- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Nhìn lại lịch sử, con người đã trải qua các cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật lớn đem đến những thay đổi cho sự phát triển của nhân loại. Cách mạng công nghiệp đầu tiên sử dụng năng lượng nước và hơi nước để cơ giới hóa sản xuất. Cuộc cách mạng lần thứ 2 diễn ra nhờ ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt. Cuộc cách mạng lần thứ 3 sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất. Và hiện nay, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng công nghiệp 4.0) còn được gọi là cuộc cách mạng số, thông qua các công nghệ như Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), mạng xã hội, điện toán đám mây, di động, phân tích dữ liệu lớn (SMAC)... để chuyển hóa toàn bộ thế giới thực thành thế giới số.
|
Mỗi cuộc cách mạng đều đặc trưng bằng sự thay đổi về bản chất của sản xuất và sự thay đổi này được tạo ra bởi các đột phá của khoa học và công nghệ. Và một khi quan hệ sản xuất – yếu tố của cơ sở hạ tầng thay đổi thì tất yếu dẫn đến sự thay đổi trong kiến trúc thượng tầng mà nhà nước và pháp luật là một phần của kiến trúc thượng tầng đó. Vì vậy xây dựng, đào tạo đội ngũ cán bộ công chức nói chung và đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm sát nói riêng cũng cần phải có giải pháp kịp thời, tiệm cận với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0.
Cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến cho chúng ta những cơ hội để phát triển: các phương tiện kỹ thuật hiện đại, công nghệ tiên tiến nếu được áp dụng hợp lý sẽ nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, hỗ trợ trong việc quản lý nhân lực, tiến độ giải quyết công việc, số hóa dữ liệu để lưu trữ và khai thác tối ưu, bảo mật thông tin, …
Nhưng bên cạnh đó là không ít những thách thức: thực tế đấu tranh phòng chống tội phạm cho thấy, tội phạm ngày càng có xu hướng lợi dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật để thực hiện hành vi phạm tội một cách tinh vi, xảo quyệt, công cụ, phương tiện phạm tội ngày càng hiện đại, chuyên dụng, ví dụ như đánh bạc, cá độ trực tuyến, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet… Do đó, sớm hay muộn, tội phạm cũng sẽ lợi dụng những tiến bộ khoa học của công nghiệp 4.0 như công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ trí tuệ nhân tạo, in 3D… để thực hiện hành vi phạm tội. Người thực hiện hành vi phạm tội lúc này cũng là người có trình độ chuyên môn cao, am hiểu khoa học, kỹ thuật, nên việc đấu tranh, phát hiện sẽ gặp không ít khó khăn.
Bên cạnh đó, thành quả của cách mạng công nghiệp 4.0 cũng mang lại những nguy cơ rủi ro bất ổn về mặt xã hội khi tự động hóa nền sản xuất dẫn đến dư thừa lực lượng lao động, đồng nghĩa sẽ tạo ra những mâu thuẫn xã hội về việc làm, thu nhập của người dân, những yếu tố nêu trên sẽ tác động làm thay đổi phương, thức thủ đoạn của tội phạm. Những thay đổi đó cũng dẫn đến những quan niệm, kiến thức truyền thống về tội phạm có những sự thay đổi, ví dụ khái niệm nơi xảy ra tội phạm, hiện trường, việc phân loại, thu thập chứng cứ,…
Vì vậy, trong thời đại bùng nổ của cách mạng công nghiệp 4.0, người cán bộ kiểm sát cần phải được trang bị kiến thức, hiểu biết về công nghệ cao, có như vậy mới hiểu được bản chất, phương thức, thủ đoạn mà đối tượng phạm tội sử dụng để thực hiện hành vi. Phải sử dụng được sức mạnh của công nghệ để kiểm soát tình tình thực hiện nhiệm vụ, các quyết định, phản ứng, chỉ dẫn xử lý sự việc vi phạm và tội phạm phải được đưa ra chính xác với tốc độ nhanh nhất.
Để chủ động nắm bắt thời cơ, tận dụng các lợi thế do cuộc cách mạng 4.0 mang lại, cần xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm sát không những vững về chính trị, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ mà còn cần am hiểu công nghệ và biết vận dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật vào thực hiện nhiệm vụ. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần bổ sung nội dung đào tạo kiến thức công nghệ cao gắn liền với việc thực hiện nhiệm vụ cũng như cách thức bảo mật thông tin công tác kiểm sát trước các cuộc tấn công trên không gian mạng; sử dụng điện toán đám mây để lưu trữ thông tin phục vụ công tác vào bất cứ lúc nào mà không cần phải trao đổi qua đường thủ công văn bản, công văn như hiện nay…
Như vậy, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã có những bước đi đầu tiên, tạo ra cơ hội cho cán bộ kiểm sát tiếp cận được những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, đồng thời cũng đặt ra rất nhiều thách thức trong việc thực hiện nhiệm vụ để góp phần bảo vệ chủ quyền quốc gia, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Vì vậy, bên cạnh việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ cấu tổ chức bộ máy hợp lý thì việc đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu bổ sung phương pháp kiểm sát tiên tiến thông qua sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số là đòi hỏi cấp thiết từ thực tế mang ý nghĩa sống còn để đội ngũ cán bộ kiểm sát không bị tụt hậu, thích ứng kịp thời trước cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Cao Thị Thu Trang VKSND thị xã Chí Linh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.