Những quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy theo quy định tại Nghị định số 46 của Chính phủ

Thứ năm - 11/08/2016 04:16
Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đã có hiệu lực từ 1/8/2016. Đây là văn bản mới nhất, thay thế cho các Nghị định số 171/2013/NĐ-CP và 107/2014/NĐ-CP của Chính Phủ. Theo đó, nhiều lỗi vi phạm giao thông đối với xe mô tô, xe gắn máy sẽ bị tăng mức phạt so với quy định cũ.
Những quy định mới về xử phạt vi phạm hành chính đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy theo quy định tại Nghị định số 46 của Chính phủ
Thứ nhất: Đối với lỗi không bật đèn chiếu sáng 19h hôm trước tới 5h hôm sau phạt tới 100.000đ.
Theo điểm c, khoản 2, Điều 6 Nghị định 46 quy định các phương tiện không sử dụng hoặc sử dụng không đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19h hôm trước đến 5h hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn sẽ bị xử phạt. Mức xử phạt cao nhất đối với người lái xe máy là 100.000 đồng. Theo quy định cũ chỉ quy định chung chung là “Không sử dụng đèn chiếu sáng khi trời tối hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hoặc hạn chế tầm nhìn”.
Thứ hai: Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính bị phạt tiền tới 200.000đ.
Theo điểm 0, khoản 3, Điều 6 Nghị định 46 quy định người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Hành vi này ở quy định trước bị phạt từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng.
Thứ ba: Người điều khiển xe không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt tiền tới 400.000đ.
Tại điểm c, khoản 4, điều 6 Nghị định 46 quy định phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với hành vi “Không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông”. Như vậy, theo Nghị định 46 người đi xe môtô, xe gắn máy, xe máy điện vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ với mức phạt tối đa 400 ngàn đồng. Đây là quy định mới. Tại Nghị định số 171 chỉ quy định phạt tiền đối với hành vi “Khi tín hiệu đèn giao thông đã chuyển sang màu đỏ nhưng không dừng  lại trước vạch dừng mà vẫn tiếp tục đi, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng trước khi tín hiệu đèn giao thông chuyển sang màu vàng.”
Thứ tư: Người điều khiển xe máy trên đường cao tốc bị phạt đến 1 triệu
Tại điểm b, khoản 5, Điều 6 Nghị định 46 quy định hành vi “Điều khiển xe đi vào đường cao tốc, trừ xe phục vụ việc quản lý, bảo trì đường cao tốc” sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000đ; bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng. Hành vi này ở quy định trước bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.
Thứ năm: Người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h bị phạt tới 4 triệu đồng
Theo Nghị định 46 tại điểm a, khoản 8, Điều 6 quy định Phạt tiền từ 3.000.000 - 4.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h. Ngoài việc bị phạt tiền, người Điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng.
Hành vi này ở quy định trước bị phạt tiền từ 2.000.000đồng đến 3.000.000 đồng.
Thứ sáu: Người điều khiển xe uống rượu bia lái xe, phạt tới 4 triệu đồng
Tại khoản 6, Điều 6 Nghị định 46 quy định: Phạt tiền từ 1.000.000đồng đến 2.000.000đồng đối với người điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililit máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hành vi này ở quy định trước bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng.
Tại điểm c, khoản 8, điều 6 quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 đến 4.000.000 đồng đối với người Điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở. Hành vi này ở quy định trước bị phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng.
Ngoài việc bị phạt tiền, người Điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 03 - 05 tháng.
Thứ bảy: Người điều khiển xe mà trong cơ thể có chất ma túy phạt tới 4 triệu đồng
Tại khoản 11, Điều 6 Nghị định 46 quy định: Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (trong trường hợp có Giấy phép lái xe) hoặc phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng (trong trường hợp không có Giấy phép lái xe hoặc có nhưng đang bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe) đối với người Điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy. Hành vi này ở quy định trước bị phạt tiền từ 2.000.000đồng đến 3.000.000 đồng.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây