Hiến pháp là văn kiện chính trị - pháp lý cao nhất, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, là nền tảng pháp lý cho sự ổn định và phát triển của đất nước. Do đó, việc tham gia góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là quyền, đồng thời là nghĩa vụ thiêng liêng của mỗi công dân Việt Nam, đặc biệt là đội ngũ cán bộ đang công tác trong cơ quan bảo vệ pháp luật.
Xác định rõ trách nhiệm này, ngày 19/5/2025, tập thể lãnh đạo,cán bộ công chức và người lao động Viện kiểm sát nhân dân (KSND) huyện Nam Sách đã tổ chức họp đơn vị quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tạo điều kiện để các công chức và người lao động nghiên cứu, đóng góp ý kiến sát với thực tiễn trong nhân dân và phù hợp với chủ trương của nhà nước.
Bằng hình thức tham gia đóng góp ý kiến trực tiếp, 100% cán bộ, công chức và người lao động trong đơn vị đã tổ chức nghiên cứu dự thảo Nghị Quyết và tham gia ý kiến vào dự thảo Nghị Quyết. Kết quả lấy ý kiến việc góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã đạt được như sau: 100 % các ý kiến tham gia đóng góp đều nhất trí tán thành với việc sửa đổi, bổ cung Điều 9, Điều 10, khoản 1 Điều 84, Điều 110, khoản 2 Điều 111, khoản 2 Điều 112 khoản 1 Điều 114 Hiến pháp 2013;100%các ý kiến tham gia đóng góp đều nhất trí không tán thành với việc sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115 Hiến pháp 2013.
(Ảnh: Viện KSND huyện Nam Sáchtổ chức họp đơn vị về việc góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp)
Về nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 115, Viện KSND huyện Nam Sách không tán thành do Điều luật này loại bỏ quyền chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân đối với Chánh án Toà án nhân dân và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Việc loại bỏ quyền chất vấn như trên dẫn đến khoảng trống trong giám sát đối với hoạt động tư pháp. Thực tế, khi sắp xếp lại hệ thống tổ chức, TAND và VKSND vẫn giải quyết các vụ việc tại địa phương, nên vẫn cần phải giải trình trước dân thông qua HĐND để nâng cao tính minh bạch, duy trì hiệu quả kiểm soát quyền lực ở địa phương. Vì vậy, Viện KSND huyện Nam Sách đề xuất giữ quyền chất vấn của đại biểu HĐND cấp tỉnh đối với Chánh án Toà án và Viện trưởng Viện kiểm sát. Trường hợp cần điều chỉnh do sắp xếp tổ chức bộ máy, có thể bổ sung cơ chế phù hợp hơn chứ không nên loại bỏ quyền giám sát.
Việc tham gia góp ý sửa đổi Hiến pháp là trách nhiệm chính trị quan trọng của đội ngũ cán bộ kiểm sát.Toàn bộ ý kiến đóng góp đã được tổng hợp và gửi về cấp trên, góp phần xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Mạc Như Quỳnh – VKSND huyện Nam Sách