Thời gian gần đây, liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tâm ở các lò vôi thủ công đã gióng lên hồi chuông báo động. Trên thực tế, mặc dù biết được những nguy hiểm luôn xảy đến bất cứ lúc nào, nhưng vì lợi nhuận và thiếu sự kiên quyết từ phía các cơ quan chức năng nên chưa thể thay đổi được công nghệ sản xuất vôi. Trong khi đó, những công nhân làm việc tại các lò vôi lại thường không được đào tạo và trang bị bảo hộ an toàn trong quá trình lao động. Khi xảy ra tai nạn, họ thường tỏ ra rất lung túng trong việc xử lý tình huống. Do vậy, những vụ tai nạn lò vôi thường để lại hậu quả rất nặng nề.
Ngay đầu năm 2016 tại xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa đã cướp đi mạng sống của 8 công nhân xấu số. Nguyên nhân của vụ tai nạn được xác định các nạn nhân đều bị ngạt khí CO trong quá trình nung vôi bằng phương pháp truyền thống.
Hay mới đây nhất là vụ tai nạn lò vôi xảy ra hồi 14 giờ 30 phút chiều ngày 3/7/2016 tại nhà ông Nguyễn Văn Văn ở khu 6, thị trấn Phú Thứ, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương. Vụ tại nạn đã cướp đi sinh mạng của 5 người trong chốc lát. Các nạn nhân gồm: Trương Văn Côi (sinh năm 1955), Nguyễn Văn Ví (sinh năm 1956), Nguyễn Văn Luân (sinh năm 1991, cùng trú tại khu 6, anh Luân là con trai ông Văn), Trương Văn Bưởi (sinh năm 1967, trú tại khu 5, thị trấn Phú Thứ), Nguyễn Văn Ngọc (quê ở Lạng Sơn là con nuôi ông Văn). Lò vôi bị sập là một lò cũ của ông Văn được xây dựng trong vườn nhà và dừng hoạt động để sửa chữa, khi vụ việc xảy ra, có 5 công nhân đang làm việc và bị vùi lấp ngay sau đó. Qua công tác khám nghiệm, có thể nhận thấy, hầu hết các vụ tai nạn lò vôi đều được xác định nguyên nhân chính do các lò vôi không đảm bảo độ an toàn, trong khi các thiết bị công nghệ để hỗ trợ trong quá trình sản xuất thì không có. Nhiều năm qua, bên cạnh những tác động trực tiếp từ việc sản xuất vôi thủ công đến hoa màu, cây cối thì nguy cơ bệnh tật với con người là rất cao. Đặc biệt là căn bệnh ung thư. Trong khi chính quyền địa phương còn đang lúng túng chưa biết cách quản lý như thế nào đối với những lò vôi thủ công này thì người dân ở đây vẫn hàng ngày phải chịu cảnh khói bụi và ô nhiễm môi trường.
Lò vôi nơi xảy ra vụ tại nạn
Trên đây chỉ là hai trong số hàng chục vụ tai nạn từ việc sản xuất vôi bằng phương pháp truyền thống. Điều đó cho thấy, những hậu quả mà hoạt động này tác động là rất lớn, nhiều mặt nhưng lò vôi thủ công vẫn ung dung tồn tại, bất chấp dư luận và sự phản đối từ người dân. Thiết nghĩ các ngành các cấp ở các địa phương còn tồn tại hệ thống lò vôi thủ công này cần phải tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, chấm dứt hoạt động của các loại lò vôi công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng xấu đến môi trường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn cho tính mạng, sức khỏe của người lao động. Xây dựng các lò vôi hiện đại, đảm bảo an toàn lao động, tăng hiệu quả sản xuất và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.