Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi vẹn nguyên giá trị

Thứ sáu - 01/06/2018 02:51

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh  mãi vẹn nguyên giá trị

Ngày 11/6/1948, tại bản Là Nọn, xã Phú Bình, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên nhân kỷ niệm 1.000 ngày Toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (19/12/1946-19/12/1948), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc, phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta.70 năm qua, theo tư tưởng của Người, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta đã thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng, đưa tới những thắng lợi vĩ đại trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

 
Bác Hồ với các đại biểu dự Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc lần thứ nhất (5-1952)

Ba năm sau thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong bối cảnh giặc đói, giặc dốt hoành hành khắp nơi, giặc ngoại xâm lăm le, âm mưu lật đổ chính quyền cách mạng non trẻ, trước tình thế cách mạng ngàn cân treo sợi tóc, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” động viên đồng bào, chiến sỹ phát huy truyền thống yêu nước thực hiện những nhiệm vụ cấp bách chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, góp của, góp công vào sự nghiệp kiến thiết và bảo vệ đất nước. Đó là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc và đồng thời nêu ra những yêu cầu quan trọng, cấp thiết đối với phong trào cách mạng nước ta.

Lời kêu gọi Thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh được đăng trên báo Cứu quốc số 968, ngày 24/6/1948, toàn văn như sau:

"Mục đích thi đua ái quốc là: Diệt giặc đói,Diệt giặc dốt,Diệt giặc ngoại xâm.Cách làm là: Dựa vào:Lực lượng của dân, Tinh thần của dân, để gây: Hạnh phúc cho dân. Vì bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau, Làm cho nhiều. Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già trẻ, gái trai, bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sỹ tranh đấu trên mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa, thực hiện một khẩu hiệu:Toàn dân kháng chiến, Toàn diện kháng chiến. Trong thi đua ái quốc, chúng ta:Vừa kháng chiến, Vừa kiến quốc. Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc sẽ là:Toàn dân đủ ăn đủ mặc, Toàn dân biết đọc, biết viết, Toàn bộ đội đầy đủ lương thực, khí giới, để diệt ngoại xâm. Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.Thế là chúng ta thực hiện: Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra. Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin: Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia công việc, Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn, Đồng bào phú hào thi đua mở mang doanh nghiệp, Đồng bào công nông thi đua sản xuất, Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh, Nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc, phụng sự nhân dân, Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng. Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi. Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp về mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp chúng ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chúng ta có thể thắng lợi, chúng ta nhất định thắng lợi. Hỡi toàn thể đồng bào, Hỡi toàn thể chiến sỹ Tiến lên!"

Với những ngôn từ vừa giản dị, gần gũi, dễ hiểu, dễ thực hiện vừa sâu sắc, toàn diện, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Người có sức lan toả sâu rộng, lôi cuốn mạnh mẽ, thôi thúc mọi ngành, mọi cấp, mọi người cùng thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thi đua phải thiết thực, gắn với công việc hàng ngày của mỗi người, đem lại lợi ích cho cá nhân, cho cộng đồng và cho đất nước. Từng câu, từng chữ trong “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Bác đã mở đầu cho các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, lan rộng khắp cả nước, góp phần đắc lực vào thắng lợi của cách mạng nước ta. Hưởng ứng Lời kêu gọi, cả nước đoàn kết một lòng, phát huy ý chí tự lực, tự cường, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, không chỉ bảo vệ vững chắc chính quyền cách mạng, làm nên những mốc son chói lọi trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc, hoàn thành thắng lợi sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà còn chung sức đồng lòng, phấn đấu  đưa dân tộc Việt Nam sánh vai với bè bạn quốc tế. Trong một phiên họp Hội đồng Chính phủ vào tháng 10/1948, tức vào khoảng sau hơn 4 tháng khi Bác của chúng ta viết "Lời kêu gọi thi đua ái quốc", Bác Hồ của chúng ta đã từng nói rằng: "...Trong cuộc vận động thi đua phải tránh xu hướng "bàn giấy", "công chức hoá", cần phải có sự phối hợp thống nhất trong chương trình thi đua thì thi đua mới có kết quả".

 Tổng kết một năm thực hiện phong trào, Người phấn khởi nói: "Cuộc thi đua nhằm 3 mục đích: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Mặc dù thiếu phương tiện, thiếu kinh nghiệm và bị giặc Pháp tìm mọi cách để phá hoại, ta vẫn thu được nhiều kết quả tốt đẹp sau một năm thi đua". Điều đáng chú ý là sau khi tổng kết, Bác Hồ lại nêu lên những vấn đề thi đua nối tiếp rất thực, cụ thể như: "Các cụ, các bà thì thi đua tham gia Hội mẹ chiến sĩ... Các cháu thiếu niên thì thi đua tòng quân. Cán bộ trong cơ quan thì thi đua sửa đổi cách làm việc cho hợp lý hơn. Các cháu nhi đồng thì thi đua học tập và giúp mọi người công việc...Mọi người đều thi đua, mọi việc đều có thi đua". Người cũng chỉ ra những khuyết điểm mà cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị thực tiễn và mang tính thời sự. Người nói: "Có nhiều nơi nhân dân mà trước hết là cán bộ chưa hiểu thật rõ ràng ý nghĩa của cuộc thi đua ái quốc...Tưởng lầm rằng thi đua là một việc khác với những việc hàng ngày. Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng thi đua". Và Người lấy ví dụ: "Từ trước tới giờ, ta vẫn ăn vẫn mặc, vẫn ở. Nay ta thi đua ăn, ở, mặc cho sạch, cho hợp vệ sinh, cho khỏi ốm đau. Xưa nay ta vẫn làm ruộng. Nay ta thi đua làm đất ruộng cho tốt hơn, sản xuất nhiều hơn. Mọi việc đều thi đua như vậy". Đặc biệt, Người chỉ rõ rằng, thi đua không phải là nhất thời mà phải là trường kỳ, thi đua phải sát với hoàn cảnh, sát với địa phương, không đặt kế hoạch to quá rồi làm không nổi, hoặc lúc đầu thì ồ ạt, ít lâu sau thì đuối sức. Có nơi các đoàn thể, các ngành kế hoạch không ăn khớp với nhau thành thử "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược", hoặc không đúc rút kinh nghiệm để học cái hay, tránh cái dở. Người khẳng định: "Thi đua là phải toàn dân, toàn diện. Trong cái việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính...".

