NGUYỄN TRÃI – CUỘC ĐỜI VÀ SỰ NGHIỆP

Thứ năm - 11/08/2016 05:23
Nguyễn Trãi – anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới sinh ra và trưởng thành trong một thời kỳ đầy biến động, loạn lạc và thử thách cuối thế kỷ XIV - nửa đầu thế kỉ XV. Cuộc đời ông là một cuộc đời đầy những bão táp, thăng trầm, gắn liền với từng bước đi của lịch sử.
Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai, sinh năm 1380, quê quán thôn Chi Ngại, xã Cộng Hoà Chí Linh, tỉnh Hải Dương, sau dời đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, tỉnh Hà Tây (nay thuộc Hà Nội). Ông là con thứ của Nguyễn Phi Khanh. Tròn 6 tuổi, mẹ mất, ông phải về Côn Sơn ở với ông ngoại là Trần Nguyên Đán. Năm 1390, quan Tư đồ cũng mất, Nguyễn Trãi theo cha trở về sống ở làng Nhị Khê. Tuổi thơ Nguyễn Trãi là một thời kỳ thanh bần nhưng ông vẫn quyết chí gắng công học tập, nổi tiếng là một người học rộng, am hiểu về nhiều lĩnh vực, có ý thức về nghĩa vụ của một kẻ sĩ yêu nước thương dân. Nguyễn Trãi đỗ Tiến sĩ trong khoa thi Hội đầu tiên của triều Hồ (năm1440) và hai cha con cùng tham gia vào bộ máy triều đinh nhà Hồ. Cha ông giữ chức Hàn lâm viện học sĩ kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám, ông làm Ngự sử đài chánh chưởng. Năm 1407, giặc Minh xâm lược, nhà Hồ thất bại, Nguyễn Trãi nghe lời cha trở về tìm đường cứu nước nhưng bị giặc bắt giam nơi thành Ðông Quan. Sau khi thoát khỏi thành Đông Quan, ông đã ẩn náu ở Côn Sơn rồi bôn ba qua nhiều nơi của đất nước.
 Năm 1416, ông tìm đến cuộc khời nghĩa Lam Sơn, dâng cho Lê Lợi – một hào kiệt đất Lam Sơn tập Bình Ngô sách, vạch ra ba kế sách dẹp giặc Ngô. Từ đó, Nguyễn Trãi luôn có mặt bên cạnh phò tá Bình Định Vương Lê Lợi từ khi cuộc khởi nghĩa bùng nổ ở Lam Sơn cho đến khi kết thúc bằng thắng lợi Hội thề Đông Quan. Ông tham gia xây dựng đường lối quân sự, chính trị phù hợp và đảm đương những nhiệm vụ quan trọng như soạn thảo thư từ địch vận, tham mưu, vạch ra chiến lược chiến thuật cho nghĩa quân. Năm 1428, kháng chiến thành công, ông được Lê Lợi giao cho soạn bài Bình Ngô đại cáo - một bản tuyên ngôn độc lập bất hủ, một tổng kết tuyệt vời về cuộc chiến tranh bình Ngô và toàn bộ lịch sử Việt Nam cho đến lúc bấy giờ. Với vai trò và những cống hiến to lớn trong khởi nghĩa Lam Sơn, Nguyễn Trãi đã trở thành vị anh hùng cứu nước.
Những thăng trầm của cuộc đời Nguyễn Trãi gắn liền với ba đời vua triều Lê mà vị vua khai sáng là anh hùng Lam Sơn Lê Lợi tức Lê Thái Tổ rồi đến Lê Thái Tông và Lê Thánh Tông. Nguyễn Trãi đã đem tài năng và trí tuệ của mình phò tá vua, giúp dân, xây dựng đất nước. Dưới thời vua Lê Thái Tổ, Nguyễn Trãi đã giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình, nhưng cũng chính tài năng và đức độ của ông bị bọn quyền thần ganh ghét. Đặc biệt, sau vụ Trần Nguyên Hãn và Phạm Văn Xảo bị bức tử, Nguyễn Trãi cũng bị nghi ngờ và bị bắt giam một thời gian ngắn. Sau đó ông được tha nhưng không còn được tin dùng. Khi Lê Thái Tông (1433-1442) lên nối ngôi mới 10 tuổi, với tâm huyết của mình, Nguyễn Trãi đã một lòng giúp nhà vua  xây dựng một đất nước cường thịnh, chăm lo cho bách tính. Nhưng lợi dụng nhà vua trẻ tuổi, bọn quyền thần càng lũng đoạn triều chính, bọn quan lại xu nịnh, tham nhũng càng ra sức hoành hành. Nguyễn Trãi bị cô lập. Chán nản đến thất vọng, ông từ quan về ở ẩn tại Côn Sơn, giữa thiên nhiên và núi non hùng vỹ, nơi đã tưới mát biết bao kỷ niệm thời thơ ấu khi sống với ông ngoại Trần Nguyên Đán, nơi náu mình trên đường cứu nước thời Minh. Nguyễn Trãi đã có những quãng thời gian an nhàn, thanh bạch tại đây, nhưng trái tim ông luôn nặng lòng yêu nước, thương dân.  Khi nhà vua trưởng thành, bắt đầu nắm bắt triều chính, năm 1439 mời Nguyễn Trãi trở lại giữ chức vụ trong triều đình. Lại một lần nữa, ông lại đem tài sức ra cống hiến cho đất nước.
 Nhưng chỉ 3 năm sau, một tai hoạ khủng khiếp xảy ra dẫn đến cái chết bi thảm của Nguyễn Trãi.  Ngày 27 tháng 7 âm lịch năm 1442, vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, ghé thăm Nguyễn Trãi ở Côn Sơn. Ngày 4 tháng 8 âm lịch vua về đến Lệ Chi Viên, Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40, được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sự xinh đẹp, có tài văn chương, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất. Triều đình kết tội Nguyễn Trãi và vợ giết vua, tru di tam tộc. Sau này, khi lên ngôi, Lê Thánh Tông đã tiến hành minh oan, phục hồi chức tước và sai Trần Khắc Kiệm tìm lại toàn bộ trước tác của Nguyễn Trãi. Án oan Lệ Chi Viên được xem như nỗi đau day dứt nhiều thế hệ. Tuy nhiên, cho đến nay, sử học vẫn mang một món nợ lịch sử đối với Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ là chưa khám phá và đưa ra ánh sáng những người cùng với những âm mưu và hành động lợi dụng việc từ trần đột ngột của vua Lê Thánh Tông ở Lệ Chi Viên để vu oan cho gia đình Nguyễn Trãi.
Dù cuộc đời kết thúc bằng một bi kịch đau xót, nhưng Nguyễn Trãi đã đi vào lịch sử như một vị anh hùng cứu nước vĩ đại, một danh nhân văn hoá kiệt xuất. Ông là một nhà tư tưởng, một nhà chính trị, một nhà chiến lược quân sự, một nhà ngoại giao, đồng thời cũng là một nhà thơ, nhà văn lỗi lạc. Nguyễn Trãi để lại rất nhiều trước tác văn chương, cả bằng chữ Hán và chữ Nôm, bao gồm các lĩnh vực văn học, lịch sử, địa lý, luật pháp, lễ nghi... song đã bị thất lạc sau vụ án Lệ Chi Viên. Các tác phẩm còn lại đến nay của ông, phần lớn được sưu tập và tập hợp trong bộ Ức Trai di tập của Dương Bá Cung, được khắc in vào năm 1868 đời nhà Nguyễn.
Ngày nay, tên tuổi và sự nghiệp của Nguyễn Trãi còn toả sáng ra khỏi biên giới quốc gia, được UNESCO công nhận là một danh nhân văn hoá thế giới. Ngoài lễ hội mùa Xuân chùa Côn Sơn tưởng nhớ vị sư tổ Huyền Quang, còn có lễ hội mùa thu chùa Côn Sơn (16 tháng 8 âm lịch) tưởng nhớ Nguyễn Trãi – một con người có tâm hồn sáng như sao khuê. Mùa thu này, bạn hãy về Côn Sơn để chiêm bái và ngưỡng mộ vị anh hùng dân tộc mà tâm hồn và sự nghiệp của ông mãi mãi là vì sao sáng như Lê Thánh Tông truy tặng "Ức Trai tâm thượng quang Khuê Tảo".          
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây