Nâng cao nhận thức về văn hóa giao thông - Một biện pháp quan trọng hàng đầu nhằm kiềm chế sự gia tăng tai nạn giao thông
Thứ tư - 03/08/2016 04:14
Văn hoá giao thông là một biểu hiện cụ thể của khái niệm văn hóa nói chung của một quốc gia, dân tộc, một vùng miền nhất định. Văn hóa giao thông là một khái niệm khá mới mẻ với nhiều cách hiểu khác nhau. Nói một cách tổng thể, văn hóa khi tham gia giao thông là một bộ phận của văn hóa nơi công cộng, là tập hợp các cách thức xử sự, ứng xử, chấp hành các quy định của pháp luật về giao thông, là tuân thủ của các chuẩn mực đạo đức khi tham gia giao thông.
Nhìn vào thực tại xã hội nước ta hiện nay, tai nạn giao thông đang diễn ra từng ngày từng giờ, chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp trên các mặt báo hay chương trình thời sự hàng ngày những tin tức về các vụ tai nạn giao thông thường xuyên được cập nhật. Mỗi ngày trôi qua là có không biết bao nhiêu sinh mạng bị đe dọa, bị tước đoạt bởi tai nạn giao thông? Tai nạn giao thông có thể đến với bất kì ai mà không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp hay địa vị xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, bao gồm: cơ sở hạ tầng giao thông còn kém, phương tiện giao thông không đảm bảo điều kiện an toàn….. Tuy nhiên nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông ở Việt Nam tăng cao hơn hẳn so với các nước trên thế giới đó là ý thức người tham gia giao thông, văn hóa giao thông của người tham gia giao thông còn quá kém. Đó là vấn đề mà văn hóa giao thông đang gặp phải.
Những hiện tượng, những hành vi điều khiển xe ô tô, mô tô phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá số người quy định, đi vào đường cấm, đường ngược chiều gây cản trở giao thông; không có đăng ký, biển số, giấy phép lái xe, không đội mũ bảo hiểm, dùng ô khi điều khiển xe đạp, xe máy, cảnh “tụm năm, tụm ba”, dừng đỗ xe dưới lòng đường; đi xe đạp dàn hàng ba, hàng bốn hay đi xe máy, thậm chí kẹp ba, kẹp bốn, lạng lách, đánh võng, vừa điểu khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại…không còn là hiếm nữa mà nó đã thành phổ biến, nhiều lúc có cảm giác người ta coi đó là những hành vi ứng xử đương nhiên, không sai, không xấu. Thậm chí khi có sự va quẹt thì thoái thác trách nhiệm, chưa cần biết người va quẹt có bị sao không đã văng những câu chửi. Bây giờ ra đường hễ có va chạm giao thông xảy ra, người ta không quan tâm người bị thương ra sao, già hay trẻ, đúng hay sai…và dễ dàng thóa mạ, chửi rủa nhau thậm tệ, nhiều trường hợp họ dùng nắm đấm để giải quyết vấn đề. Đã có bao nhiêu người từ vụ va chạm giao thông nhỏ lẻ đã dẫn tới bị thương tích nặng thậm chí mất mạng sau những vụ giải quyết va chạm giao thông. …
Do vậy, việc xây dựng văn hóa giao thông đã được nhiều chuyên gia xem là biện pháp quan trọng nhất nhằm kéo giảm tai nạn giao thông. Các cơ quan chức năng của Nhà nước cũng đã sớm nhận thức ra được tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa giao thông cho các tầng lớp nhân dân và người tham gia giao thông. Chúng ta đã xây dựng các kế hoạch và thực thi nhiều biện pháp giáo dục, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân, của người tham gia giao thông và hoàn thiện các chế tài xử lý vi phạm, các biện pháp phòng ngừa có tính thực tế và dễ áp dụng, dễ đi vào ý thức của người tham gia giao thông. Ngày 26/5/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt với nhiều điểm mới, nhiều điểm bổ sung như là một trong những biện pháp mới góp phần giáo dục, nâng cao ý thức tham gia giao thông và xây dựng nền văn hóa giao thông văn minh, hiện đại. An toàn giao thông là hạnh phúc của mọi người, mọi gia đình và toàn xã hội. Mong rằng mỗi người dân, mỗi người tham gia giao thông hãy xây dựng cho mình một lối sống văn hóa khi tham gia giao thông, một suy nghĩ và hành động đúng đắn thực hiện những giải pháp thiết thực để góp phần góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông.