Ảnh ST: Hồ Chủ tịch và đồng chí Hoàng Quốc Việt cùng các đồng chí lãnh đạo cao cấp
Cách mạng tháng Tám thành công, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, Bác Hồ cùng với chính phủ lâm thời đã bắt tay ngay vào việc tổ chức xây dựng các hệ thống cơ quan quyền lực Nhà nước trong đó có cơ quan tư pháp, Người rất chú trọng xây dựng bộ máy các cơ quan tư pháp và xác định đây là cơ quan trọng yếu của chính quyền. Ðối với thiết chế Viện Công tố, sau này là Viện kiểm sát nhân dân, Bác đã có chỉ đạo rất sâu sát và toàn diện từ việc hoàn thiện mô hình tổ chức, cử nhân sự lãnh đạo cho Ngành, đến việc đặt ra những yêu cầu cụ thể đối với cán bộ kiểm sát.
Sau năm 1954, trước sự chuyển biến của tình hình cách mạng và sự trưởng thành của đội ngũ cán bộ tư pháp đòi hỏi phải có sự đổi mới căn bản về tổ chức và hoạt động của các cơ quan tư pháp, trong đó có cơ quan công tố. Trên cơ sở đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng đề án tăng cường bộ máy Chính phủ và bộ máy Nhà nước, trong đó có nội dung thành lập hệ thống Viện Công tố độc lập. Tại phiên họp ngày 29-4-1958, Quốc hội đã nghe Chính phủ báo cáo và thông qua đề án nêu trên. Viện Công tố được tách thành một hệ thống độc lập, tổ chức từ trung ương đến địa phương, Viện Công tố trung ương trực thuộc Hội đồng Chính phủ, có trách nhiệm, quyền hạn ngang Bộ (tiền thân của Viện kiểm sát nhân dân sau này). Viện Công tố, ngoài nhiệm vụ thực hành quyền công tố còn được giao nhiệm vụ giám sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực tư pháp (bao gồm: giám sát các hoạt động điều tra, xét xử, thi hành án, giam, giữ, cải tạo). Trong lĩnh vực tố tụng dân sự, Viện Công tố có trách nhiệm khởi tố và tham gia tố tụng đối với những vụ án quan trọng liên quan lợi ích của Nhà nước. Có thể thấy, ngay từ thời điểm cách mạng này, tư tưởng của Hồ Chủ tịch về việc thiết lập hệ thống Viện Công tố độc lập, tách khỏi Tòa án, không còn thuộc sự quản lý của Bộ Tư pháp về hành chính, đảm nhiệm hai chức năng thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động tư pháp thực chất đã tạo bước chuẩn bị quan trọng cho việc hình thành một hệ thống cơ quan mới trong bộ máy nhà nước
Hiến pháp năm 1959 và Luật tổ chức Viện kiểm sát được Quốc hội nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, khoá II, kỳ họp thứ nhất, thông qua ngày 15 tháng 7 năm 1960, ngày 26/7/1960 Bác Hồ ký Lệnh số 20/LCT công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có hiệu lực thi hành. Theo đó, Ngành KSND đã được thành lập. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là Viện trưởng VKSNDTC đầu tiên. Để chuẩn bị cho việc thành lập hệ thống Ngành kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Huỳnh Lắm cùng với đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc xây dựng dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960. Sau khi xây dựng xong dự thảo, đồng chí Hoàng Quốc Việt giao cho đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc đến báo cáo với Bác Hồ để xin Người cho ý kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với dự thảo trên nguyên tắc chung của Hiến pháp năm 1959 đã quy định. Hồ Chủ tịch căn dặn, là cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, cán bộ ngành Kiểm sát phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật. Chính vì vậy, khi dặn dò đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bác Hồ đã nói: Cán bộ Kiểm sát phải: “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Sau khi Viện kiểm sát nhân dân được thành lập, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ thị toàn Ngành kiểm sát phải triển khai thực hiện lời dạy trên của Bác Hồ. Mười chữ vàng mà Bác Hồ đã căn dặn ngành Kiểm sát nhân dân được xem như phương châm hoạt động và rèn luyện đối với từng cán bộ Kiểm sát và được đưa vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho ngành Kiểm sát nhân dân. Đến nay, lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát vẫn còn nguyên giá trị và được xem là nội dung quan trọng để giảng dạy về đạo đức cho các thế hệ cán bộ Kiểm sát; là tiêu chí phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức của mỗi cán bộ của ngành.
Thực hiện lời Bác dạy, 56 năm qua, các thế hệ cán bộ của Ngành đã không quản ngại khó khăn gian khổ, không ngừng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua gian nan, thử thách, hoàn thành trọng trách mà Ðảng và nhân dân giao phó. Nhiều tập thể và cá nhân được nêu gương điển hình tiên tiến, vinh dự được Ðảng và Nhà nước tặng thưởng Bằng khen và Huân chương cao quý. Nhiều cán bộ, kiểm sát viên đã trở thành tấm gương sáng cho các thế hệ mai sau học tập, cả về chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp.
Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp do Ðảng lãnh đạo, cán bộ công chức, người lao động trong ngành Kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương luôn tích cực học tập và làm theo lời Bác dạy, góp phần tô thắm lá cờ truyền thống vẻ vang của Ngành, góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng của công cuộc cải cách tư pháp "Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…”.