- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Tranh tụng là một trong những hoạt động trọng tâm của phiên tòa xét xử, có ý nghĩa rất quan trọng trong tố tụng hình sự. Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản, độc lập (Điều 26 Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm). Xuất phát từ thực tiễn công tác Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự trong thời gian qua, tác giả xin đưa ra một số vấn đề cần thiết nhằm nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa như sau:
Một là: Nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm của Kiểm sát viên. Kiểm sát viên phải thường xuyên tự học, tự nghiên cứu để nâng cao trình độ nghiệp vụ và kiến thức về mọi mặt, tích lũy kinh nghiệm thực tiễn, rèn luyện tác phong, phương pháp, kỹ năng tranh tụng. Mỗi Kiểm sát viên cần có sự chuyển biến thực chất về nhận thức, xác định rõ tranh tụng tại phiên tòa không chỉ là quyền mà còn là nghĩa vụ.
Hai là: Nâng cao chất lượng công tác Thực hành quyền công tố, Kiểm sát điều tra vụ án hình sự. Mặc dù Tòa án chỉ căn cứ vào kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa, song các chứng cứ thu thập được ở giai đoạn điều tra đầy đủ sẽ là điều kiện thuận lợi cho Kiểm sát viên Thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Vì vậy, muốn nâng cao chất lượng xét hỏi, luận tội và đối đáp tranh luận đòi hỏi các Kiểm sát viên phải nâng cao chất lượng THQCT và Kiểm sát điều tra các vụ án hình sự. Chất lượng điều tra vụ án càng tốt thì hiệu quả công tác THQCT tại phiên tòa của Kiểm sát viên càng cao.
Ba là: Bố trí những Kiểm sát viên có năng lực thật sự vào khâu Thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Hoạt động THQCT tại phiên tòa đòi hỏi Kiểm sát viên phải sắc sảo trong xét hỏi, luận tội và đối đáp tranh luận. Do vậy, Kiểm sát viên phải có hiểu biết không chỉ về chuyên môn, nghiệp vụ, mà kể cả về kiến thức xã hội lẫn khả năng hùng biện mới có thể thực hiện nhiệm vụ một cách có hiệu quả tại phiên tòa. Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng viết, nói là những yếu tố hội tụ bắt buộc ở Kiểm sát viên THQCT tại phiên tòa.
Bốn là: Tăng cường công tác số hóa hồ sơ và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa. Khi Kiểm sát viên thực hiện công bố cáo trạng, tranh luận, đối đáp với Luật sư, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác để bảo vệ cáo trạng, quan điểm của Viện kiểm sát và làm rõ những nội dung tranh luận thì Kiểm sát viên có thể vừa thực hiện trực tiếp bằng lời nói vừa tác động trực quan, sinh động bằng hình ảnh các tài liệu, chứng cứ, lời khai, các file ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh tới tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa được biết, theo dõi. Có như vậy, hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên sẽ sinh động, thuyết phục và đạt hiệu quả cao. Khi công bố chứng cứ tài liệu bằng hình ảnh tại phiên toà, Kiểm sát viên phải chú ý tuân theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, chỉ công bố lời khai trong giai đoạn điều tra, truy tố khi thuộc một trong các trường hợp: lời khai người được xét hỏi tại phiên tòa mâu thuẫn với lời khai của họ trong giai đoạn điều tra, truy tố; người được xét hỏi không khai tại phiên tòa hoặc không nhớ lời khai của mình; người được xét hỏi vắng mặt hoặc đã chết hoặc người được xét hỏi đề nghị công bố lời khai của họ.
Năm là: Tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm. Việc tổ chức được nhiều phiên tòa rút kinh nghiệm giúp Kiểm sát viên có cơ hội đánh giá kết quả, khắc phục những thiếu sót mà các phiên tòa trước đã tồn tại. Việc tổ chức phiên toà rút kinh nghiệm không được làm qua loa, chiếu lệ, mà phải chú trọng vào thực chất, với mục đích tạo ra sự chuyển biến về chất, biến mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm là một cơ hội tốt để Kiểm sát viên nói riêng và các chức danh tư pháp khác nói chung rèn luyện, nâng cao kiến thức, tích lũy kinh nghiệm, hoàn thiện kỹ năng tranh tụng để có thể đảm nhiệm và hoàn thành những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp hơn.
Sáu là: Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành đối với lĩnh vực công tác này, cụ thể là: Lãnh đạo viện thường xuyên tham dự, theo dõi các phiên tòa để có những nhận xét, đánh giá rút kinh nghiệm đối với việc xét hỏi, luận tội và đối đáp tranh luận của Kiểm sát viên, qua đó tổng kết rút kinh nghiệm để giúp Kiểm sát viên nâng cao kỹ năng nghiệp vụ.
Bảy là: Tăng cường công tác phối hợp giữa Viện kiểm sát với các cơ quan tiến hành tố tụng để đảm bảo việc giải quyết các vụ án hình sự được kịp thời, đúng quy định của pháp luật. Các Kiểm sát viên cần có cái nhìn tích cực hơn về hoạt động luật sư, xem luật sư là thành tố không thể thiếu trong hoạt động tố tụng, tạo mối quan hệ bình đẳng, tôn trọng và hỗ trợ nhau để việc giải quyết vụ án đảm bảo tính khách quan.
Tranh tụng không chỉ giúp Kiểm sát viên mà cả những người tham gia tố tụng, luôn luôn có tinh thần tôn trọng sự thật khách quan, khi đưa ra ý kiến của mình cũng như khi tranh luận lại các ý kiến đó, tranh tụng tốt sẽ nâng cao được vị thế của Kiểm sát viên tại phiên tòa và góp phần nâng cao uy tín của Viện kiểm sát, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp./.
Phạm Văn Bình |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.