Những lần Bác Hồ về thăm Hải Dương

Thứ năm - 19/05/2016 06:06

Những lần Bác Hồ về thăm Hải Dương

Chủ tịch Hồ Chí Minh với cương vị là người lãnh đạo cao nhất của Đảng và Nhà nước, dù rất bận việc đại sự quốc gia, nhưng Người vẫn dành sự quan tâm đặc biệt tới các tầng lớp nhân dân, các địa phương trong cả nước. Hải Dương là tỉnh vinh dự được đón Bác Hồ về thăm 5 lần: Lần thứ nhất, sau chuyến thăm nước Pháp, ngày 21- 10 - 1946 trên đường từ Hải Phòng về Hà Nội bằng tàu hoả, Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân tại ga Hải Dương. Cuộc gặp gỡ nói chuyện của Bác Hồ ngay trên sân ga tuy ngắn ngủi, nhưng đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân Hải Dương. Ai nấy đều phấn khởi, quyết tâm sẽ chiến đấu đến cùng để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ quê hương. Ngày 31- 5-1957, trên đường công tác từ Hải Phòng về Hà nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức thăm tỉnh Hải Dương, lần này Bác đã về thăm xã Ái Quốc (huyện Nam Sách) khi biết tin cán bộ, nhân dân và du kích xã đã vô cùng kiên cường anh dũng trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp.
Cán bộ xã viên hợp tác xã Hồng Thái và đại biểu nhân dân huyện Ninh Giang phấn khởi chào đón Bác Hồ về thăm, ngày 15/2/1965. (ảnh: tư liệu)
 
Ngày 1-4- 1959, sau khi đi thăm tỉnh Hồng Quảng (nay là tỉnh Quảng Ninh) và thành phố Hải Phòng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã ghé thăm tỉnh Hải Dương. Trong buổi gặp mặt thân mật này, Bác nói về nhiệm vụ của tỉnh nhà phải thực hiện trong thời gian tới.
Ngày 26-7-1962, một lần nữa Chủ tịch Hồ Chí Minh chính thức dành thời gian về thăm Hải Dương. Người đã đến thăm xã Ứng Hoè và xã Hiệp Lực (Ninh Giang) là 2 xã rất gương mẫu trong lao động sản xuất lúa gạo và có thành tích chống úng lụt khá nhất tỉnh và buổi chiều cùng ngày, Người đến thăm và động viên cán bộ, công nhân Nhà máy Sứ Hải Dương.
Đầu xuân của năm 1965, năm đó Bác mừng thọ 75 tuổi, năm cuối cùng thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, tỉnh Hải Dương vô cùng vinh dự, vui mừng thêm một lần nữa được đón Bác Hồ về thăm và đây cũng chính là lần cuối cùng Người về thăm Hải Dương. Ngày 15/2/1965, nhân dịp tỉnh Hải Dương phát động phong trào “Gieo thẳng để tăng năng xuất lúa chi viện cho chiến trường miền Nam” đầu tiên trong nông nghiệp, thực hiện khẩu hiệu: “Tất cả vì miền Nam ruột thịt, thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, tại xã Hồng Thái, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Đảng và Chính phủ ân cần chỉ bảo và căn dặn cán bộ, nhân dân trong tỉnh: “Là một trong những tỉnh trọng điểm lúa ở miền Bắc, Hải Dương phải phấn đấu làm cho nông nghiệp tiến bộ mạnh mẽ, toàn diện, vững chắc để cải thiện đời sống nhân dân, cung cấp nhiều lương thực và thực phẩm cho Nhà nước để góp phần tích cực vào sự nghiệp công nghiệp hóa và đấu tranh thống nhất nước nhà”(1). Về Hải Dương lần này, Bác đến thăm xã Hồng Thái (Ninh Giang) và Nam Chính (Nam Sách) là lá cờ đầu của phong trào làm thuỷ lợi và xây dựng nông thôn mới của tỉnh cũng như toàn miền Bắc, nơi đã được nhận cờ luân lưu của Bác. Tại đây, Bác nói chuyện với cán bộ, đảng viên và nhân dân trong và ngoài xã trong không khí phấn khởi trước vụ mùa thắng lợi. Người vui mừng khen ngợi: “Do làm thủy lợi tốt mà ruộng một vụ thành hai vụ. Giao thông vận tải dễ dàng, đã tiết kiệm được mỗi năm hơn 31.500 công. Có nhiều phương tiện để trồng cây, nuôi cá. Ngày công xã viên góp vào hợp tác xã cũng tăng thêm: Năm 1961 bình quân là 137 ngày công, năm 1964 là 289 ngày công. Nói tóm lại, Hồng Thái tiến bộ nhiều là do đồng bào hăng hái, cần cù, do đảng viên đoàn kết, gương mẫu. Thí dụ đồng chí Đẩu đã 76 tuổi mà vẫn đỡ đầu dân quân. Đồng chí Yên 66 tuổi, phụ trách trồng trọt, một mình đã trồng được 5.000 cây, vv...”. Sau khi biểu dương thành tích của Đảng bộ và nhân dân xã Hồng Thái, Bác vẫn nghiêm khắc nhắc nhở: “Tuy vậy đồng bào và cán bộ Hồng Thái chớ nên tự mãn với thành tích bước đầu, mà cần phải cố gắng hơn nữa”(2). Tiếp theo, Bác tới thăm xã Nam Chính (huyện Nam Sách) là xã dẫn đầu của phong trào vệ sinh phòng bệnh toàn miền Bắc. Thời Pháp thuộc, xóm làng Nam Chính chìm trong cực khổ đói nghèo. Hòa bình lập lại, công tác y tế trong thôn được chú trọng nên Nam Chính nhanh chóng trở thành xã dẫn đầu tỉnh về phong trào này và được Bác Hồ về thăm. Ngày hôm đó, Bác đã đi đến tận nơi các công trình vệ sinh, giếng nước, nhà tắm của các gia đình xã viên. Người khen ngợi cán bộ và nhân dân trong xã: “Nam Chính là kiểu mẫu công tác vệ sinh phòng bệnh. Từ chỗ uống nước ao tù, đến nay 416 gia đình đã có 369 cái giếng, 416 hố xí hợp vệ sinh, 82 nhà tắm, 22 tủ thuốc, vv… Kết quả là bệnh ỉa chảy, đậu mùa, toét mắt đã chấm dứt. Trước kia, hơn 90% dân trong xã mắc bệnh đau mắt hột, nay chỉ còn 5%. Sức khỏe càng dồi dào, sản xuất càng phát triển… phải đẩy mạnh phong trào vệ sinh nông thôn, học tập thi đua với Nam Chính” (3).
Ảnh: Bác Hồ về thăm xã Ái Quốc, huyện Nam Sách (tư liệu)
 
Đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên địa phương, Bác đề nghị phải cần, kiệm, liêm, chính và chí công vô tư, gương mẫu trong mọi công việc: “Muốn thắng lợi phải củng cố và phát triển tốt Đảng và Đoàn. Chỉnh huấn phải làm cho tốt... Mọi việc phải theo tinh thần cần kiệm xây dựng nước nhà, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, tránh liên hoan lu bù. Đảng viên, cán bộ phải đi sát quần chúng, củng cố và phát huy vai trò các đoàn thể quần chúng, như thanh niên, phụ nữ, công đoàn. Hiện nay tỉnh ta có hơn 26.750 đảng viên (nhiều hơn 5 lần tổng số đảng viên ngày Cách mạng tháng Tám) và 28.000 đoàn viên. Đó là một lực lượng cách mạng to lớn. Đảng viên và đoàn viên phải đoàn kết nhất trí, xung phong gương mẫu trong mọi công việc, làm cho Hải Dương trở nên một tỉnh gương mẫu”(4). Vẫn như thường lệ, đi công tác nhưng Bác đã cho chuẩn bị cơm mang theo để đỡ lãng phí tiền bạc làm cơm đãi khách của nhân dân các địa phương. Sau khi gặp gỡ nói chuyện với bà con ở xã Nam Chính xong, mặc dù đã quá trưa, nhưng Bác quyết định không ở lại dùng cơm tại huyện mà đi thẳng về Côn Sơn (Chí Linh) - một di tích lịch sử văn hoá được xếp hạng quốc gia từ năm 1962, nơi gắn bó với nhiều danh nhân trong lịch sử dân tộc, trong đó có anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi. Vào thăm di tích, Bác ngắm phong cảnh, đọc bia chùa Côn Sơn, xem kỹ chân dung của người anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi, bên cạnh đó là bản “Bình ngô đại cáo”. Người đã viết sổ lưu niệm và căn dặn sư trụ trì chùa phải tích cực trồng cây phủ xanh di tích, làm cho di tích lịch sử văn hoá trở thành thắng cảnh du lịch của địa phương, “phải biến nơi đây thành tùng lâm đẹp đẽ”. Cũng tại nơi đây, ven sườn đồi nơi có cảnh đẹp của núi sông, Bác đã mời mọi người dùng “cơm khách” của Bác.  