"Con đường tư duy" để hiểu và nhớ Luật thi hành tạm giữ, tạm giam

Thứ năm - 12/05/2016 20:46
Chuyên viên, kiểm sát viên, cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp ngành Kiểm sát nhân dân đang được phổ biến Luật thi hành tạm giữ, tạm giam để biết và thi hành bắt đầu từ ngày Luật có hiệu lực 01/7/2016. Vậy, mỗi chúng ta phải làm gì?
Đọc, nhớ, áp dụng? Nghe chừng mất nhiều thời gian để đọc, nhớ, nghiên cứu và áp dụng. Theo cách thông thường này thì kiến thức đọc được cũng rất dễ quên. Có một con đường sẽ dẫn dắt chúng ta từ hiểu đến nhớ. Hiểu thì sẽ rất dễ nhớ, không những vậy chúng ta sẽ áp dụng một cách thành thục và rất khó quên. Đó là con đường tư duy. Chúng ta hãy cùng đi.
Trước mặt chúng ta là cuốn Luật thi hành tạm giữ, tạm giam, nhưng chúng ta chưa mở vội, hãy suy nghĩ và đặt ra các câu hỏi:
1- Tại sao lại có tên là Luật thi hành tạm giữ, tạm giam? Có trùng lặp với nội dung tạm giữ tạm giam trong Bộ luật TTHS không?
2- Tại sao có Luật này? Trước đó thì có văn bản Pháp luật nào có nội dung tương tự? So với các văn bản Pháp luật trước đây thì Luật phải khắc phục được các vấn đề gì?
3- Luật này phải phù hợp với những đạo luật và luật nào? Phải xây dựng trên các nguyên tắc nào của Hiến Pháp? Do vậy Luật thi hành tạm giữ, tạm giam phải có những nội dung gì?
4- VKSND có trách nhiệm quyền hạn gì ? Các hình thức tác động? Hiệu lực đến đâu?.......
Sau khi đặt các câu hỏi nêu trên, chúng ta sẽ lần lượt trả lời các câu hỏi, cuối cùng chúng ta mở Luật thi hành tạm giữ, tạm giam ra đọc để xem những nội dung mà Luật qui định có đúng với suy luận của chúng ta hay không? Qua đó chúng ta có thể thấy được chúng ta suy luận chưa hết, hay luật còn chưa rõ và những nội dung gì luật đã nêu cụ thể.
Ví dụ: Với câu hỏi 3 nêu trên, chúng ta có thể trả lời Luật thi hành tạm giữ, tạm giam phải xây dựng trên các nguyên tắc của Hiến pháp năm 2013 và đồng thời phù hợp với các đạo luật và luật khác. ..Từ nguyên tắc suy đoán vô tội  được qui định trong Hiến pháp thì Luật này phải bảo đảm đầy đủ mọi quyền lợi của công dân (đang được coi là không có tội) khi họ bị tạm giữ, tạm giam, trừ các quyền ảnh hưởng trực tiếp tới mục đích ngăn chặn. Có nghĩa là việc ăn, mặc, ở, sinh hoạt phải cơ bản bảo đảm; tuyệt đối không bị xâm hại về sức khỏe và tinh thần; người bị tạm giữ, tạm giam được gặp người thân, có nhiều cơ hội nhờ người bào chữa…. Đồng thời họ vẫn có quyền bầu cử như công dân bình thường- phù hợp với Luật bầu cử Quốc hội và HĐND. Những người nào ở bên ngoài xã hội được ưu tiên quan tâm, chăm sóc thì ở trong nhà tạm giữ, trại tạm giam cũng sẽ được quan tâm chăm sóc.
Quyền phải đi đôi với nghĩa vụ, nghĩa vụ của họ chắc chắn phải là chấp hành nội qui, qui định của nhà tạm giữ, trại tạm giam và sự quản lý, điều hành của cán bộ.
Sau khi suy luận những nội dung trên chúng ta sẽ mở Luật ra đối chiếu và thấy rằng Luật đã qui định rất cụ thể những nội dung trên, chẳng hạn người chưa thành niên thì được gặp thân nhân nhiều lần (gấp 2) người thành niên
Sau một thời gian dài, những qui định cụ thể có thể chúng ta quên, nhưng nội dung có tính chất nguyên tắc thì chúng ta vẫn nhớ, đó là trừ các quyền  xâm phạm trực tiếp đến mục đích ngăn chặn (người đó bỏ trốn, tiêu hủy chứng cứ, phạm tội mới) còn lại các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người bị tạm giữ, tạm giam cơ bản vẫn phải được bảo đảm như một người vô tội. Nếu cơ quan và người thi hành tạm giữ, tạm giam xâm phạm là có dấu hiệu vi phạm pháp luật, VKSND phải có biện pháp xử lý.
Tóm lại, con đường tư duy ở đây là cách suy luận logic từ những hiểu biết sẵn có, để hình thành nên những nội dung mới. Luật mới chứng minh cho những nội dung mới đó, gắn kết với những gì đã có trong tư duy của chúng ta. Vì vậy khi áp dụng để hiểu, để nhớ, để áp dụng sẽ rất hiệu quả.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây