VKSND thị xã Chí Linh 55 năm xây dựng, trưởng thành

Thứ hai - 29/06/2015 05:59
          Cùng với sự hình thành và phát triển của hệ thống cơ quan VKSND, ngày 23/5/1961 Viện trưởng VKSND tối cao đã ban hành quyết định số: 128/QĐ bổ nhiệm đồng chí Nguyễn Văn Thuần giữ chức vụ Viện trưởng VKSND huyện Chí Linh (nay là thị xã Chí Linh), đánh dấu sự hình thành của đơn vị. Sau khi thành lập, được sự quan tâm của ngành cấp trên và cấp uỷ địa phương, đơn vị từng bước xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy để triển khai nhiệm vụ, đào tạo, bồi dưỡng, quản lý đội ngũ cán bộ thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành do Đảng và nhà nước đề ra. Trong suốt 55 năm qua, từ buổi sơ khai chỉ có 2 biên chế với trình độ sơ cấp lý luận và nghiệp vụ đến nay  đội ngũ lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ đã trưởng thành về số lượng, về trình độ, kỹ năng kinh nghiệm, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức; đơn vị luôn bám sát chức năng, nhiệm vụ của ngành với mục tiêu phục vụ Đảng, phục vụ cách mạng và phục vụ nhân dân; thực hiện tốt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh với cán bộ kiểm sát " Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn ", nỗ lực cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ pháp chế, xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, góp phần xây dựng ngành Kiểm sát trong sạch, vững mạnh. Sự trưởng thành của đơn vị được minh chứng sinh động qua thực hiện chức năng của các thời kỳ đó là:
          Giai đoạn 1960 - 1975
          Trong 15 năm (1960 - 1975) cùng với sự hình thành và phát triển của ngành, đơn vị vừa xây dựng cơ cấu tổ chức, vừa triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ có thể nói là mới mẻ, kinh nghiệm chưa nhiều, điều kiện về cơ sở vật chất khó khăn (trụ sở đơn vị là 3 gian nhà ngói cấp 4 trong khuôn viên của UBND huyện); biên chế chỉ có 2 - 3 cán bộ, trình độ lý luận và nghiệp vụ sơ cấp được cấp uỷ điều từ những ngành khác sang. Song với khí thế chung của toàn ngành, đơn vị đã tích cực khắc phục khó khăn, năng động, sáng tạo, sớm nhận thức đúng phương hướng nhiệm vụ chính trị của công tác kiểm sát; giải quyết tốt mối quan hệ về sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng, sự giám sát của Hội đồng nhân dân với hoạt động của VKS, cũng như mối quan hệ của VKS với các ngành, các cấp. Nhờ vậy công tác kiểm sát đã đạt những thành quả nhất định, uy tín của ngành ngày càng được củng cố và nâng cao; được cấp uỷ tin cậy giao phó nhiều nhiệm vụ quan trọng, được nhân dân tín nhiệm. Nhiệm vụ công tác kiểm sát những năm đầu là:
          Kiểm sát hoạt động tuyển quân; việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội; quản lý các hợp tác xã, chế độ khoán trong nông nghiệp; phân phối hàng hoá... Cùng với hoạt động kiểm sát TTPL, công tác kiểm sát điều tra, kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam… cũng được triển khai hiệu quả (án hình sự giải quyết đều đạt 90% trở lên, truy tố, xét xử đạt 100%).
Có thể đánh giá từ năm 1961 - 1967 Viện kiểm sát Chí Linh luôn luôn là một trong những đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ cùng với các huyện Nam Sách, Kim Thành, Bình Giang, thị xã Hải Dương (nay là Thành phố Hải Dương). Đặc biệt năm 1967, là năm có nhiều hoạt động kiểm sát TTPL, phát hiện nhiều vi phạm, góp phần chấn chỉnh sự buông lỏng quản lý kinh tế, tham ô, trục lợi; được Cấp uỷ địa phương ghi nhận và biểu dương, được Hội đồng thi đua ngành kiểm sát Hải Dương suy tôn là: " Đơn vị lá cờ đầu ", Uỷ ban hành chính tỉnh Hải Dương tặng " Cờ thi đua xuất sắc năm 1967 ", đây là mốc son đầu tiên của đơn vị kể từ khi thành lập.
          Giai đoạn 1975 - 1985
          Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Chuyển sang thời kỳ mới ngành kiểm sát có bước phát triển mới cả về tổ chức và hoạt động.
