Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, đánh dấu sự ra đời của Viện kiểm sát nhân dân, một hệ thống cơ quan Nhà nước mới. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 đã quy định Ngày truyền thống của Viện kiểm sát nhân dân là ngày 26 tháng 7 hằng năm.
Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển, Ngành Kiểm sát nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong từng giai đoạn cách mạng, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao cho. Kết quả công tác của Ngành góp phần to lớn vào thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quyền dân chủ của nhân dân; cùng các ngành, các cấp đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
Đ/c Nguyễn Hòa Bình - Viện trưởng VKSND tối cao về thăm và làm việc tại VKSND tỉnh Hải Dương
Ngành Kiểm sát Hải Dương khi mới thành lập với biên chế của Viện kiểm sát hai cấp chỉ có 40 người trong đó cấp tỉnh 16 người, cấp huyện 24 người, chủ yếu là chuyển từ Viện công tố và các cơ quan Công an, Tòa án, các đồng chí là cấp ủy viên huyện, cấp ủy viên Đảng ủy, chi ủy chi bộ cơ sở chuyển sang. Mặc dù gặp nhiều khó khăn về lực lượng biên chế, cơ sở vật chất thiếu thốn, tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước còn khó khăn, cùng một lúc phải thực hiện 2 nhiệm vụ đấu tranh giải phóng miền Nam, xây dựng CNXH ở miền Bắc, sự chống phá của đế quốc Mỹ và các thế lực phản động, thù địch quyết liệt, nhưng các đơn vị VKSND hai cấp đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đã tập trung các hoạt động kiểm sát phục vụ công cuộc cải tạo và xây dựng quan hệ sản xuất mới XHCN.
Năm 1986, thực hiện Nghị quyết đổi mới của Đảng theo tinh thần Đại hội toàn quốc lần thứ VI, Ngành Kiểm sát nói chung và ngành Kiểm sát tỉnh Hải Hưng có sự chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động. Về tổ chức cơ bản kiện toàn đủ cán bộ lãnh đạo, quản lý, các chức danh tư pháp; về hoạt động đã bám sát Nghị quyết của Đảng, những chủ trương lớn của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo kế hoạch thống nhất trên phạm vi toàn quốc, phục vụ đường lối đổi mới của Đảng.
Năm 1997, VKSND tỉnh Hải Dương được tái lập, tiếp tục thực hiện quan điểm đổi mới của Đảng, luôn bám sát Nghị quyết của Đảng, những chủ trương lớn của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật; tập trung thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử án hình sự góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm; tăng cường các hoạt động kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án, kiểm sát giải quyết các vụ việc dân sự, giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân nhằm phát hiện kịp thời các vi phạm để kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu khắc phục, sửa chữa.
Từ năm 2002 đánh dấu một bước điều chỉnh quan trọng về về chức năng, nhiệm vụ của VKSND theo yêu cầu của cải cách tư pháp, theo đó
"...Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật...". Hai cấp kiểm sát đã tích cực triển khai thực hiện các nhiệm vụ về cải cách tư pháp Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị
Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới, Nghị quyết số 49- NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị
về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, VKSND tỉnh Hải Dương đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về tổ chức và hoạt động, biên chế được bổ sung thêm, trình độ nghiệp vụ, chính trị của đội ngũ cán bộ từng bước được nâng lên, cán bộ lãnh đạo, quản lý 2 cấp được kiện toàn, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc từng bước được trang bị tốt hơn; do vậy công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp ngày càng có chất lượng và hiệu quả.
Từ năm 2010 đến năm 2015, VKSND tỉnh Hải Dương tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp của năm và giai đoạn 2011 - 2016, trong đó tiếp tục thực hiện tốt chủ trương
“Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” và
“Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa”, thực hiện Nghị quyết số 37/2012/QH13 và Nghị quyết số 63/2013/QH13 của Quốc hội
“Về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm”; Viện kiểm sát hai cấp đã đề ra nhiều biện pháp, giải pháp để quản lý như mở rộng nguồn quản lý, tăng cường công tác phối hợp để kiểm sát chặt chẽ việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong 5 năm đã kiểm sát giải quyết 6.899 tin báo, qua kiểm sát đã yêu cầu khởi tố 103 vụ án hình sự, 102 bị can; thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 6.750 vụ/10.314 bị can; thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử theo thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm 5.369 vụ/9.963 bị cáo; phối hợp tổ chức 364 phiên tòa hình sự để rút kinh nghiệm, 1.245 phiên tòa lưu động để tuyên truyền giáo dục pháp luật, không để xảy ra oan, sai; không có vụ án nào Viện kiểm sát truy tố Tòa án tuyên không phạm tội; qua kiểm sát đã phát hành 85 kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm hình sự, tỷ lệ kháng nghị được chấp nhận tăng cao. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đã có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật. Qua hoạt động kiểm sát đã phát hành 109 kháng nghị, 667 kiến nghị yêu cầu khắc phục vi phạm trong hoạt động tư pháp được tiếp thu thực hiện.
Công tác xây dựng ngành tập trung vào việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Tổ chức quán triệt thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 ( khóa XI)
Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị
Về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ ngành Kiểm sát
“Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”, tổ chức phát động thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên
“Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”; tổ chức nhiều cuộc thi, tập huấn, thảo luận, tòa đàm về các chuyên đề nghiệp vụ để nâng cao trình độ, kỹ năng nghiệp vụ cho đổi ngũ cán bộ, Kiểm sát viên; nâng cao trách nhiệm của cán bộ lãnh đạo, quản lý, đổi mới công tác chỉ đạo điều hành; tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong hoạt động công vụ và trật tự nội vụ.
Với những biện pháp, giải pháp đó và được sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, sự đồng tình ủng hộ của nhân dân, nên chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ, vị thế, uy tín của Ngành được nâng lên.
Với những thành tích qua 55 năm xây dựng và phát triển, Ngành Kiểm sát tỉnh Hải Dương đã được tặng thưởng 14 Huân chương Lao động (01 Huân chương Lao động hạng Nhất, 4 Huân chương lao động hạng Nhì, 9 Huân chương lao động hạng Ba); 3 đơn vị được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; Viện kiểm sát nhân dân tỉnh từ năm 2002 đến nay liên tục được tặng Cờ thi đua và Bằng khen của Viện trưởng Viện KSND tối cao; 01 người được tặng thưởng Huân chương LĐ hạng Nhất, 2 người được tặng thưởng Huân chương LĐ hạng Nhì, 2 người được tặng thưởng Huân chương LĐ hạng Ba…
Phát huy truyền thống 55 năm xây dựng và phát triển, trong thời gian tới ngành Kiểm sát Hải Dương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, tiếp tục đề ra các biện pháp, giải pháp thực hiện tốt chủ trương
“Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” và
“Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa”; nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm sát các hoạt động tư pháp nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
Hai là, tiếp tục triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, trước hết là phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng những nội dung mới của Hiến pháp năm 2013, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014; tích cực tham gia ý kiến xây dựng thể chế, chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sớm ổn định tổ chức, bộ máy để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014.
Ba là, tăng cường công tác xây dựng Đảng, tập trung tham mưu cho các cấp ủy, chính quyền giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến Đại hội Đảng; chủ động phối hợp với các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý các vụ việc phức tạp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, bảo đảm tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp.
Bốn là, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp, cải cách chế độ công vụ, công chức; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công tác quản lý cán bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật; đẩy mạnh việc thực hiện Chỉ thị số 03 của Bộ Chính trị, việc thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát
“Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Năm là, đẩy mạnh việc thực hiện các phong trào thi đua do VKSND tối cao và địa phương phát động, gắn với phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên
“Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, góp phần hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2014, thiết thực chào mừng kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống Viện kiểm sát nhân dân ( 26/7/1960 – 26/7/2015).
Nhân dịp kỷ niệm 55 năm ngày truyền thống của Viện kiểm sát nhân dân, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo VKSND tỉnh Hải Dương và toàn thể công chức, người lao động ngành Kiểm sát Hải Dương trân trọng cám ơn sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của VKSND tối cao, của Ban thường vụ Tỉnh ủy, sự giám sát thường xuyên của Hội đồng nhân dân tỉnh, sự phối hợp, tạo điều kiện của các ngành, các cấp, của các cơ quan thông tin, báo chí và sự ủng hộ của nhân dân trong tỉnh để ngành Kiểm sát Hải Dương luôn hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ. Trong thời gian tới, ngành Kiểm sát Hải Dương rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Ban thường vụ Tỉnh ủy, của VKSND tối cao, sự phối hợp, tạo điều kiện của các ngành, các cấp, của các cơ quan báo chí và sự ủng hộ của nhân dân trong tỉnh để ngành Kiểm sát Hải Dương tiếp tục hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014./