Tri ân ngày thương binh liệt sĩ 27/7

Thứ tư - 27/07/2016 21:27
Tuổi thơ tôi gắn bó với hai nơi đặc biệt. Nơi thứ nhất là khu tập thể bệnh viện của bố những khi vào năm học, nơi thứ hai là nhà văn hóa của thôn vào những tháng nghỉ hè.
Nói đặc biệt là vì những nơi ấy tập trung nhiều các bác thương binh từ chiến trường ra điều trị hoặc sinh hoạt. Những thương bệnh binh phần nhiều bị cụt mất chân hoặc tay. Họ đến bệnh viện an dưỡng hoặc để tiêm pênixilin mỗi khi cơn đau từ những vết thương chiến trường tái phát. Phần nhiều họ rất thông minh, tài hoa và luôn quan tâm đến đời sống chính trị, xã hội. Họ ưu tú hơn nhiều mặt so với thế hệ tôi bây giờ. Tôi từng được xem các bác làm một số loại nhạc cụ, nghe họ chơi đàn sáo, lẩy Kiều cũng như hát đủ các làn điệu dân ca.
Tôi và những đứa trẻ con khu tập thể bệnh viện đã quen với hình ảnh những người đàn ông đeo lủng lẳng một ống tay áo rỗng, một ống quần rỗng, những hốc mắt dúm lại vì thiếu tròng, quen với hình ảnh những ngày nắng trước cột hiên tập thể dựng phơi vài ba ống tay chân giả, hay góc nhà ngày mưa nơi trốn tìm cũng mấy cái chân tay ấy bỗng nhiên đổ lăn kềnh và bay ra bao nhiêu là muỗi. Còn những đứa trẻ nơi khác đến đôi khi chỉ đứng ngó trân trân một cách sợ sệt những dáng đi lệch, một gương mặt cháy, má mọc chi chít những nốt xanh đen mà quên cả chơi. Lũ trẻ chúng tôi ngày ấy hay bày đồ chơi là những vỏ lọ thuỷ tinh pênixilin trong suốt, bé bằng ngón tay cái được nhặt khắp trong vườn hoa bệnh viện hay chân tường nhà. Nhưng tôi không thích chúng, vì dù có rửa sạch bao nhiêu thì chỉ nhìn thấy là đã ngửi thấy mùi kháng sinh đáng sợ rồi. Chúng làm tôi nhớ những trận ốm, những vết sẹo sưng tấy lên trên cơ thể của những người thương binh mỗi khi theo cha tôi đi thăm khám.
Nơi đặc biệt thứ hai của tuổi thơ tôi là nhà văn hóa thôn, nơi ông nội và những người cựu chiến binh quây quần mỗi buổi tối. Thỉnh thoảng tiếng cười bên ấm chè xanh và bàn cờ tướng của những người đàn ông vẫn hào sảng như thuở đôi mươi ở rừng. Chỉ thỉnh thoảng thôi. Khi họ trao nhau những bài thơ chép tay hay những câu chuyện trên sóng radio xa xôi thì gương mặt họ buồn thẳm. Hay khi cùng nhau đi tiễn một người bạn nào đó vừa mất vì tái phát vết thương hoặc vì ung thư, họ cũng chẳng ngạc nhiên. Những gương mặt gầy xạm bình thản, bởi với họ, đó cũng là những cái chết ở chiến trường năm xưa được nán lại đến bây giờ mà thôi...
Họ vẫn sống bên nhau, làm tay làm chân đỡ nhau khi cần, để thành một cộng đồng không khiếm khuyết, dù cứ thưa vắng dần khi lần lượt thay nhau bạo bệnh mà dùng bao nhiêu kháng sinh cũng không qua khỏi. Câu chuyện họ kể thưa dần những kỉ niệm chiến trường. Họ cũng không thích nói đến vinh quang hay hát những giai điệu hào hùng, bởi họ là hiện thân của những mất mát. Dường như trong những câu chuyện đáng buồn của đời sống, họ tránh nhìn nhau để khỏi phải thấy một điều gì vừa mơ hồ vừa đau thương trong mắt người đối diện. Những đôi mắt mà lúc đó tôi còn quá bé để cảm nhận được là họ đã bình thản hay khổ đau...
Thời gian trôi. Càng lớn tôi càng hay nghĩ về những người thương binh đã cống hiến tuổi trẻ và một phần cơ thể nơi chiến trường và tự hỏi sao chiến tranh bom đạn mù trời, họ đã học khi nào mà giỏi nhiều thứ thế, bằng sức mạnh tinh thần nào mà họ đã sống một cuộc đời tuy ngắn ngủi mà đi hết các cung bậc lãng mạn, kiên cường rồi hờn tủi đến thế ! Nhưng khi tôi biết băn khoăn và nghĩ về họ với tất cả lòng kính yêu, ngưỡng mộ, biết ơn thì họ gần như đã lần lượt mất rồi. Hoặc vì tái phát vết thương, hoặc bệnh tật tuổi già. Đến bây giờ thì tôi biết tôi được sinh ra và nuôi dưỡng trong tình yêu thương của một thế hệ chịu quá nhiều tổn thương và mất mát. Và cũng đau xót nhận ra mất mát vẫn chưa hề dừng lại. Vì dù sinh ra sau chiến tranh nhưng âm điệu hào hùng nào cũng không xoá bỏ được những ám ảnh về mùi kháng sinh , về những ống chân tay giả, về gương mặt chợt sạm đen vì một cơn co rút khi trái gió trở trời.
Chiến tranh tuy đã lùi xa hơn 40 năm, những người thương binh vẫn ngày đêm chống chọi với di chứng quái ác mà nó để lại nhưng trái tim họ chưa bao giờ thôi cháy bỏng tình yêu nước thiết tha và tinh thần lạc quan trong mọi hoàn cảnh của người lính Cụ Hồ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước năm nào. Nghị lực sống mãnh liệt ấy luôn thôi thúc tôi, một cán bộ trẻ của Ngành Kiểm sát nhân dân sống có trách nhiệm với Tổ quốc, với cộng đồng và với bản thân đồng thời không ngừng phấn đấu, rèn luyện, vượt qua những khó khăn, vất vả để hoàn thành nhiệm vụ của mình không để có án oan sai, không bỏ lọt tội phạm, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người dân, góp phần bảo vệ lý tưởng cao đẹp được đánh đổi bằng xương máu của thế hệ đi trước.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây