Áp dụng biện pháp ngăn chặn trong giai đoạn truy tố, một số vấn đề lý luận và thực tiễn

Thứ tư - 16/08/2023 04:43
Biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự là việc cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội mới hoặc để bảo đảm thi hành án (Điều 109 Bộ luật Tố tụng hình sự).

Với quy định như trên, thì việc áp dụng biện pháp ngăn chặn đối với bị can, bị cáo trong mỗi giai đoạn tố tụng là cần thiết và vô cùng quan trọng để giải quyết vụ án hình sự, nhất là trong giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát.

 

01 Trao doi nghiep vu ĐC Huấn NS

Áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trong giai đoạn truy tố (Ảnh minh họa-internet)

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số quan điểm khác nhau, chưa thống nhất trong việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giam trong giai đoạn truy tố của Viện kiểm sát. Cụ thể như sau:

Ngày 01/01/2023, Cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn A về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự. Cùng ngày, Cơ quan điều tra ra Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với A thời hạn 02 tháng kể từ ngày 01/01/2023 đến ngày 01/3/2023. Ngày 15/02/2023, Cơ quan điều tra ra bản kết luận điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố đối với A về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 173 Bộ luật Hình sự. Cùng ngày 15/02/2023, mặc dù thời hạn của Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan điều tra đối với A vẫn còn đến ngày 01/3/2023 nhưng xét thấy, Nguyễn Văn A có dấu hiệu tiếp tục phạm tội mới nên căn cứ theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 119 Bộ luật Tố tụng hình sự, Viện kiểm sát đã ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với A thời hạn 20 ngày kể từ ngày bắt. Viện kiểm sát ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với A đến nay có 02 quan điểm:

          Quan điểm thứ nhất: Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan điều tra vẫn còn thời hạn nhưng Viện kiểm sát ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn A là đúng quy định và không phải ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn.

          Quan điểm thứ hai: Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan điều tra thời hạn vẫn còn hiệu lực. Khi có căn cứ tạm giam, Viện kiểm sát phải ra quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn sau đó ra Lệnh bắt bị can để tạm giam. Vì không thể áp dụng đồng thời 02 biện pháp ngăn chặn cùng lúc đối với bị can.

Với ý kiến cá nhân, trên cơ sở nghiên cứu các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, văn bản hướng dẫn có liên quan và thực tiễn áp dụng thì nhận thấy quan điểm thứ nhất có căn cứ hơn, bởi lý do như sau:

Thứ nhất: theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Tố tụng hình sự thì trong giai đoạn truy tố, quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, biện pháp cưỡng chế thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát.

Thứ hai: quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn A thời hạn từ ngày 01/01/2023 đến ngày 01/3/2023. Theo quy định tại khoản 2 Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự, đối với những biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn trong giai đoạn điều tra thì việc thay thế bằng biện pháp ngăn chặn khác phải do Viện kiểm sát quyết định. Biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan điều tra không phải biện pháp ngăn chặn do Viện kiểm sát phê chuẩn nên Viện kiểm sát sẽ không ra quyết định thay thế. Ngoài ra, việc hủy bỏ Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú cũng không có căn cứ vì theo quy định tại khoản 1 Điều 125 Bộ luật Tố tụng hình sự thì việc hủy bỏ phải thuộc một trong các trường hợp như quyết định không khởi tố vụ án, đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án, đình chỉ điều tra đối với bị can, đình chỉ vụ án đối với bị can,...

Mặc dù chưa có quy định cụ thể nhưng theo cá nhân chúng tôi nhận thức thì việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam đối với bị can Nguyễn Văn A trong giai đoạn truy tố thì Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan điều tra sẽ đương nhiên không còn hiệu lực áp dụng vì biện pháp bắt bị can để tạm giam có tính ngăn chặn cao.

Thứ ba: Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Thông tư liên tịch số 04 ngày 19/10/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ quốc phòng quy định nếu thời hạn cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan điều tra vẫn còn mà bằng hoặc dài hơn thời hạn quyết định việc truy tố theo quy định tại khoản 1 Điều 240 Bộ luật Tố tụng hình sự, mà xét thấy cần tiếp tục áp dụng các biện pháp ngăn chặn đó, thì Viện kiểm sát tiếp tục sử dụng lệnh của Cơ quan điều tra. Sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra kết thúc điều tra đề nghị truy tố, như đã phân tích nêu trên thì có căn cứ bắt bị can để tạm giam nên xét thấy không cần tiếp tục sử dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan điều tra đối với Nguyễn Văn A. 

Do đó, Viện kiểm sát ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bị can Nguyễn Văn A mà không ra Quyết định thay thế biện pháp ngăn chặn mặc dù Lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú của Cơ quan điều tra vẫn còn thời hạn là đúng quy định.

Trên đây là quan điểm cá nhân của chúng tôi về việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt bị can để tạm giam trong giai đoạn truy tố. Rất mong nhận được ý kiến phản hồi của đồng nghiệp và quý bạn đọc./.

                                            Trần Đình Nghị, Phùng Văn Huấn
VKSND huyện Nam Sách
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây