Bác Hồ nói về Đảng trong Bản di chúc thiêng liêng

Thứ ba - 15/10/2019 21:00

Bác Hồ nói về Đảng trong Bản di chúc thiêng liêng

Bác Hồ viết Di chúc bắt đầu vào ngày 10/5/1965 đến ngày 19/5/1969 thì kết thúc. Di chúc là những lời căn dặn tâm huyết; mọi tâm nguyện cuộc đời, Bác đều gửi gắm trong Di chúc. Đây là một văn kiện lịch sử vô giá, toát lên khí phách, tinh thần lạc quan chiến thắng của một bậc “đại trí, đại nhân, đại dũng”, là kết tinh giá trị văn hóa của dân tộc và nhân loại; của tinh hoa tư tưởng, đạo đức, phong cách, tâm hồn cao đẹp của Người, suốt đời phấn đấu hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân và nhân loại. Di chúc của Người là tài sản vô giá của Đảng và nhân dân ta, có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn về nhiều mặt; là sự kết tinh của tinh hoa văn hóa dân tộc với tinh hoa văn hóa của nhân loại, là những chỉ dẫn quý báu, nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Linh hồn của bản Di chúc là “tính Đảng, tính Dân” là mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân, Bác coi công tác xây dựng Đảng là ngọn nguồn thành công trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc.


Ảnh: Bác Hồ tại ĐH Đảng Lao động Việt Nam, nguồn: internet

Ngay phần đầu tiên trong Di chúc Bác viết: “Trước hết nói về Đảng”. Bác viết: “Nhờ đoàn kết chặt chẽ, một lòng, một dạ, phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, cho nên từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta đã đoàn kết, tổ chức lãnh đạo nhân dân ta hăng hái đấu tranh tiến từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”. “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng ta và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Điều đó cho thấy, đoàn kết là nội dung tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, và khẳng định đó là truyền thống quý báu của Đảng; đồng thời, là truyền thống quý báu của dân tộc. Vấn đề đoàn kết trong Đảng có mối quan hệ đến sự thống nhất và vững mạnh của Đảng. Qua kinh nghiệm dày dạn trong quá trình hoạt động và lãnh đạo xây dựng Đảng, lãnh đạo cách mạng, Bác biết rõ nhất chỉ có đoàn kết mới tạo sức mạnh trong Đảng, nếu mất đoàn kết là Đảng sẽ suy yếu. Chỉ có đoàn kết Đảng mới đủ sáng suốt đề ra chủ trương, đường lối đúng đắn và đảm đương được vai trò hạt nhân, đoàn kết, lãnh đạo toàn dân thực hiện thắng lợi sự nghiệp cách mạng. Trong thực tế, chúng ta cũng đã thấy rõ, nơi nào nội bộ mất đoàn kết thì tổ chức Đảng nơi đó suy giảm sức chiến đấu, không hoàn thành nhiệm vụ. Cho nên, trước khi vĩnh biệt chúng ta, Bác yêu cầu Đảng ta phải giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất “như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Là đảng viên, thật vinh dự và hạnh phúc nếu thật sự thấu hiểu và toàn tâm, toàn ý thực hiện theo Di chúc của Bác Hồ; ngược lại thì thật xấu hổ khi trong nội bộ mất đoàn kết, nhất là những cá nhân đảng viên vì chủ nghĩa cá nhân, vì động cơ thấp hèn gây chia rẽ, mất đoàn kết trong Đảng, họ thật không xứng đáng với danh hiệu đảng viên cộng sản.

Đó là nội dung thứ nhất trong phần nói về Đảng mà Bác Hồ căn dặn trong Di chúc. Bác căn dặn trong mọi hoàn cảnh, Đảng phải giữ gìn truyền thống đoàn kết, thống nhất trong Đảng, để Đảng có sức mạnh, là hạt nhân lãnh đạo sự nghiệp cách mạng.

Lần đầu tiên trong Di chúc, Bác sử dụng khái niệm “Đảng ta là một Đảng cầm quyền”. Từ ngày thành lập đến nay, Đảng ta có hai thời kỳ, Đảng lãnh đạo cách mạng nhưng chưa nắm chính quyền - đó là thời kỳ từ năm 1930 cho đến trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Thời kỳ Đảng cầm quyền là từ khi Cách mạng Tháng Tám thành công và Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) cho đến nay - đó là công cụ để Đảng thực hiện lý tưởng là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Tức là Đảng lãnh đạo, quản lý, điều hành đất nước, xã hội thông qua hệ thống chính quyền và chính quyền luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đảng lãnh đạo cách mạng và Đảng cầm quyền không khác nhau về bản chất: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của cả dân tộc; đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, của nhân dân lao động và của dân tộc”, trong thời kỳ lãnh đạo cách mạng cũng như thời kỳ Đảng cầm quyền. Dù thời kỳ Đảng lãnh đạo cách mạng hay Đảng cầm quyền thì Đảng phải luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, nếu Đảng xa dân, không được dân ủng hộ là Đảng thất bại và không tồn tại được. Trong thời kỳ Đảng cầm quyền - Đảng phải xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh hơn bao giờ hết - xây dựng Đảng cả về chính trị, tổ chức, tư tưởng, đạo đức, trí tuệ và năng lực để luôn ngang tầm với sự nghiệp cách mạng đòi hỏi. Muốn xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, Bác yêu cầu: “Trong Đảng phải thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình”. Bác yêu cầu thực hiện các nguyên tắc này trong Đảng “phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”. Đây là vấn đề rất quan trọng, tự phê bình và phê bình mà không có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau thì rất dễ dẫn đến sát phạt lẫn nhau, dẫn đến mất đoàn kết, trái với tinh thần tự phê bình và phê bình là để xây dựng cá nhân, tập thể tốt hơn, đoàn kết và tiến bộ hơn. Đảng cầm quyền, có sứ mệnh lãnh đạo giai cấp, dân tộc xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Để hoàn thành sứ mệnh cao cả đó, Bác đòi hỏi đảng viên phải có đạo đức cách mạng “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Trong Di chúc, Bác viết: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật sự trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”. Không phải ngẫu nhiên mà Bác dùng nhiều từ “Thật” trong một mệnh đề như vậy, chắc chắn Bác đã cân nhắc rất nhiều. Thật là đối lập với giả, với dối. Thật là đối lập với qua loa, nửa vời, không đến  nơi, đến chốn. Bác muốn nhấn mạnh ở những điều mà Bác căn dặn đối với Đảng phải quan tâm thực hiện cho tốt, không thể giả dối, nửa vời. Hiểu quan điểm “đầy tớ” theo Bác ở đây là: Cán bộ, đảng viên là người chăm lo phục vụ nhân dân - mà phục vụ thì phải toàn tâm, toàn ý; tôn trọng, lễ phép với dân. Phải hướng dẫn nhân dân thực hiện, cái gì dân chưa rõ phải giải thích để dân thông hiểu mà thực hiện và đặc biệt là phải gương mẫu trước nhân dân mới làm tròn và xứng đáng với vai trò người lãnh đạo.


Ảnh: Bác Hồ với Bộ đội biên phòng, nguồn: internet

Những điều căn dặn tâm huyết ấy của Bác luôn luôn có ý nghĩa đối với mỗi đảng viên, cán bộ trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng. Những nội dung nói về Đảng trong Di chúc của Bác đã kết tinh tất cả các quan điểm của Bác về Đảng và xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam trong điều kiện Đảng cầm quyền.

Trong Di chúc, phần dặn dò những công việc sau chiến thắng đế quốc Mỹ là khá toàn diện, cho chúng ta thấy rõ Di chúc là một cương lĩnh chính trị xây dựng đất nước. Người căn dặn Đảng ta là ngay sau khi cuộc kháng chiến hoàn thành thì “toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta phải ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh” và đó là công việc “cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn, chúng ta phải có kế hoạch sẵn sàng, rõ ràng, chu đáo để tránh bị động, thiếu sót và sai lầm”. Để hoàn thành công việc nặng nề đó, Bác căn dặn: “Theo tôi, công việc phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tốt nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân”.

Có người khi nghe lời căn dặn này, có sự hoài nghi chắc Đảng ta có vấn đề gì chệch choạc mới chỉnh đốn lại Đảng. Đó là do chúng ta chưa quán triệt đầy đủ về công tác xây dựng Đảng. Bác thường nói, xây dựng, chỉnh đốn Đảng là công việc thường xuyên trong quá trình hoạt động và lãnh đạo cách mạng. Vì sao? “Khi cách mạng gặp khó khăn, chỉnh đốn Đảng để xây dựng thái độ bình tĩnh, sáng suốt, kiên định lập trường, lý tưởng; khi cách mạng trên đà thắng lợi, chỉnh đốn Đảng để ngăn ngừa bệnh kiêu ngạo, chủ quan, tự mãn, lạc quan tếu; khi Đảng cầm quyền, đảng viên rất dễ bị đánh mất mình, ngày hôm qua vĩ đại, ngày hôm nay không nhất thiết mọi người yêu mến nếu lòng dạ không còn trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”.

Những lời căn dặn trong Di chúc của Bác Hồ luôn mang tính thời sự nóng bỏng cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Di chúc thể hiện tính cương lĩnh chính trị hành động rất cao, nhất là phần nói về Đảng, nó kết tinh, chứa đựng những giá trị đạo đức sâu sắc. Học và làm theo tấm gương đạo đức của Bác - thực hiện Di chúc của Bác, nhất là phần nói về Đảng là trách nhiệm cao cả của những đảng viên cộng sản chân chính.

                                                                                                              Nguyễn Văn Nhiệm
VKSNDTP Hải Dương (ST)

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây