- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư đọc diễn văn bế mạc Đại hội XII của Đảng(Ảnh internet) |
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ I
Đại hội diễn ra từ ngày 27-31/3/1935 tại Ma Cao (Trung Quốc) do đồng chí Hà Huy Tập chủ trì. Đại hội bầu đồng chí Lê Hồng Phong làm Tổng Bí thư. Đến tháng 10/1936, Trung ương Đảng được tổ chức lại, đồng chí Hà Huy Tập làm Tổng Bí thư; tháng 3/1938, Ban chấp hành Trung ương Đảng họp Hội nghị toàn thể, bầu đồng chí Nguyễn Văn Cừ làm Tổng Bí thư; tháng 11/1940, Hội Nghị Trung ương 7 bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Đại hội lần thứ nhất của Đảng có ý nghĩa lịch sử quan trọng, đánh dấu sự khôi phục được hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương, từ trong nước ra ngoài nước; thống nhất phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân, nông dân và các tầng lớp Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II
Đại hội diễn ra từ ngày 11-19/2/1951 tại xã Vinh Quang, Chiêm Hóa, Tuyên Quang. Dự đại hội có 158 đại biểu chính thức và 53 đại biểu dự khuyết, thay mặt cho hơn 766.000 đảng viên cộng sản trên toàn Đông Dương.
Đại hội đã tổng kết 21 năm Đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, 5 năm lãnh đạo chính quyền non trẻ và công cuộc kháng chiến kiến quốc; Đại hội đã phát triển đường lối kháng chiến và đề ra những chính sách cụ thể để đưa cuộc kháng chiến chống Pháp đến thắng lợi hoàn toàn và chuẩn bị những tiền đề đi lên chủ nghĩa xã hội sau khi kháng chiến thành công. Đại hội quyết định lấy tên Đảng là Đảng Lao động Việt Nam. Đại hội bầu ra Ban chấp hành Trung ương gồm 19 đồng chí chính thức và 10 đồng chí dự khuyết. Bộ Chính trị có 7 đồng chí chính thức và 01 đồng chí dự khuyết. Đại hội đã bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng, bầu đồng chí Trường Chinh làm Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III
Đại hội diễn ra từ ngày 05-10/9/1960 tại Hà Nội. Có 525 đại biểu chính thức thay mặt cho hơn 50 vạn đảng viên trong cả nước đã về dự Đại hội.
Đại hội đã tổng kết 30 năm lãnh đạo của Đảng, nêu lên những bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới gồm 47 đồng chí và 31 ủy viên dự khuyết. Ban chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 11 ủy viên chính thức.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục giữ cương vị Chủ tịch Đảng. Đồng chí Lê Duẩn được bầu làm Bí thư Thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV
Diễn ra từ ngày 14-20/12/1976 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.008 đại biểu chính thức thay mặt cho 1,55 triệu đảng viên cả nước, cùng với sự có mặt của nhiều đảng cộng sản và các tổ chức quốc tế khác.
Đại hội diễn khi đất nước đã được thống nhất sau hơn 20 năm chia cắt. Đại hội đã thảo luận, quyết định chuyển sang thực hiện cách mạng xã hội chủ nghĩa trên toàn đất nước. Đại hội đổi tên Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đại hội thay chức danh Bí thư Thứ nhất bằng Tổng Bí thư, bỏ chức danh Chủ tịch Đảng. Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 101 đồng chí chính thức. Ban chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 14 đồng chí. Đồng chí Lê Duẩn tiếp tục làm Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V
Đại hội diễn ra từ ngày 27-31/3/1982. Tham dự Đại hội có 1.033 đại biểu thay mặt 1,727 triệu đảng viên hoạt động trong 35.146 đảng bộ cơ sở.
Đại hội lần thứ V tập trung giải quyết những vấn đề gay gắt nóng bỏng đang đặt ra của cách mạng Việt Nam. Đại hội đánh dấu một bước chuyển biến mới về sự lãnh đạo của Đảng trên con đường đấu tranh “Tất cả vì Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, vì hạnh phúc của Nhân dân”. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng gồm 116 uỷ viên chính thức và 36 uỷ viên dự khuyết. Ban chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 uỷ viên chính thức và 2 uỷ viên dự khuyết. Đồng chí Lê Duẩn được bầu lại làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI
Đại hội diễn ra từ ngày 15-18/12/1986 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.129 đại biểu thay mặt cho gần 1,9 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đến dự Đại hội có 32 đoàn đại biểu quốc tế.
Đại hội đề xướng và lãnh đạo thực hiện sự nghiệp đổi mới.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VI gồm 124 uỷ viên chính thức và 49 uỷ viên dự khuyết. Ban chấp hành Trung ương Đảng đã bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Đồng chí Nguyễn Văn Linh được bầu làm Tổng Bí thư. Các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ được giao trách nhiệm là Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII
Đại hội diễn ra từ ngày 24-27/6/1991 tại Hà Nội. Dự đại hội có 1.176 đại biểu, thay mặt cho hơn 2.155.022 đảng viên trong cả nước. Đây được coi là Đại hội của trí tuệ - đổi mới, dân chủ - kỷ cương - đoàn kết; là Đại hội lần đầu tiên thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội cũng đã thông qua Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 146 ủy viên, Ban chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị gồm 13 ủy viên (Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ 6 khóa VII tháng 11/1993 đã bầu bổ sung thêm 4 ủy viên Bộ Chính trị). Đồng chí Đỗ Mười được bầu làm Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII
Đại hội diễn ra từ ngày 28/6-01/7/1996 tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.198 đảng viên đại diện cho gần 2 triệu 130 nghìn đảng viên trong cả nước. Đại hội khẳng định nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Tổng kết chặng đường 10 năm đổi mới, đại hội rút ra 6 bài học chủ yếu. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương gồm 170 ủy viên. Đồng chí Đỗ Mười được bầu lại làm Tổng Bí thư (sau đó, tại Hội nghị BCH TW lần thứ 4, khóa VIII - tháng 12/1997, đồng chí Lê Khả Phiêu đã được bầu làm Tổng Bí thư).
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX
Đại hội diễn ra từ ngày 19-22/4/2001 tại Hà Nội. Tham dự có 1.168 đại biểu là những đảng viên ưu tú được bầu từ các đại hội đảng bộ trực thuộc, đại diện cho 2.479.719 đảng viên trong toàn Đảng. Đại hội IX của Đảng có ý nghĩa trọng đại mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương khoá IX gồm 150 uỷ viên. Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 09 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X
Đại hội diễn ra từ ngày 18-25/4/2006 tại Thủ đô Hà Nội. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đây là Đại hội của trí tuệ, đổi mới, đoàn kết và phát triển bền vững. Chủ đề của Đại hội là: "Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển". Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Trung ương gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết, Bộ Chính trị gồm 14 thành viên và Ban Bí thư có 8 thành viên. Đồng chí Nông Đức Mạnh tái cử Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI
Đại hội diễn ra từ ngày 12 - 19/1/2011, tại Hà Nội. Dự Đại hội có 1.377 đại biểu đại diện cho hơn 3,6 triệu đảng viên sinh hoạt tại 57 nghìn tổ chức cơ sở Đảng.
Chủ đề của Đại hội là: “Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Đại hội lần thứ XI của Đảng là Đại hội mở đầu thập niên thứ hai của thế kỷ XXI; Đại hội đã thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 là những văn kiện quan trọng có ý nghĩa chiến lược, lâu dài đối với sự phát triển của đất nước. Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương Đảng gồm 175 ủy viên chính thức và 25 dự khuyết, Ban chấp hành Trung ương bầu Bộ Chính trị 14 đồng chí (Hội nghị Trung ương 7, tháng 5/2013 bầu bổ sung 02 đồng chí). Ban Bí thư gồm 11 đồng chí. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng được bầu Tổng Bí thư.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII
Đại hội diễn ra từ ngày 20 - 28/1/2016, tại Hà Nội. Tham dự đại hội có 1.510 đại biểu đại diện cho hơn 4,5 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Chủ đề của Đại hội là: “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa; đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.Phương châm của Đại hội: “Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Đổi mới”.
Đại hội tổng kết 30 năm đổi mới, đánh giá quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI (2011 - 2015) và đề ra mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát phát triển đất nước trong giai đoạn 2016 - 2020; bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban kiểm tra Trung ương Khóa XII (2016 - 2020).
Đàm Trang, Tiến Thành (tổng hợp) VKSND thị xã Kinh Môn |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.