- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Nếu có một tính cách để tạo nên sự thành công của cán bộ Kiểm sát thì đó là- chính trực. Chính trực là một trong những phẩm chất mà Bác Hồ căn dặn người cán bộ trong ngành Kiểm sát phải trau dồi. Qua kiểm nghiệm bản thân và những đồng nghiệp thành công, tôi nhận thấy Chính trực chính là một đức tính cơ bản nhất tạo nên sự thành công của một người cán bộ Kiểm sát.
Thế nào là một cán bộ Kiểm sát thành công, đây là một khái niệm phức tạp, ít ai bàn, chắc rằng sẽ có nhiều quan điểm khác nhau nhưng theo tôi về căn bản phải đạt được những yếu tố sau: luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ; có cuộc sống xã hội, gia đình hài hòa và đặc biệt là được đồng nghiệp tin yêu, người bên ngoài nể trọng. Người đó không nhất thiết phải là hoàn thành tốt nhiệm vụ một cách tuyệt đối, không nhất thiết là giàu sang, hay chức vụ cao.
Vậy tại sao Chính trực là tính cách cơ bản nhất tạo nên sự thành công của một người cán bộ Kiểm sát ?
Theo Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) thì Chính trực là đức tính của sự trung thực và sự tuân theo các tiêu chuẩn đạo đức một cách mạnh mẽ; nói cách khác, nó là sự trung thực gắn liền với đạo đức. Thông thường, nó là một sự lựa chọn của cá nhân để giữ cho người đó luôn bám chắc vào các nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức.
Như vậy, một cán bộ Kiểm sát chính trực chính là người có đạo đức tốt, họ luôn sống bám chắc vào các nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức. Người đó luôn kính trên, nhường dưới; luôn sống tình nghĩa, có trước, có sau, ăn quả nhớ người trồng cây; hiếu nghĩa với bố mẹ, chung thủy với vợ chồng; đoàn kết với anh em, bạn bè; hòa nhã với bà con làng xóm, khối phố, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội...Một người như thế thì có cuộc sống hài hòa là một điều đương nhiên. Trong ấm thì ngoài mới yên. Cuộc sống gia đình hạnh phúc là nền tảng vững chắc để cho người cán bộ Kiểm sát hoàn thành trách nhiệm ở cơ quan.
Một người luôn bám chắc vào các nguyên tắc và tiêu chuẩn đạo đức thì sẽ như vậy với pháp luật, bởi vì giữa đạo đức và pháp luật có những đặc tính chung và có gắn kết với nhau, bổ sung cho nhau ở một mức độ nhất định. Với đức tính như vậy thì họ rất hợp với tính chất nhiệm vụ của người cán bộ Kiểm sát, đó là cùng toàn ngành: bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Người cán bộ Kiểm sát chính trực sẽ sống vì chính nghĩa, làm việc có nguyên tắc, thượng tôn pháp luật. Họ không chấp nhận một sự thật chưa rõ ràng, một cách giải quyết không thấu tình, đạt lý. Áp lực đồng tiền, quyền thế khó mà làm họ thay đổi được. Cũng chính vì thế kết quả các hoạt động của họ ít bị dao động và dần dần tiếp cận tới đúng đắn, chính xác và không thể tốt hơn. Những người cán bộ Kiểm sát chính trực có sức mạnh lớn, đó là sức mạnh của sự thật, của chân lý, của sự rõ ràng, cụ thể. Những hành động thiếu đạo đức, vi phạm pháp luật, vô nguyên tắc, ngang tai, trái mắt của những người khác sẽ bị cán bộ Kiểm sát đó không đồng ý, phản đối, kiến nghị, kháng nghị...Có thể họ không quát thẳng vào mặt những người đó, nhưng sẽ có những hành động kiên quyết, nghiêm khắc khiến những người có hành vi sai trái phải nể trọng.
Người cán bộ Kiểm sát chính trực có thể sẽ bị một số người không ưa, nhưng không bận tâm về việc đó, vì họ ý thức được rằng họ không có trách nhiệm làm vừa lòng người khác. Và họ có thể bị thất bại, nhưng không quá buồn, hay xấu hổ vì họ không nghĩ mình là bất khả và tự khoe khoang về bản thân. Thất bại chỉ là bài học để cho họ học hỏi vươn lên.
Những người cán bộ Kiểm sát như vậy thì việc luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ; có cuộc sống xã hội, gia đình hài hòa và đặc biệt là được đồng nghiệp tin yêu, người bên ngoài nể trọng là một điều đương nhiên. Tôi đã và đang làm việc với nhiều đồng nghiệp Chính trực, những người cán bộ Kiểm sát đó quả là những tấm gương trên mọi phương diện cho người khác học tập. Có những đồng chí trong các cuộc họp liên ngành dù không phải là người chủ trì nhưng luôn có những lời phát biểu rất có trọng lượng, như là kết luận cuộc họp, các ngành, những người có mặt đều đồng tình và làm theo; là chỗ dựa quan trọng trong việc quyết sách liên quan tới pháp luật của địa phương; Có những đồng chí dù đã về hưu nhưng vẫn được mọi người tin yêu, nể trọng...
Tóm lại, những cán bộ Kiếm sát, nhất là những người trẻ tuổi cần không ngừng trau dồi đức tính Chính trực để thành công trong cuộc sống và nghề nghiệp. Đó cũng là việc làm thiết thực để học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Nguyễn Văn Đoàn VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.