Nghị định 46/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt - Một chế tài mới hạn chế ma men, ma tốc độ và các anh hùng xa lộ
Thứ năm - 11/08/2016 03:46
Theo các nghiên cứu về nguyên nhân gây ra tai nạn giao thông ở Việt nam nói riêng cũng như trên thế giới nói chung thì một trong những nguyên nhân chủ yếu sau gây ra phần lớn các vụ tai nạn giao thông xảy ra. Riêng ở Việt Nam các nguyên nhân này có những thời điểm là nguyên nhân chính dẫn tới các vụ tai nạn, đó là:
Lái xe quá tốc độ quy định: khi bạn chạy xe với tốc độ nhanh hơn, thời gian cho phép bạn phản ứng để tránh khỏi va chạm sẽ ít đi, khả năng xảy ra va chạm sẽ tăng thêm. Đó là chưa kể đến hậu quả va chạm sẽ nghiêm trọng hơn khi bạn di chuyển ở tốc độ cao. Cần lưu ý rằng chỉ cần bạn vượt tốc độ quy định 8 km/giờ cũng đủ gây tai nạn nghiêm trọng. Giả sử trên con đường quy định tốc độ tối đa 48 km/giờ, khi bạn phát hiện người đi bộ ở cách xa 13,7 mét và phanh xe, chiếc xe của bạn sẽ dừng lại trước khi va chạm với người đi bộ. Nếu bạn chạy vượt quá quy định 8 km/giờ tức 56 km/giờ. Ở khoảng cách 13,7 mét, sau khi phanh xe, xe sẽ va chạm người đi bộ ở tốc độ 29 km/giờ. Đủ để gây chấn thương nghiêm trọng cho người đi bộ.
Một nguyên nhân nữa đó là lái xe khi say rượu. Theo các kết quả nghiên cứu ở Việt Nam, rượu là nguyên nhân trực tiếp làm giảm tốc độ phản ứng của lái xe từ 10 - 30%, giảm khả năng điều khiển tự chủ, phản xạ và thị lực, gây ảnh hưởng trực tiếp đến thị giác, quá trình xử lý và truyền tải hình ảnh tới não, gây ước tính sai về khoảng cách, dẫn đến gia tăng mức độ rủi ro và tai nạn giao thông.
Theo Cục Cảnh sát giao thông Đường bộ - Đường sắt, từ năm 2004 - 2008, tai nạn giao thông do nguyên nhân từ say rượu bia luôn chiếm từ 6 - 8% số tai nạn giao thông xảy ra trong toàn quốc. Năm 2006, phân tích 7.280 vụ tai nạn giao thông có 474 vụ (chiếm 6,5%) do lái xe say rượu bia gây ra; năm 2007 có 469 vụ và 2008 có 409 vụ. Đây là những thống kê chưa đầy đủ, thực tế còn cao hơn nhiều. Một nghiên cứu của Bộ Y tế về tình trạng sử dụng rượu, bia khi lái xe thì có 38% người dân Việt Nam cho rằng chỉ khi bị bắt buộc, họ mới tuân thủ quy định không uống rượu lái xe.
Liên quan đến vấn đề trên, Chính phủ đã ban hành Nghị định 171/2013/NĐ-CP có quy định các chế tài để xử lý nghiêm khắc các hành vi vi phạm trên. Tuy nhiên, trong thời gian qua các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên còn thấp, chưa có tác dụng răn đe, phòng ngừa các vi phạm, một số quy định còn thiếu do đó tác dụng trong việc giảm các nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông xuất phát từ các nguyên nhân trên chưa đạt. Số vụ tai nạn giao thông liên quan đến nguyên nhân người tham gia giao thông vượt quá tốc độ, vượt quá nồng độ cồn quy định, các hành vi khác lưu thông trên đường xảy ra ngày càng nhiều.
Từ thực tế trên, ngày 26/5/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 46/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt thay thế Nghị định 171 đã khắc phục những hạn chế, bổ sung nhưng điểm mới, quy định mới như:
Nghị định quy định người điều khiển ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 4 - 6 tháng. Mức phạt này cũng áp dụng đối với người điều khiển xe ô tô không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn, về chất ma túy của người thi hành công vụ. Cũng với các hành vi trên, người điều khiển xe máy bị phạt từ 3 - 4 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 3 - 5 tháng.
Những hành vi lạng lách, đánh võng trên đường, không tuân thủ hiệu lệnh khi tham gia giao thông, điều khiển xe chạy vượt quá tốc độ quy định… cũng bị xử phạt nặng. Người điều khiển xe ô tô lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường bộ; dùng chân điều khiển vô lăng khi xe đang chạy trên đường, bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng.
Trường hợp vi phạm quy định này mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tới 18 - 20 triệu đồng. Điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h, bị phạt từ 5 - 6 triệu đồng, trên 35 km/h bị phạt từ 7 - 8 triệu đồng.
Người đi xe máy buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên, nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; quay người về phía sau hoặc bịt mắt điều khiển xe; điều khiển xe lạng lách hoặc đánh võng trên đường; điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh, chạy bằng hai bánh đối với xe ba bánh; điều khiển xe thành nhóm từ hai xe trở lên chạy quá tốc độ quy định bị phạt tiền từ 5 - 7 triệu đồng.
Vi phạm các hành vi trên gây tai nạn giao thông hoặc không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 10 - 14 triệu đồng. Điều khiển xe máy chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h, phạt từ 3 - 4 triệu đồng.
Bên cạnh đó, người điều khiển xe máy cũng bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng nếu sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; không chú ý quan sát, điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định gây tai nạn giao thông; vượt xe hoặc chuyển làn đường trái quy định gây tai nạn giao thông.
Nghị định cũng quy định mức phạt khá nặng đối với người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy. Cụ thể, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 16 - 18 triệu đồng (trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe) đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy.
Đối với người điều khiển xe máy, mức phạt là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng (trong trường hợp có giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 3 - 4 triệu đồng (trong trường hợp không có giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe)….
Với nhưng chế tài mới nghiêm khắc trên là biện pháp cứng rắn, có tác dụng răn đe, phòng ngừa các nguyên nhân trên dẫn tới tai nạn giao thông, góp phần kiềm tỏa và giảm số vụ tại nạn giao thông xảy ra. Các đệ tử lưu linh, ma tốc độ và các anh hùng xa lộ cần chú ý và chấm dứt các hành vi vi phạm luật lệ giao thông và hãy tham gia giao thông một cách có văn hóa.