Gia đình là chốn bình yên nhất, là nơi ai cũng muốn quay về mỗi khi yếu lòng, cô đơn hay vấp ngã. Đó cũng là nơi của hạnh phúc, của tình yêu thương, nơi của những nỗi nhớ dâng trào, được cảm nhận bằng con tim chứ không phải bằng lời nói.
Chúng ta đều cảm nhận được những điều này, nhưng khi có một gia đình riêng của mình, không phải ai cũng giữ được ngọn lửa ấm áp mang tên
Hạnh phúc và trách nhiệm.
Tôi đã được phân công nghiên cứu hồ sơ vụ án được xét xử ngày 26 tháng 5 năm 2016 tại Tòa án nhân dân huyện Thanh Hà. Nguyên đơn trong vụ án là chị Đào Thị D, sinh năm 1981, bị đơn là anh Nguyễn Văn H, sinh năm 1975, đều trú tại thôn M, xã L, huyện Thanh Hà.
Chị D và anh H tự nguyện tìm hiểu và đăng ký kết hôn năm 1998, có hai con chung là Nguyễn Thị H, sinh năm 1999 và Nguyễn Thị N, sinh năm 2005, đều khỏe mạnh và ngoan ngoãn. Hai vợ chồng hạnh phúc chung sống đến năm 2011 thì phát sinh mâu thuẫn, nguyên nhân là do thời điểm đó, anh H ốm đau, mắc bệnh trầm cảm dạng vừa, kinh tế trở nên khó khăn hơn, chị D một mình chăm lo cho cả gia đình, vợ chồng thường xuyên cãi vã. Vợ chồng anh chị sống ly thân từ đó tới nay, chị D về sống tại nhà mẹ đẻ. Do mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chưa tới mức trầm trọng, xuất phát từ việc anh H mắc bệnh trầm cảm, hơn nữa, anh H vẫn nhất mực thương yêu vợ con, các con cần tình thương yêu, đùm bọc của cả cha và mẹ, nên Tòa án đã xử bác đơn yêu cầu của chị D, bởi việc ly hôn với anh H trong thời điểm hiện tại không phù hợp.
Tại phiên tòa, anh H vì lý do sức khỏe nên Tòa xử vắng mặt anh, trước đó Tòa án đã tiến hành hòa giải nhưng không hòa giải được. Chị D một phần vì muốn dành thời gian kiếm tiền nhiều hơn để lo cho con, một phần vì khát khao một cuộc sống tươi đẹp hơn. Con gái lớn có nguyện vọng nếu bố mẹ bắt buộc phải ly hôn, mong cho được ở với bố để tiện bề chăm sóc những lúc anh H ốm đau.
Hiện nay, do bình đẳng giới đang được đề cao, trong gia đình chị D lại là người đứng mũi chịu sào về kinh tế, nhiều khó khăn và nhọc nhằn đè nặng lên đôi vai người phụ nữ, khó có thể trách chị D trong phút chốc không giữ được bình tĩnh, đưa ra những quyết định không đúng đắn. Phải chăng người lớn chúng ta đã quá ích kỉ, không thể cùng nhau vượt qua được giai đoạn khó khăn trong cuộc sống, đùn đầy trách nhiệm và khiến cho con cái chịu thiệt thòi?
Vậy nên, sau khi nghe đại diện Tòa án và Viện kiểm sát phân tích, nét mặt của chị D toát lên vẻ ân hận, đôi mắt ngấn nước. Nếu như chị ở bên và chăm sóc anh H những ngày anh mới bị bệnh, bệnh trầm cảm của anh đã chuyển biến tốt hơn rất nhiều. Có lẽ khi ấy, anh sẽ lao động được, không khí gia đình vui vẻ, xua tan đi nỗi lo bệnh tật.
Không có một gia đình nào là hoàn hảo... vẫn có cãi vã, thậm chí là sự lạnh lùng trong một thời gian rất dài, nhưng cho đến cuối cùng, gia đình vẫn là gia đình... nơi tình yêu luôn luôn hiện hữu.
Là một người chưa lập gia đình, khi mới bước chân vào ngành Kiểm sát, tôi được tiếp xúc với những vụ án ly hôn, dần dần tôi được thấu hiểu về sự cần thiết để gìn giữ một gia đình hạnh phúc.
Ngày 28 tháng 6 – Ngày Gia đình Việt Nam sắp tới, mỗi thành viên chúng ta hãy sống thật hạnh phúc và trách nhiệm, tạo tiền đề để thế hệ trẻ được trưởng thành và phát triển toàn diện. Hãy yêu thương gia đình nhiều nhất có thể vì gia đình là điều tuyệt vời nhất mà thượng đế ban tặng!