Nhà văn Lỗ Tấn đã từng nói: “Muốn viết một chữ trong bụng phải có một tấn chữ, muốn nói một từ, trong đầu phải có một ngàn từ. Đọc sách sẽ tạo cho người đọc một thói quen, rèn luyện cho đôi mắt thêm tinh, nhanh. Người ham đọc sách sẽ rút ra phương pháp đọc, đọc bằng mắt để rà nhanh, phát hiện những ý hay mình cần tìm. Đọc bằng miệng vừa huy động tổng hợp mắt nhìn, miệng đọc, tai nghe và não ghi vào bộ nhớ, tạo sự nhớ lâu, hiểu sâu ý nghĩa của nó”.
Đó là những đúc kết từ xa xưa các nhà hiền triết, các nhà khoa học đã rút ra từ thực tiễn của đời sống về tầm quan trọng của văn hóa đọc. Nhìn lại thực tại hiện nay, nhất là trong các thư viện, chẳng mấy khi có bạn trẻ đến mượn sách, nào là các cửa hàng sách cũng chỉ nhộn nhịp trong mấy ngày đầu năm học mới bởi phụ huynh, học sinh đến mua sách giáo khoa và tài liệu tham khảo, tài liệu nâng cao. Còn lại các ngày trong năm ít thấy lớp trẻ đến mua sách về đọc... Không hiểu các bạn trẻ bây giờ nghĩ gì trong khi thế giới đang chuyển dần từ hậu công nghiệp sang kinh tế tri thức, vậy mà lớp trẻ lại ít quan tâm đến văn hóa đọc.
Cũng bởi do ít đọc, ít tìm hiểu, cập nhật thông tin qua sách báo, nên vốn sống, vốn văn chương và lối sống văn hóa hình thành một phần từ văn hóa đọc của lớp trẻ bây giờ “cạn” lắm. Bạn sẽ không khó bắt gặp những bài văn thi tốt nghiệp và bài văn thi đại học với những câu văn ngô nghê, những cột mốc lịch sử bị sai lệch, rồi lấy “râu ông nọ cắm cắm bà kia” mà có thể gọi là “thảm họa văn học”….. đang gióng lên hồi chuông về văn hóa đọc hiện nay của giới trẻ.
Cũng bởi trong thời đại bùng nổ thông tin, các kênh truyền hình cả đêm lẫn ngày đầy ắp phim, ảnh, mọi thông tin có đầy trên các mạng, chỉ cần nhấp chuột rà qua các mạng, muốn gì cũng có và cả sự nhộn nhịp của quán xá cũng cuốn hút mất hết thời gian của giới trẻ.
Ngày xưa ngay cả trên xe tàu, trong giờ nghỉ giải lao... cũng thấy không ít người vội đem sách ra đọc. Chúng tôi còn nhớ ngay trong quân đội khi hết giờ luyện tập, chuẩn bị đi ngủ, anh em thường tổ chức chương trình đọc truyện đêm khuya trong vòng 30 phút đến một tiếng. Những truyện được đọc đi, đọc lại nhiều lần vẫn không thấy chán. Cánh cán bộ miền núi chúng tôi khi đi cơ sở, quà quý nhất cho các thầy cô giáo cắm bản là mấy tờ báo, ít cuốn tạp chí và vài bức tranh. Nay xem ra những thứ đó cũng không còn được thầy cô mặn mà nữa.
Đọc sách không phải chỉ để giết thời gian, mà đọc sách là để nâng cao nhận thức, tích lũy vốn văn học, qua sách vở tìm được những câu văn hay, những ý thơ đẹp. Không ít người luôn ghi chép những câu văn, bài thơ vào cuốn sổ, phục vụ cho công tác hoặc truyền dạy cho con cháu.
Lênin đã dạy rằng: “Không có sách, không có tri thức. Không có tri thức, không có chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”. Vậy mà ngày nay xem ra văn hóa đọc đang bị giới trẻ lãng quên. Cội nguồn lịch sử và cả những gương người tốt, việc tốt ít đến với bạn đọc trẻ... Những điều đó đang làm cho sinh hoạt văn hóa kém phần hấp dẫn, đạo đức xã hội xuống cấp. Thiết nghĩ các cấp, các ngành, nhất là ngành văn hóa cần sớm tìm phương pháp để duy trì và phát triển văn hóa đọc cho lớp trẻ và mỗi chúng ta tiếp tục chắp nối cho văn hóa đọc được duy trì mãi mãi và ngày càng phát triển.