Suy ngẫm sau phiên toà dân sự
Thứ ba - 23/02/2016 02:35
Là kiểm sát viên tham gia kiểm sát việc tuân theo pháp luật tố tụng dân sự tại phiên toà, cứ sau mỗi phiên toà, tôi lại thấy tâm trạng thật nặng nề, khó tả, có chút gì đó buồn và tiếc cho mối quan hệ của các đương sự trong những vụ án tranh chấp di sản thừa kế hay những vụ án tranh chấp mốc giới giữa các bất động sản liền kề mà các bên tranh chấp đều là các anh, chị em ruột. Khi còn nhỏ, hay khi bố mẹ còn sống, họ đã từng bế ẵm nhau, chăm sóc, lo lắng cho nhau, bảo vệ nhau. Vậy mà giờ đây khi bố mẹ đã mất, họ có gia đình riêng, chỉ vì chút lợi ích về kinh tế mà quay lại đối đầu với nhau, đánh cãi chửi nhau, dẫn đến phải nhờ Toà án giải quyết tranh chấp trong gia đình, họ hàng. Tại phiên toà, người nào cũng đưa ra những lý do của mình mà họ cho là chính đáng, họ kể lể chuyện nuôi bố, nuôi mẹ và nói xấu người kia, thậm chí vì chút lợi ích mà người em còn nói người anh không phải con đẻ của bố, mà là con riêng của mẹ, gây bức xúc cho những người con khác trong gia đình cũng như những người tham gia phiên toà. Ví dụ như vụ án tranh chấp di sản thừa kế giữa ông Phạm Văn Khánh, sinh năm 1959 và ông Phạm Văn Quế, sinh năm 1954, đều trú tại thôn Điền Nhi, xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Nội dung vụ án như sau:
Bố mẹ ông Khánh và ông Quế là cụ Phạm Văn Bất và cụ Phạm Thị Họp sinh được 03 người con chung là ông Quế, ông Khánh và bà Phạm Thị Bé. Cụ Bất và cụ Họp có tài sản chung gồm 451m2 đất ở tại thôn Điền Nhi, xã Toàn Thắng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Năm 1972 cụ Bất mất không để lại di chúc. Thực hiện chính sách về đất đai năm 1990 đo đạc để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nên thửa đất trên được tách làm hai thửa, 01 thửa diện tích 225m2 mang tên ông Khánh, 01 thửa 266m2 mang tên ông Quế. Hai gia đình ông Khánh và ông Quế sau khi nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 1993 không có ý kiến và tranh chấp gì. Đến tháng 11/2012 cụ Họp mất không để lại di chúc. Đến năm 2013 ông Khánh cho rằng việc ông Quế tự ý tách đất cho ông Khánh và ông Quế là không đúng, vì phần di sản thừa kế của cụ bất nếu chia tách phải có sự nhất trí bằng văn bản của tất cả những đồng thừa kế. Do đó ông Khánh đề nghị chia tài sản chung phần di sản của cụ Bất và chia di sản thừa kế phần di sản của cụ họp cho các đồng thừa kế và huỷ 02 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho ông và ông Quế.
Tại phiên toà ông Khánh cho rằng ông Quế không phải là con đẻ của cụ Bất và đưa ra tài liệu là lời khai của bà Bùi Thị Hồng, Nguyễn Thị Dinh và ông Phạm Xuân Trạc và nội tộc chi 4 họ Phạm khẳng định ông Quế không phải con đẻ của cụ Bất để yêu cầu chia tài sản chung phần di sản của cụ Bất cho ông và bà Bé và tước quyền hưởng của ông Khánh.
Hội đồng xét xử nhận định những chứng cứ do ông Quế đưa ra là không có căn cứ và nhận định ông Khánh được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân giữa cụ Bất và cụ Họp nên ông Khánh xác định là con chung của cụ Bất và cụ Họp. Đồng thời, bác yêu cầu chia tài sản chung phần di sản của cụ Bất để lại, chia phần di sản của cụ Họp cho các đồng thừa kế là ông Khánh, ông Quế, bà Bé.
Kết thúc phiên toà là sự chia rẽ, bất hoà giữa các anh chị em trong gia đình, cũng như sự bàn tán chê cười, sự tiếc nuối của những người tham gia phiên toà đối với các đương sự.