Trong hành trình đổi mới và phát triển đất nước, cải cách hành chính luôn được Đảng và Nhà nước xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Không chỉ dừng lại ở đơn giản hóa thủ tục hay hiện đại hóa nền hành chính, bước vào giai đoạn mới, Việt Nam đang từng bước thực hiện một cuộc cải tổ sâu rộng về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, trong đó có chủ trương sáp nhập, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp địa phương. Đây là một chủ trương lớn có ý nghĩa chiến lược thể hiện tầm nhìn dài hạn của Đảng đối với sự phát triển cân bằng, hiệu quả và bền vững của Đất nước.
Từ Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về “Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đến Nghị quyết số 37-NQ/TW năm 2018 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và mới nhất là Kết luận 48-KL/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2023–2030 có thể thấy quyết tâm nhất quán của Đảng trong việc tái cấu trúc không gian hành chính – tổ chức để thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững và đồng đều giữa các vùng, miền.

Hình ảnh minh họa: Đất nước ta đang ngày càng vươn mình phát triển
Chủ trương sáp nhập – như gợi ý về việc hợp nhất một số địa phương có quy mô nhỏ, dân số ít – không chỉ nhằm tiết kiệm chi phí, giảm trùng lặp trong bộ máy mà còn để tái định hình không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng và tạo ra các động lực tăng trưởng mới có quy mô đủ lớn. Trong xu thế phát triển hiện đại, một đơn vị hành chính với dân số, diện tích và nguồn lực quá nhỏ sẽ khó đảm đương được các yêu cầu quản lý nhà nước, khó thu hút đầu tư và khó xây dựng hạ tầng đồng bộ. Việc sắp xếp lại không gian hành chính vì thế là một bước đi có tính tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Dù vậy, đây là một chủ trương lớn tác động sâu rộng đến nhiều mặt của đời sống nhân dân, từ tổ chức bộ máy, quản lý nhà nước đến tâm lý xã hội, bản sắc địa phương. Do đó, cần phải triển khai thận trọng, khoa học có lộ trình rõ ràng bảo đảm sự đồng thuận cao trong toàn dân. Mỗi lần cải cách lớn đều đi kèm khó khăn nhưng khi chính sách đặt người dân là trung tâm và nhận được sự đồng thuận thì mọi thử thách đều có thể vượt qua.
Trải qua 50 năm đất nước thống nhất và phát triển, người dân Việt Nam một lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Trong các kỳ tiếp xúc cử tri, thảo luận về chủ trương sáp nhập địa phương, người dân đều mong muốn một bộ máy gọn nhẹ, hiệu quả và tin tưởng rằng Đảng, Nhà nước điều chỉnh để phù hợp với sự phát triển của đất nước, bảo đảm sự ổn định, phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa từng vùng miền.
Cuộc cải cách hành chính thông qua sáp nhập địa phương hôm nay chính là tiếp nối tinh thần cải cách của cha ông ta để xây dựng một Đất nước tập trung, dân chủ, hiệu quả và trên hành trình hiện đại hóa đất nước.
Nhân dân Việt Nam là một khối đại đoàn kết gắn bó keo sơn, luôn đồng sức, đồng lòng, luôn có một niềm tin vào Đảng và Nhà nước. Đó là nền tảng để mọi chính sách cải cách thành công, để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu trên thế giới./.
|
Phạm Huyên, Văn Phúc
VKSND huyện Cẩm Giàng |