Người đặc biệt quan tâm và coi trọng gương mẫu của cán bộ, đảng viên. Ngay từ năm 1927, khi xuất bản  tác phẩm “Đường kách mệnh”, Người đã nêu 23 điều về “Tư cách một người cách mệnh”, trong đó có điều: “Nói thì phải làm”. “Cán bộ đi trước/Làng nước theo sau/Việc khó đến đâu/Cũng làm được hết”.

Trong bài phát biểu với các chiến sĩ thi đua ngày 3/5/1952, Người  dạy: Cán bộ phải thi đua với quần chúng, xung phong làm gương mẫu cho quần chúng để kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc chóng thành công. Người cho rằng, một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền. “Anh hùng, chiến sĩ thi đua đã là người tiên phong trong sản xuất, mà cũng là gương mẫu về đạo đức cách mạng… Các anh hùng và chiến sĩ thi đua cần phải luôn luôn dìu dắt, giúp đỡ những người chung quanh mình cùng tiến bộ. Mọi người đều phải cố gắng tiến kịp các anh hùng, chiến sĩ; anh hùng, chiến sĩ thì cần tiến mãi không ngừng”.

Thực hiện Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các phong trào thi đua ái quốc đã phát triển rộng khắp các vùng miền và thu hút tầng tầng, lớp lớp nhân dân tham gia. Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược các phong trào thi đua  như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”, “Bình dân học vụ”, “Hũ gạo kháng chiến”… đã cuốn hút, cổ vũ, động viên đông đảo đồng bào và chiến sĩ cả nước hăng say lao động sản xuất, thực hành tiết kiệm chống giặc đói; thi đua học tập xoá nạn mù chữ, chống giặc dốt và dũng cảm ngoan cường trong chiến đấu diệt giặc ngoại xâm làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy 5 Châu, chấn động địa cầu”

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, các phong trào thi đua tiếp tục được duy trì và nở rộ trên khắp các lĩnh vực, các vùng, miền trong cả nước, như: “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt” ở miền Bắc, phong trào thi đua Ấp Bắc giết giặc lập công ở miền Nam. Phong trào “Sóng Duyên hải” trong sản xuất công nghiệp; “Gió Đại phong” trong sản xuất nông nghiệp; “Cờ Ba nhất” trong quân đội; “Trống Bắc lý” trong giáo dục; “Thanh niên Ba sẵn sàng”; “Phụ nữ Ba đảm đang”. Khẩu hiệu hành động: nhà nhà thi đua, người người thi đua, ngành ngành thi đua, ta nhất định thắng, địch nhất định thua, tất cả vì miền Nam ruột thịt, tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng giặc Mỹ xâm lược đã động viên, cổ vũ, huy động toàn bộ sức người, sức của của hậu phương lớn miền Bắc chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam, khơi dậy sức mạnh tổng hợp toàn dân tộc đoàn kết“đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, cả nước cùng xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Cho đến nay những lời dạy của Bác Hồ về vấn đề thi đua qua 70 năm  vẫn còn mang nhiều ý nghĩa về giá trị thực tiễn sâu sắc. Đặc biệt trong công cuộc đổi mới và phát triển trong xu thế hoà nhập hiện nay, lời kêu gọi thi đua yêu nước của Bác vẫn luôn là nền tảng, là động lực lôi cuốn đông đảo mọi tầng lớp nhân dân, mọi thành phần kinh tế, các tổ chức đoàn thể, ban ngành trong xã hội hưởng ứng tham gia.Hưởng ứng "Lời kêu gọi thi đua ái quốc" của Chủ tịch Hồ Chí Minh 70 năm qua , toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã phát động và tổ chức nhiều phong trào thi đua sôi nổi, rộng khắp, lan rộng khắp mọi mặt của đời sống xã hội, mọi tầng lớp nhân dân góp phần tạo nên động lực to lớn, cổ vũ, động viên đồng bào và chiến sỹ cả nước vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, chung sức, đồng lòng làm nên những thắng lợi vĩ đại của sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

                                                                                                            Nguyễn Hồng Ngọc – Nguyễn Như Sáng
VKSND thị xã Chí Linh
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây