Mùa thu tháng Tám lại đến, chúng ta cùng hòa chung không khí hào hùng của cuộc Cách mạng tháng Tám 1945 lịch sử. Cùng nhìn lại, đánh giá và chiêm nghiệm ý nghĩa, tầm vóc và những bài học kinh nghiệm quý giá rút ra từ sự kiện lịch sử vĩ đại của dân tộc. Với tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 và đặt cùng trong bối cảnh lịch sử thế giới lúc bấy giờ có thể khẳng định: Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám là thắng lợi của trí tuệ, của tinh hoa văn hóa - văn minh Việt Nam được kết tụ, vun bồi trong suốt hàng nghìn năm lịch sử và được nâng lên tầm cao thời đại trong đường lối cách mạng của Đảng cộng sản Việt Nam và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Ngày này 19/8/1945, tròn 71 năm về trước, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Mặt trận Việt Minh, toàn thể dân tộc ta đã nhất tề vùng lên tiến hành thắng lợi cuộc Cách mạng tháng Tám, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đó là cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc Việt Nam sau gần 100 năm bị nô dịch dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phát xít Nhật. Đồng thời, biến cố lịch sử ấy cũng đánh dấu sự chấm dứt chế độ quân chủ chuyên chế đã tồn tại hàng chục thế kỷ trên đất nước ta, mở đường và chắp cánh để dân tộc ta bước vào một kỷ nguyên lịch sử mới: kỷ nguyên của cuộc đấu tranh trường kỳ, anh dũng bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất đất nước, đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập
Ngay từ khi mới ra đời vào mùa xuân năm 1930, Đảng ta đã vạch ra đường lối cách mạng đúng đắn, lãnh đạo giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam
"làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng", nhằm
"đánh đổ đế quốc chủ nghĩa thực dân Pháp và bọn phong kiến, làm cho nước Nam được hoàn toàn độc lập". Trải qua những thử thách khốc liệt trong cuộc đấu tranh sinh tử chống đế quốc, phong kiến, đường lối cách mạng ấy đã đạt tới một tầm cao trí tuệ mới với bản Nghị quyết của Hội nghị Trung ương VIII diễn ra ở Khuổi Nậm, Pác Pó từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 5 năm 1941. Dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, lần đầu tiên trong lịch sử của mình, Đảng ta tuyên bố dứt khoát, rõ ràng:
"quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử tồn vong của quốc gia, của dân tộc". Và cách mạng Việt Nam được xác định là
"cuộc cách mạng dân tộc giải phóng.". Đây không chỉ là một chiến lược cách mạng mới, mà thực chất là một tư duy chính trị bắt nguồn từ điểm cốt yếu nhất trong tư tưởng Hồ Chí Minh và trở thành nền tảng cho toàn bộ đường lối chính trị của Đảng ta, cho tới tận ngày hôm nay.
Ngày 19/8/1945, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên toàn quốc đã diễn ra nhanh gọn, ít đổ máu, theo đúng kế hoạch. Thắng lợi của Cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 không chỉ có ý nghĩa và tầm vóc lớn lao mà còn để lại nhiều bài học quý, có giá trị thực tiễn cao đối với công cuộc xây dựng và phát triển bền vững:
- Bài học thứ nhất là có một Đảng tiên phong thật sự cách mạng, với một bộ tham mưu giỏi, một lãnh tụ kiệt xuất, nắm bắt được những lý luận, những tư tưởng tiên tiến của thời đại và biết vận dụng vào hoàn cảnh cụ thể của mỗi giai đoạn cách mạng cụ thể của đất nước, đề ra được những đường lối cách mạng đúng đắn, phương pháp, hình thức đấu tranh phong phú, linh hoạt.
- Bài học thứ hai là Đảng ta giải quyết tốt vấn đề động lực của cách mạng.
Với đường lối đúng đắn, nghệ thuật chỉ đạo tài giỏi, phương pháp, sách lược cách mạng khôn khéo, linh hoạt, hình thức đấu tranh phong phú... Đảng ta đã tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân trên nền tảng liên minh công - nông và trí thức, khai thác và phát huy triệt để
“tinh thần Việt Nam”,
“ý chí Việt Nam” thông minh, dũng cảm, sáng tạo, sẵn sàng xông lên cứu nước, cứu nhà, tạo thành một nguồn động lực vô cùng mạnh mẽ đưa cách mạng tiến lên.
- Bài học thứ ba là phán đoán đúng diễn biến của tình hình trong nước và quốc tế, nắm lấy thời cơ ngàn năm có một làm cơ sở để đưa ra những quyết định chính xác.
- Bài học thứ tư là giành chính quyền và kiên quyết bảo vệ chính quyền.
Giành chính quyền, đó là mục tiêu của bất kỳ một cuộc cách mạng nào. Nhưng điều đặc biệt, một sự sáng tạo mang bản sắc Việt Nam của Đảng ta trong Cách mạng tháng Tám năm 1945 là không phải đợi đến khi phát động tổng khởi nghĩa toàn quốc mới đặt vấn đề giành chính quyền về tay nhân dân.
Kỷ niệm 71 năm Cách mạng tháng Tám 1945
(19/8/1945 - 19/8/2016) và Quốc khánh 2 - 9
(2/9/1945 - 2/9/2016) chúng ta càng hiểu rõ giá trị lịch sử, thực tiễn sâu sắc mà Cách mạng tháng Tám năm 1945 đã mang lại; nhận thức đầy đủ trách nhiệm của các thế hệ hôm nay và mai sau trong việc vận dụng và phát triển những bài học kinh nghiệm quý giá, những tư tưởng mang tầm thời đại của Cách mạng tháng Tám vào công cuộc đổi mới đất nước, phấn đấu xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, xây dựng nước nhà ngày càng giàu mạnh về kinh tế, văn hóa - xã hội; đảm bảo về chính trị, quốc phòng, an ninh, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.