Đi cùng Bác có đồng chí Phạm Hùng - phó thủ tướng, đồng chí Nguyễn Khai - Trưởng ban Tổ chức cán bộ, đồng chí Phan Mỹ - Thứ trưởng Bộ Thủy lợi, đồng chí Vũ Kỳ - thư k‎ý của Bác, đồng chí Nguyễn Hoài Bắc - Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh, đồng chí Nguyễn Chương - Bí thư Tỉnh ủy và con trai lên 9 tuổi cũng được đi theo. Mâm cơm tuy giản dị nhưng được các đồng chí phục vụ chuẩn bị rất cẩn thận, Bác cháu quây quần cùng ăn trong không khí thân tình đầm ấm. Sau bữa cơm, Bác bảo: “Bác ăn ngon miệng hơn mọi ngày vì hôm nay ăn có già, có trẻ vui lắm”(5). Đến bất cứ nơi đâu, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng mang luồng sinh khí mới đến cho cuộc sống của bà con trong các các xã, huyện. Bằng phong cách nói chuyện rõ ràng, dễ hiểu và sự lôi cuốn, Người mở mang tầm nhìn, cách nghĩ cho bà con qua các câu chuyện giản dị mà ẩn chứa nhân sinh quan sâu sắc, phổ biến cho bà con những kiến thức bổ ích về cách thức cải tạo vườn đất trống thành vườn cây ăn quả, tìm chỗ đất thấp đào ao thả cá. Người vận động bà con, chiến sỹ, cán bộ tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn để xây dựng một tỉnh Hải Dương vững vàng về chính trị, giàu về kinh tế, mạnh mẽ về quốc phòng, phong phú về văn hóa, đảm bảo và không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân, góp phần tích cực vào sự nghiệp chống mỹ, thống nhất nước nhà. Ngoài 5 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm và làm việc trực tiếp, cán bộ và nhân dân các địa phương trong tỉnh Hải Dương còn vinh dự được 6 lần nhận thư của Người. Từ năm 1955 đến năm 1966, Bác Hồ đã có 12 bài viết về các vấn đề và sự việc liên quan đến con người vùng đất Hải Dương đăng trên Báo Nhân dân. Theo thống kê chưa đầy đủ, từ tháng 11/1959 đến tháng 8/1969, Bác Hồ đã tặng tổng số 78 huy hiệu cho cán bộ, công nhân viên, bộ đội, cụ già, em nhỏ, bác sỹ, giáo viên, học sinh của tỉnh Hải Dương đã có thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, có sáng kiến cải tiến kỹ thuật, kiên cường trong chiến đấu, dũng cảm cứu người bị nạn, hết lòng vì người bệnh, nuôi dạy trẻ giỏi, học sinh vượt khó chăm ngoan v.v.. Chủ tịch Hồ Chí Minh là vậy, cứ nơi nào, địa phương nào làm tốt, Bác sẽ thu xếp thời gian về tận nơi thăm hỏi, động viên và khen ngợi, đồng thời nêu gương để các địa phương làm chưa tốt tự giác thi đua học hỏi làm theo. Nếu vì quá bận việc không thể về được tận nơi, Người thường viết thư, tặng cờ thi đua luân lưu, huân chương, huy chương, bằng khen, lẵng hoa, huy hiệu, ảnh v.v.. cho các tổ chức và cá nhân để động viên khích lệ kịp thời. Những tấm huy hiệu, những lời căn dặn, chỉ bảo, động viên, nhắc nhở của Bác đối với mỗi cá nhân, tập thể đều thể hiện tấm lòng nhân ái và tình yêu thương vô bờ bến của Bác dành cho nhân dân Hải Dương nói riêng và nhân dân cả nước nói chung. Sự chỉ đạo sâu sắc ân tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo thêm sức mạnh to lớn cho Đảng bộ và nhân dân Hải Dương vượt qua mọi khó khăn, thử thách để giành những thắng lợi vẻ vang. Đó chính là nguồn động lực để toàn Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh quyết tâm vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. 
Đầu năm 1971, thể theo nguyện vọng của toàn thể Đảng bộ và nhân dân địa phương, Ủy ban hành chính xã Hiệp Lực phát động toàn dân tự nguyện tham gia đóng góp xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay trên mảnh đất Người đã về thăm - xã Hiệp Lực (huyện Ninh Giang). Công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khởi công xây dựng trong niềm vui hân hoan của cán bộ và nhân dân toàn tỉnh. Bằng sự nỗ lực cao nhất của tập thể các nhà điêu khắc và giảng viên, tượng đài đã kịp khánh thành vào ngày 6/2/1972. Hằng năm, việc tổ chức nghi lễ thắp hương trước tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những sự kiện lớn của quê hương đã trở thành nếp sinh hoạt văn hoá tốt đẹp của cán bộ và nhân dân nơi đây. Khắp nơi trên toàn tỉnh Hải Dương, các địa phương đều tích cực xây dựng “vườn quả Bác Hồ”, “ao cá Bác Hồ”. Nhân dân trong tỉnh đã biến vườn hoang, đồi trọc thành những vườn quả, ao cá có năng xuất cao, cải thiện đời sống cho phần lớn bà con nông dân, đem lại môi trường sinh thái, cung cấp cho người dân trong và ngoài vùng nhiều loại hoa quả thơm ngon suốt bốn mùa. “Vườn quả Bác Hồ” và “Ao cá Bác Hồ” đã trở thành biểu tượng tỏ lòng kính yêu và nhớ ơn vô hạn của nhân dân Hải Dương đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh . Trong nhiều chục năm qua, Ban thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương đã chỉ đạo sưu tầm, gìn giữ các bài viết, bài hồi ký, những mẩu chuyện của cán bộ và nhân dân trong tỉnh qua các lần được gặp Người, được nghe Người nói chuyện để biên soạn cuốn sách “Bác Hồ với Hải Dương - Hải Dương với Bác Hồ” tập sách có giá trị giáo dục sâu sắc truyền thống cách mạng và tinh thần tự tôn dân tộc cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau. Cuốn sách đã cho người đọc thấy được hình ảnh vị lãnh tụ rất đỗi thân thiết và gần gũi giữa lòng nhân dân Hải Dương, qua các địa danh: Hồng Thái, Hiệp Lực, Đại Xuân (Ninh Giang), sân Vọng Cung, Nhà máy Sứ (TP Hải Dương), Ái Quốc, Nam Chính (Nam Sách), Côn Sơn (Chí Linh)...vv.  Hải Dương hôm nay đang từng ngày thay da đổi thịt, góp một phần quan trọng vào công cuộc đổi mới của đất nước. Trong ký ức của người dân lớn tuổi luôn in sâu sự kiện Bác Hồ về thăm quê hương mình - những câu chuyện về Bác kính yêu vẫn thường được các cụ say sưa kể lại cho thế hệ con cháu và những người khách mới tìm đến hỏi chuyện. Những lời dạy của Bác trở thành những lời huấn thị thiêng liêng, chứa chan tình nghĩa đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Hải Dương. Đảng bộ và nhân dân Hải Dương mãi khắc ghi những lời dạy quý báu và những tình cảm thiết tha của Bác. Đó thực sự là nguồn động lực để Hải Dương quyết tâm vững bước tiến lên hoàn thành công cuộc phát triển đổi mới quê hương, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Chú thích: 1). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 14, tr. 492. 2). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 14, tr. 490 - 491. 3). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 14, tr. 492 - 493. 4). Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia, H. 2011, t. 14, tr. 493. 5). Bác Hồ với Hải Dương - Hải Dương với Bác Hồ, Nxb. Thông tấn,  H. 2008, tr. 282.  Bác Hồ với vùng đất và con người Hải Dương – Nguyễn Thị Lệ Thuỷ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây