Hướng tới kỷ niệm 55 năm ngày thành lập ngành KSND, tập thể cán bộ, công chức, người lao động của VKSND huyện Kim Thành đang nô nức thi đua và cùng nhau ôn lại truyền thống xây dựng và phát triển của ngành KSND nói chung, VKSND tỉnh Hải Dương và VKSND huyện Kim Thành nói riêng trong suốt 55 năm qua.
Từ khi mới thành lập, VKSND huyện Kim Thành chỉ có duy nhất một đồng chí Viện trưởng là đồng chí Mai Chiêm Hoà (cán bộ miền Nam tập kết ngoài Bắc). Năm 1963, đồng chí Mai Chiêm Hoà được điều về Nam công tác, điều đồng chí Đồng Văn Chỉnh (Chủ tịch xã Liên Hoà - Kim Thành) làm Viện trưởng. Tiếp đó, năm 1966 là đồng chí Lục Đức Oong (Chủ tịch xã Bình Dân - Kim Thành). Đến năm 1968 mới được bổ sung thêm một Kiểm sát viên là đồng chí Nguyễn Duy Cảnh (cán bộ thuỷ lợi huyện). Đến những năm 70 thì có thêm hai đồng chí nữa về công tác.
Như vậy, trong hơn một thập kỷ có lúc chỉ có một cán bộ kiểm sát, mà nhiệm vụ của ngành kiểm sát nhân dân lại rất rộng: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố Nhà nước, đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất. Để thực hiện những nhiệm vụ hết sức khó khăn đó, những cán bộ, Kiểm sát viên của Viện kiểm sát nhân dân huyện Kim Thành đã không ngừng cố gắng, vừa làm vừa học, người đi trước hướng dẫn người đi sau, học hỏi lẫn nhau, truyền cho nhau những kiến thức và kinh nghiệm mà đôi khi phải trả giá rất đắt mới có được. Với tinh thần đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của VKSND tỉnh, cấp ủy địa phương, sự phối hợp giữa các cơ quan, ban, ngành trong huyện, Đảng uỷ, HĐND, UBND các xã và thị trấn, VKSND huyện Kim Thành đã khắc phục khó khăn thực hiện tốt nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó, góp phần tích cực vào việc giữ vững trật tự, kỷ cương, an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa trên địa bàn. Trong giai đoạn này, VKSND Kim Thành đã tập trung hoạt động thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là: Bảo vệ tài sản xã hội chủ nghĩa, bảo vệ vật tư quốc phòng, hàng hoá do các nước anh em và bè bạn viện trợ, đấu tranh chống các hành vi trộm cắp, tham ô, phân phối, sử dụng sai chính sách, chế độ, ... Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc chấp hành các chính sách hậu phương quân đội, việc thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ lao động thời chiến, kịp thời giải quyết các vụ hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình có quan hệ đến quân nhân, nhằm ổn định lòng quân khi ra tiền tuyến. Công tác kiểm sát thời kỳ này đã thể hiện rõ tư tưởng của đồng chí Hoàng Quốc Việt- Viện trưởng VKSND tối cao đầu tiên: Công tác kiểm sát thực chất là công tác chính trị, công tác kiểm sát phải phục vụ nhiệm vụ chính trị.
Sau khi hoà bình lập lại năm 1975, theo chủ trương của Đảng, một số cán bộ của VKSND huyện Kim Thành được tăng cường vào Nam với nhiệm vụ xây dựng ngành và củng cố chính quyền cơ sở. Những cán bộ ở lại và những cán bộ được điều về lại tiếp tục hoạt động phục vụ nhiệm vụ của Đảng trong thời kỳ mới. Mọi hoạt động của đơn vị hướng tới việc xây dựng và bảo vệ chế độ Hợp tác xã, phát triển kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa.
Năm 1979, theo chủ trương của Đảng, Nhà nước và yêu cầu thực tiễn về quản lý địa giới hành chính phục vụ phát triển kinh tế thời kỳ mới, VKSND huyện Kim Thành và VKSND huyện Kinh Môn hợp nhất thành VKSND huyện Kim Môn. Thời kỳ đầu hợp nhất với bao trở ngại, khó khăn do địa bàn rộng, diễn biến của tình hình tội phạm hết sức phức tạp. Được sự chỉ đạo kịp thời của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh, cấp ủy địa phương về công tác tổ chức, VKSND huyện Kim Môn đã sớm ổn định và đi vào hoạt động.
Trong 17 năm sáp nhập hai huyện, với sự phức tạp của địa bàn và diễn biến của tình hình tội phạm, lực lượng cán bộ kiểm sát còn ít về số lượng và hạn chế về trình độ chuyên môn, thời điểm cao nhất mới có 11 đồng chí, 1 Viện trưởng, 1 Phó Viện trưởng, 9 Kiểm sát viên (trong đó, chỉ có 3 đồng chí có trình độ trung cấp kiểm sát). Khó khăn là thế, nhưng đội ngũ cán bộ VKSND huyện Kim Môn vẫn không ngừng cố gắng học hỏi, trau dồi kiến thức để có chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đáp ứng với những thay đổi qua từng thời kỳ, từ bảo vệ nền kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa (trước 1986), đến xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (Đại hội Đảng lần thứ VI năm 1986).
Sau thời gian sáp nhập hai huyện, đến năm 1997, VKSND huyện Kim Môn lại được tách ra thành VKSND huyện Kim Thành và huyện Kinh Môn. Việc chia tách này đã loại bỏ yếu tố khó khăn về mặt địa bàn, là điều kiện thuận lợi trong công tác nghiệp vụ của cán bộ kiểm sát hai huyện.
Năm 2002 đánh dấu một bước điều chỉnh quan trọng về chức năng hoạt động của VKSND. Luật tổ chức VKSND năm 2002 quy định: VKSND thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, không thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội nữa. Trên cơ sở thực hiện các quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2002 và các văn bản pháp luật liên quan, quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp như Chỉ thị số 53-CT/TW, Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, các lĩnh vực công tác của VKSND huyện Kim Thành trong những năm qua đã có những tiến bộ tích cực, nhất là trong công tác thực hành quyền công tố, không để xảy ra đình chỉ điều tra do không phạm tội, không có trường hợp nào Tòa án tuyên không phạm tội, không có hình sự hóa quan hệ dân sự, kinh tế và ngược lại; chất lượng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp được nâng cao; công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ, kiểm sát viên được quan tâm, chú trọng. Hoạt động kiểm sát góp phần giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương.
Ngày 24/11/2014 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật tổ chức VKSND số 63/2014/QH13 với 6 chương, 101 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015. Luật đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó địa vị pháp lý của VKSND được khẳng định rõ hơn, là một thiết chế Hiến định trong bộ máy Nhà nước, có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành có liên quan và thực tiễn công tác, Luật tổ chức VKSND năm 2014 có nhiều điểm mới về cơ cấu tổ chức và hoạt động của VKSND so với Luật tổ chức VKSND năm 2002. Nhận thức được đây là công cụ pháp lý vô cùng quan trọng trong hoạt động của Ngành KSND nói chung và VKSND huyện Kim Thành nói riêng, Lãnh đạo đơn vị đã đề ra các biện pháp để học tập, nghiên cứu và triển khai thực hiện Luật tổ chức VKSND năm 2014 một cách có hiệu quả, nhất là đối với các quy định mới.
Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức của VKSND huyện Kim Thành có 12 đồng chí, trong đó có 1 đồng chí đã có chức danh tư pháp Kiểm sát viên trung cấp, 5 đồng chí Kiểm sát viên sơ cấp, 10 đồng chí có trình độ đại học, 1 đồng chí có trình độ cao cấp chính trị, 1 đồng chí có trình độ trung cấp chính trị, 3 đồng chí đang học lớp trung cấp chính trị, 5 đồng chí có trình độ sơ cấp chính trị và tương đương.
Với sự đoàn kết, phấn đấu trong 55 năm xây dựng và trưởng thành, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kim Thành đã nhiều năm liền đạt danh hiệu “Tổ đội lao động xã hội chủ nghĩa”, “tập thể lao động xuất sắc”. Được VKSND tối cao và VKSND tỉnh Hải Dương tặng thưởng 40 Bằng khen, Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác và trong các đợt thi đua chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước, ngày thành lập ngành, thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng. Năm 2010, VKSND huyện Kim Thành vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc. Chi bộ Đảng nhiều năm liên tục đạt danh hiệu “Chi bộ trong sạch, vững mạnh”, được Tỉnh ủy tặng Bằng khen, năm 2007 được Tỉnh ủy tặng Cờ “Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh 5 năm 2003-2007”.
Những thành tích, phần thưởng cao quý mà VKSND huyện Kim Thành đạt được, là do có sự chỉ đạo sâu sát, thường xuyên, liên tục của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND tỉnh, Ban thường vụ Huyện uỷ; sự giám sát chặt chẽ của Hội đồng nhân dân, sự giúp đỡ đầy trách nhiệm và hiệu quả của UBND huyện; sự phối kết hợp chặt chẽ, thường xuyên của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, của cấp uỷ Đảng, chính quyền các xã, thị trấn; sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân trên địa bàn.
Với những kinh nghiệm mà VKSND huyện Kim Thành đã rút ra từ thực tiễn trong quá trình hoạt động, lãnh đạo, cán bộ, công chức của đơn vị sẽ không ngừng cố gắng, tiếp tục phấn đấu phát huy truyền thống của ngành, của đơn vị, trên cơ sở kế thừa có chọn lọc những thành tựu, kinh nghiệm trong suốt 55 năm thành lập và phát triển, nhằm thực hiện tốt nhất chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương.