Trò chơi điện tử - Hung thủ giấu mặt trong vụ thảm sát kinh hoàng
Thứ sáu - 08/08/2014 03:01
Ngày 02/8/2014 vừa qua tại thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã xảy ra vụ án mạng kinh hoàng gây chấn động dư luận. Thủ phạm gây nên cuộc thảm sát là Phạm Duy Quý, sinh năm 1992 (là con trong gia đình). Qua xác minh ban đầu, vào khoảng 19h30’ ngày 02/8/2014 tại nhà ông Phạm Duy Tuấn - thôn Ngoại Đàm, xã Phượng Hoàng, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, Phạm Duy Quý đã dùng dao rựa chém nhiều nhát vào người ông Phạm Duy Tuấn (bố đẻ Quý), bà Nguyễn Thị Thơm (mẹ đẻ Quý). Sau đó Quý tiếp tục sang nhà bà Lan (bà nội của Quý) chém bà Lan nhiều nhát vào đầu, tay. Chưa dừng lại tại đó, hung thủ còn xông vào buồng tắm và chém chị Phạm Thị Hằng (chị họ Quý ). Hậu quả làm ông Tuấn, bà Thơm, bà Lan, chị Hằng chết tại chỗ. Phạm Duy Quý cũng đã tự sát tại nhà tạm giữ sau đó 02 ngày.
Theo người dân địa phương, những cái chết thương tâm trên xuất phát từ căn bệnh trầm cảm của thanh niên này. Qua tìm hiểu được biết Trò chơi điện tử (game) là một trong những nguyên nhân gây nên căn bệnh của Quý .
Cùng với sự phát triển không ngừng của Công nghệ thông tin, máy tính, điện thoại và hệ thống mạng internet ra đời phục vụ đắc lực cho con người trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực giải trí. Ngày càng có nhiều công ty, nhà sản xuất quan tâm và tham gia kinh doanh các phần mềm trò chơi điện tử và kéo theo đó là vô vàn các tựa game, thể loại game phát hành đáp ứng cái gọi là “nhu cầu giải trí” đó. Xã hội ta nói riêng và thế giới nói chung còn có quan điểm công nhận chơi game cũng như chơi thể thao đồng thời gắn vào nó một cái tên không kém mỹ miều “Thể thao điện tử”. Tuy nhiên nhìn vào nội dung thực tế của những trò chơi đang hoạt động tại Việt Nam, không ít người phải giật mình vì hàm chứa trong đó là một thế giới ảo hỗn loạn, nguyên thuỷ. Từ những cảnh bắn giết đẫm máu, những cuộc sát phạt với quy mô hàng vạn sòng bài, chiếu bạc, những lời mời gọi dung tục, đồi truỵ… tất cả được phơi bày trong game, đúng nghĩa xã hội không luật pháp, không nhân đạo. Thế giới ảo đó mở ra, lôi cuốn hàng triệu con người chìm đắm, đam mê rồi trở thành kẻ lệ thuộc vào công nghệ do chính con người tạo ra. Điều đáng buồn là đối tượng tiếp cận với những hiện thực trên độ tuổi càng lúc càng được trẻ hoá. Nếu không kịp thời kiểm soát vấn nạn này thì tương lai sẽ có nhiều “Phạm Duy Quý” sẵn sàng “huỷ diệt” thế giới để thoả mãn ảo giác đến từ Trò chơi điện tử.
Trò chơi điện tử sinh ra không với mục đích xấu nhưng chính con người đang làm xấu đi giá trị của nó cũng như xấu đi giá trị của bản thân. Việc buông lỏng quản lý của các cơ quan có thẩm quyền trong kiểm duyệt, vận hành trò chơi điện tử gián tiếp ảnh hưởng đến sức khoẻ, tinh thần của hàng triệu người tham gia mỗi ngày, trong đó không ít người là con, em gia đình chúng ta.