Tìm hiểu về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013

Thứ ba - 26/08/2014 05:02

Tìm hiểu về quyền con người trong Hiến pháp năm 2013

          Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề cập tới quyền con người rất sớm, Người khẳng định quyền con người gắn liền với quyền dân tộc, với độc lập chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ. Người đã chỉ ra rằng quyền con người chỉ có thể có được bằng con đường đấu tranh cách mạng chống áp bức, bóc lột của chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc và đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Chỉ có như vậy thì các quyền cá nhân và quyền dân tộc mới được bảo đảm bền vững. Tư tưởng về quyền con người còn được thể hiện rõ nét trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945 “Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Hội nghị triển khai thi hành Hiến pháp của ngành Kiểm sát
 
          Kế thừa những tinh hoa của tư tưởng Hồ Chí Minh về quyền con người, đồng thời để phù hợp tư tưởng nhân quyền tiến bộ của các nước trên thế giới, thể hiện sự tôn trọng cam kết về các Công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết, Quyền con người được thể hiện rõ nét trong Hiến pháp 2013.
          Điều đầu tiên chúng ta dễ dàng nhận thấy là có sự thay đổi về tên Chương so với Hiến pháp trước, nếu như Hiến pháp trước tên chương là “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” thì Hiến pháp 2013 đổi thành “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân”, bên cạnh đó vị trí chương cũng được thay đổi, Hiến pháp mới Chương Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xếp ở vị trí thứ hai, chỉ xếp sau Chương về Chế độ chính trị, khác hẳn so với Hiến pháp năm 1992 quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân được xếp ở Chương V, điều này thể hiện tầm quan trọng của quyền con người trong Hiến pháp.
         Điểm mới nữa của Hiến pháp 2013 là nếu như trong Hiến pháp 1992 dùng cụm từ “Công dân” trong các Điều 52, 58, 60, 61, 69, 70, 71, 73, 74 thì Hiến pháp 2013 thay bằng cụm từ “mọi người” thể hiện sự mở rộng đối tượng hướng đến của Hiến pháp.
          So với Hiến pháp năm 1992 thì Hiến pháp năm 2013 quy định rõ quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế trong một số trường hợp nhất định, tránh tình trạng xâm phạm quyền con người, quyền công dân. "Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật; Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng" (Điều 14 Hiến pháp).
          Tại Điều 19 Hiến pháp sửa đổi năm 2013.Bổ sung thêm quy định: "Mọi người có quyền sống. Tính mạng con người được pháp luật bảo hộ. Không ai bị tước đoạt tính mạng trái pháp luật". Quy định như vậy thể hiện sự đề cao quyền sống của con người, điều này còn được khẳng định trong tác phẩm nổi tiếng “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai A.strovsky  “cái quý nhất của con người ta là sự sống, đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để khi nhắm mắt xuôi tay có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người...”.
          Tại khoản 3 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm”, đây là điểm mới so với Hiến pháp năm 1992, thể hiện được quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác của mọi người để chữa bệnh cho người thân, cũng như đề cao vai trò của bộ phận cơ thể người phục vụ cho việc nghiên cứu, chữa bệnh trong y học hiện nay.
          Tại Điều 57 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do kinh doanh” thì tại Điều 33 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” , qui định như vậy thể hiện việc mở rộng hơn về đối tượng được kinh doanh và ngành nghề được kinh doanh tạo điều kiện mọi người tự do kinh doanh làm giàu chính đáng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.
          Ngoài một số nội dung cơ bản trên, Hiến pháp năm 2013 quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân đã quy định rõ ràng, cụ thể và bổ sung đầy đủ hơn so với Hiến pháp năm 1992 như gộp các điều 65, 66, 67 và bổ sung thêm một số nội dung thành Điều 37 Hiến pháp năm 2013; tách Điều 53 Hiến pháp năm 1992 quy định về công dân có quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân thành Điều 29 Hiến pháp năm 2013: “Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân”…
          Như vậy ta có thể thấy, Hiến pháp năm 2013 có sự đổi mới quan trọng theo hướng ghi nhận mọi người có quyền, công dân có quyền và quyền con người là quyền tự nhiên, bất cứ ai cũng cũng có quyền đó; quyền công dân là quyền của người có quốc tịch Việt Nam… Để mọi người, công dân thực hiện quyền của mình thì Hiến pháp năm 2013 quy định trách nhiệm của Nhà nước là phải ban hành văn bản pháp luật để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người và công dân thực hiện đầy đủ các quyền của mình. Mỗi chúng ta để phát huy được hiệu quả quyền con người trong cuộc sống cũng như trong công việc cần phải trau dồi tri thức, am hiểu và nắm vững quy định của Hiến pháp và pháp luật./.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây