Bình và sông Sặt, thuộc địa phận ba xã Hàn Giang, Hàn Thượng và Bình Lao, cách kinh đô Huế 1.097 dặm. Một ngôi thành sở được Tổng đốc Trần Công Hiếncho khởi công để làm trụ sở cho bộ máy và đồn trú quân sự, gọi là Thành Đông, với mục tiêu vừa là trấn thành, vừa án ngữ phía đông Kinh thành Thăng Long. Thành Đông lúc này là 1 trong 4 thành trong Thăng Long tứ trấn. Đây được xem như thời điểm khởi lập của thành phố Hải Dương.
Thành Đông ban đầu không có dân, chỉ có quan lại và quân lính. Đến năm 1866 (năm Tự Đức thứ 19), Đông Kiều phố được hình thành (tương ứng với phường Trần Phú và một phần phường Trần Hưng Đạo ngày nay), nhiều phố nghề ra đời như Hàng Giày - Rue Des Cordonnier (Sơn Hòa ngày nay), Hàng Đồng - Rue du cuivre (Đồng Xuân), Hàng Bạc - Rue des Changeurs (Xuân Đài), Hàng Lọng - Rue des parasols (Tuy An). Trong đó, phố Hàng Lọng chính là biểu tượng cho nền giáo dục của xứ Đông, vinh danh những người con đỗ đạt cao về vinh quy bái tổ. Ngoài các phố cổ mang tên nghề nghiệp như trên thì các phố cổ khác đều được bắt đầu bằng chữ "Đông" (sau khi giải phóng thành phố vào ngày 30/10/1954, Hải Dương kết nghĩa với Phú Yên và nhiều tuyến phố được đổi tên theo địa danh của tỉnh Phú Yên như ngày nay). Năm 1889, Thành Đông bị thực dân Pháp phá bỏ để lấy mặt bằng xây dựng nhà máy rượu và vài tòa dinh thự của người Pháp. Năm 1923, Toàn quyền Đông Dương quyết định thành lập thành phố Hải Dương. Không gian thành phố được chia thành hai khu vực: khu hành chính - nằm ven sông Sặt và khu kinh tế - từ Nhà máy rượu đến Nhà ga xe lửa. Các công sở và dinh thự của quan chức người Pháp được tập trung ven sông Sặt. Một số tòa dinh thự mang kiến trúc Pháp hiện nay vẫn còn được sử dụng như dinh Công sứ (nhà làm việc và nhà khách Tỉnh ủy); Sở Lục bộ (Sở Giao thông); nhà Séc-tây (Sở Thể dục - Thể thao cũ), Kho bạc (Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh), dinh Phó sứ (Sở Văn hóa - Thể thao & du lịch)... Với vị trí thuận lợi về giao thông và phát triển kinh tế, văn hóa; thành phố Hải Dương đã trở thành một trong 4 thành phố quan trọng nhất của Bắc Kỳ thời ấy cùng với Hà Nội, Hải Phòngvà Nam Định. Năm 1946, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Hưởng ứng Lời kêu gọi "Toàn quốc kháng chiến" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quân và dân thị xã Hải Dương với tinh thần quả cảm, bám đất, bám làng, tổ chức nhiều trận đánh ngay trong lòng thị xã. Nhiều trận đánh khốc liệt, khiến giặc Pháp kinh hoàng đã diễn ra tại các địa danh như Cầu Phú Lương, Nhà Nông Phố, Nhà máy Chai, Trường Con gái. Qua chín năm kháng chiến, quân dân thị xã Hải Dương tiêu diệt, bắt sống, chiêu hàng 3.425 tên địch; phá hủy 56 đoàn tàu và xe quân sự, thu giữ nhiều phương tiện chiến tranh... góp phần cùng với quân dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biện Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu". Tháng 3 năm 1947, nhà cầm quyền Pháp chia thành phố Hải Dương thành 2 quận, rồi sau đó một thời gian lại chuyển thành thị xã. Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, ngày 30-10-1954, quân dân Hải Dương tiến vào tiếp quản thị xã, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp. Ngày 30-10-1954 đã ghi mốc son lịch sử, khẳng định truyền thống vẻ vang, oanh liệt, đáng tự hào của Đảng bộ và nhân dân thị xã Hải Dương. Từ đây, Đảng bộ và nhân dân thị xã Hải Dương đã phát huy quyền tự do dân chủ, tạo sự gắn kết máu thịt giữa Đảng với dân, thi đua lao động sản xuất, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo dựng cuộc sống tốt đẹp.
(Thành phố Hải Dương thời Pháp thuộc - nguồn Internet) |
Trong chiến tranh chống đế quốc Mỹ, thị xã Hải Dương là mục tiêu bị đánh phá ác liệt. Giặc Mỹ đã trút xuống thị xã nhỏ bé hàng nghìn tấn bom đạn nhằm hủy diệt tuyến đường sắt, quốc lộ 5, ga Hải Dương, cầu Phú Lương, các nhà máy, xí nghiệp. Vượt lên bom đạn, quân dân thị xã đã huy động hàng trăm nghìn ngày công lao động, đào đắp giao thông hào, xây dựng trận địa pháo cao xạ, tên lửa, hầm trú bom để vừa sản xuất, chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa chi viện sức người, sức của cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Thị xã Hải Dương đã chi viện tuyến lửa miền nam hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm; gần 7.000 thanh niên lên đường chiến đấu theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc và hàng nghìn thanh niên xung phong có mặt trên khắp các chiến trường... Quân dân thị xã Hải Dương đã góp phần quan trọng cùng quân dân cả nước lập kỳ tích của thời đại, chiến thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, chấm dứt vĩnh viễn ách đô hộ của các thế lực đế quốc, thực dân. Ghi nhận những chiến công và sự đóng góp to lớn trong chiến đấu và sản xuất, thị xã Hải Dương được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý; nhân dân và lực lượng vũ trang thành phố Hải Dương vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Quá trình phát triển
Sau chiến tranh, thị xã Hải Dương cùng cả nước tập trung xây dựng chủ nghĩa xã hội, củng cố quan hệ sản xuất, từng bước hoàn thiện hệ thống chính trị, phát huy vai trò quản lý của Nhà nước trên các lĩnh vực. Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Đảng bộ và nhân dân thị xã Hải Dương đã phát huy khả năng sáng tạo, phấn đấu không ngừng đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, từng bước cải thiện nâng cao đời sống người dân. Năm 1997, thị xã Hải Dương được nâng cấp lên thành phố (đô thị loại III), ghi dấu ấn quan trọng trong lịch sử phát triển của TP Hải Dương. Phát huy truyền thống văn hóa, cách mạng của các thế hệ cha ông, Đảng bộ và nhân dân thành phố chung sức, chung lòng, tập trung phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng quy mô thành phố, tăng cường quản lý và xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Sau 12 năm phấn đấu, ngày 15-5-2009, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 616/QĐ-TTg công nhận TP Hải Dương là đô thị loại II.
(Thành phố Hải Dương ngày nay - Nguồn Internet) |
Tự hào với truyền thống anh hùng của quê hương, đất nước, những năm qua, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Dương không ngừng phát huy tinh thần lao động, sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng không gian, tăng cường quản lý và xây dựng văn hóa đô thị, hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Hải Dương trở thành đô thị loại I trước năm 2020 với đặc trưng là thành phố xanh - văn minh - hiện đại. thành phố Hải Dương đã hoàn thành đồ án “Quy hoạch chung thành phố Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn 2050” để làm cơ sở để quản lý và phát triển đô thị hiện đại. Cùng với đó, không gian thành phố được mở rộng, Từ một thị xã có không gian, đường phố nhỏ hẹp, đến nay thành phố Hải Dương có 21 phường, xã với diện tích tự nhiên 71,6 km2, dân số hơn 25 vạn người. Nhiều khu đô thị mới, khu du lịch sinh thái đã và đang hình thành, phát triển nhanh chóng; các công trình phúc lợi công cộng, đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng mỹ thuật, công viên, cây xanh... được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới.Đáng chú ý, đến nay đã có thêm 8 khu đô thị và hàng chục khu dân cư mới với tỷ lệ lấp đầy từ 70% trở lên; hơn 500km các tuyến đường giao thông chính; 259,78 km đường ngõ xóm được cứng hóa. Những cây cầu lớn như: cầu Hàn, Phú Tảo, Lộ Cương… cùng nhiều tuyến đường trọng điểm như đường 52m, đường Thanh Niên, đường Tuệ Tĩnh, đường Ngô Quyền… đã và đang hình thành những tuyến giao thông quan trọng, góp phần phát triển không gian đô thị và kết nối giao thông, qua đó đã thúc đẩy giao thương, tăng sức hấp dẫn thu hút đầu tư và đẩy mạnh quá trình đô thị hóa và là động lực để thành phố phát triển mạnh mẽ và đột phá.
Vinh dự, tự hào về thành phố hiện đại mang đậm bản sắc truyền thống văn hóa và lịch sử cách mạng, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Dương luôn ghi nhớ công ơn của các thế hệ đi trước, công ơn các Anh hùng liệt sĩ, các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố nguyện nỗ lực hơn nữa, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, nghị quyết đại hội đảng các cấp đề ra. Trong đó tập trung thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, công tác quản lý đô thị; quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển đô thị trong giai đoạn mới, nâng cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
Kỷ niệm 215 năm khởi lập Thành Đông (1804-2019), 65 năm giải phóng thành phố Hải Dương (30-10-1954 -30-10-2019) nhân dân thành phố Hải Dương càng phấn khởi, tự hào khi đón nhận Quyết định số 580/QĐ-TTg ngày 17/5/2019 của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I, xứng đáng là "Vùng động lực phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tập trung trên trục kinh tế giữa đô thị hạt nhân thành phố Hà Nội với thành phố Hải Phòng và thành phố Hạ Long, trong đó đô thị Hải Dương đóng vai trò đô thị trung tâm cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng đồng bằng phía nam - đông nam đồng bằng sông Hồng" như Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định.
Phát huy truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường của mảnh đất và con người Thành Đông xưa, thành phố Hải Dương ngày nay, Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Dương tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, vững tin vào đường lối đổi mới của Đảng, quyết tâm phấn đấu xây dựng thành phố Hải Dương giàu mạnh, văn minh, xứng tầm thời đại. Với sức hấp dẫn lớn về môi trường đầu tư và tính cạnh tranh, phát triển bền vững, hài hòa với môi trường, thành phố Hải Dương trong tương lai sẽ hội tụ đầy đủ các yếu tố của một đô thị hiện đại phát triển trong không gian mở, đáp ứng ngày càng tốt hơn vai trò là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học công nghệ, dịch vụ của tỉnh Hải Dương và là đô thị trung tâm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng. Đó là tâm nguyện và khát vọng của Đảng bộ và nhân dân thành phố Hải Dương, đồng thời cũng là trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với thế hệ mai sau.
Nguyễn Hồng Ngọc, Nguyễn Như Sáng VKSND thành phố Chí Linh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.