Trên địa bàn Chí Linh thời kỳ này cũng có sự chuyển biến về kinh tế - xã hội; nhà nước quyết định đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Phả Lại I, nhiều công nông, trường, xí nghiệp... được thành lập; hàng sư đoàn bộ binh, công binh  được điều về Chí Linh xây dựng tuyến phòng thủ, làm gia tăng đột biến về con người, kéo theo đó là phong tục tập quán, lề lối sinh hoạt khác nhau. Tình hình an ninh trật tự diễn biến rất phức tạp, tệ nạn xã hội không ngừng gia tăng. Trên lĩnh vực kinh tế cơ chế quản lý quan liêu, bao cấp cũng nảy sinh rất nhiều tiêu cực; một số cán bộ thoái hoá biến chất, tìm kẽ hở của cơ chế chính sách để làm giàu cá nhân; một số Hợp tác xã đã tự ý đặt ra các khoản thu, chi tiêu bừa bãi; trong lưu thông phân phối từ chế độ bao cấp 2 giá, dẫn đến tệ hách dịch cửa quyền ở các Công ty kinh doanh, tư thương đầu cơ trốn thuế tạo ra sự bất ổn định thị trường.
Đứng trước tình hình đó đơn vị đã bám sát các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng và nhiệm vụ trọng tâm của ngành, vận dụng linh hoạt và sáng tạo các phương thức kiểm sát, hoàn thành tốt chỉ tiêu, kế hoạch được giao.
          Để góp phần đưa lưu thông phân phối hàng hoá trên địa bàn trở lại ổn định, đơn vị đã triển khai nhiều cuộc KSTTPL, đối với các đơn vị như: Công ty thương nghiệp, Công ty thực phẩm, công ty lương thực,... Kết thúc 42 cuộc kiểm sát; kiến nghị thu hồi 50 triệu đồng, 1420 tem phiếu các loại; kiến nghị xử lý 148 cá nhân (29 Đảng viên), khởi tố 2 vụ án tham ô. Với những kết quả trên, đơn vị được cấp uỷ địa phương, ngành cấp trên đánh giá cao; nhân dân đồng tình tin tưởng.
Về trật tự trị an giai đoạn này với nhiệm vụ trọng tâm - phục vụ việc xây dựng Nhà máy điện Phả Lại  (công trình trọng điểm); đơn vị  đã phân công một đồng chí phó viện trưởng và 2 kiểm sát viên giầu kinh nghiệm, làm nhiệm vụ trực tiếp tại địa bàn; cơ quan Công an thành lập đồn Công an Phả lại do 1 đ/c Phó trưởng huyện phụ trách, phối hợp chặt chẽ với VKS, phân loại xử lý kịp thời vụ việc xảy ra; những năm 1981- 1983 trung bình xảy ra từ 251 - 396 vụ việc/năm, (địa bàn Phả lại chiếm 30 - 40%).
Trong 10 năm (1975 - 1985) đối với sự hoạt động của một cơ quan, đơn vị là một thời gian không dài; cùng với những thành quả mà ngành kiểm sát đã đạt được, đơn vị cũng đã khẳng định được vị thế, uy tín, hoạt động kiểm sát có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực, góp phần thiết thực trong việc bảo vệ pháp chế XHCN.
          Giai đoạn 1986 - 2005
          Thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế từ quan liêu bao cấp sang kinh tế thị trường và cải cách về hành chính, tư pháp, là những cuộc cách mạng có tính đột phá, giải phóng lực lượng sản xuất đem lại những thành tựu to lớn chưa từng có trên các mặt kinh tế - chính trị - xã hội và pháp luật. Trên nền móng vững chắc của 25 năm xây dựng cùng với những bài học kinh nghiệm, ngành kiểm sát tiếp tục có sự đổi mới mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động.
KSTTPL trong lĩnh vực hành chính - kinh tế - xã hội; tính từ năm 1993 - 2001, đơn vị đã tiến hành 189 hoạt động, phát hành 34 kháng nghị, 6 kiến nghị vi phạm, kiến nghị xử lý 16 cá nhân. Tiến hành 66 cuộc kiểm sát xử phạt vi phạm hành chính, phát hành 66 kiến nghị vi phạm. Chú trọng công tác quản lý tình hình vi phạm, tội phạm, thông qua công tác quản lý tình hình, VKS đã khởi tố, yêu cầu khởi tố hàng chục vụ án thuộc loại tội  tham nhũng. Kiểm sát điều tra trung bình trên 100 vụ/năm, đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử không xảy ra oan, sai. Công tác kiểm sát giải quyết các vụ việc Dân sự, kiểm sát giải quyết KN - TC, kiểm sát thi hành án cũng được thực hiện hiệu quả. Trong 10 năm từ 1993 - 2002 công tác kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự đã kiểm sát việc thụ lý, giải quyết của Tòa án 1.439 vụ việc dân sự (ly  hôn 1.155; tranh chấp 248), tham gia xét xử 206 vụ ly hôn, 89 vụ tranh chấp, kháng nghị phúc thẩm từ 3 - 5 vụ/năm.
          Giai đoạn từ năm  2005 - nay
          Đây là giai đoạn thực hiện công cuộc cải cách tư pháp mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước. Trên nền tảng thành quả, kinh nghiệm 45 năm phấn đấu và trưởng thành; với sự chuyển biến mạnh mẽ về nhân sự đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên được đào tạo cơ bản (100% là cử nhân luật), có ý thức tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc. Hoạt động của đơn vị luôn bám sát nhiệm vụ trọng tâm của ngành phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị địa phương, giữ vững trật tự trị an xã hội, sự phát triển của kinh tế trên địa bàn.
Chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong việc quản lý và xử lý tin  báo, tố giác tội phạm, thực hiện tốt chủ trương mở rộng nguồn quản lý tin báo; trung bình quản lý trên 100 tin/năm; kiểm sát chặt chẽ việc giải quyết, không để xảy ra việc quá hạn giải quyết, giảm tỷ lệ việc không khởi tố vụ án. Thực hiện tốt chủ chương “Tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra”, phối hợp chặt chẽ với CQĐT, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết vụ án; trung bình kiểm sát điều tra 100 vụ/năm, truy tố 90 vụ/năm việc truy tố đảm bảo không có trường hợp nào Toà án tuyên không phạm tội, tuyên khác với tội danh VKS truy tố. Hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng. Thực hành quyền công tố Kiểm sát xét xử trung bình 90 vụ/năm; chú trọng thực hiện biện pháp, giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp. Cùng với hoạt động THQCT, kiểm sát HĐTP trong lĩnh vực hình sự các hoạt động kiểm sát trên các lĩnh vực dân sự, thi hành án, giải quyết đơn cũng được thực hiện hiệu quả.
Đây cũng là giai đoạn đơn vị đã duy trì và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của ngành với nhiều năm liên tục là đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua cấp huyện; góp phần xây dựng ngành kiểm sát trong sạch, vững mạnh.
          Kết quả thi đua trong 55 năm
          Thực hiện lời dậy của Chủ tịch Hồ Chí Minh " Thi đua là yêu nước, yêu nước phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước nhất". Ngay sau khi được thành lập, trải qua 55 năm phát triển, đơn vị luôn xác định công tác thi đua có tầm quan trọng đặc biệt trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ của ngành; luôn gắn thi đua với thực hiện các chỉ tiêu nghiệp vụ; với sự nỗ lực phấn đấu của nhiều thế hệ cán bộ công chức trong đơn vị; sự quan tâm chỉ đạo của ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKS tỉnh, của cấp ủy địa phương, sự phối hợp của các cơ quan hữu quan và sự ủng hộ của nhân dân; công tác thi đua của đơn vị trong 55 năm đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.
Năm 1967 đơn vị nhận cờ thi đua xuất sắc do UBND tỉnh Hải Hưng (nay là tỉnh Hải Dương) trao tặng. Các năm 1980, 1981, 1983, 1984 được tặng cờ thi đua " Tổ lao động xã hội chủ nghĩa";  năm 1985 lần thứ 2 được UBND tỉnh Hải Hưng tặng cờ đơn vị thi đua xuất sắc. Các năm 1986, 1990, 1991, 1992, 1995, 1996, 1997, 1998 được tặng cờ thi đua “Tổ lao động xã hội chủ nghĩa”. Trong 16 năm liên tục (1999 - 2014) đơn vị được VKSND Tối cao tặng cờ " Tập thể dẫn đầu phong trào thi đua khối ". Đặc biệt các năm 1992 được Nhà nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng ba, năm 2001 được tặng thưởng Huân chương lao động hạng nhì,  Năm 2007 được tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng nhất.  Chi bộ trong nhiều năm đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh, các năm 2004, 2009, 2014 được Tỉnh uỷ Hải Dương tặng cờ thi đua. Về cá nhân đã có nhiều lượt lãnh đạo, Kiểm sát viên, cán bộ được cấp trên khen thưởng; tiêu biểu là đ/c Cao Văn Tấn (nguyên Viện trưởng), năm 1985 được phong tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc đầu tiên của ngành Kiểm sát; Đ/c Chu Xuân Đông (nguyên Viện trưởng) được tặng thưởng Huân Chương Lao động hạng III
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây