Đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp của ngành KSND năm 2014 và những nhiệm vụ trọng tâm công tác cải cách tư pháp năm 2015
Thứ hai - 24/11/2014 03:54
Ngày 14/11/2014 Ban chỉ đạo thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW tỉnh ủy Hải Dương có báo cáo kết quả công tác cải cách tư pháp năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2015.
Ban chỉ đạo đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ cải cách tư pháp năm 2014 của ngành Kiểm sát, cụ thể là:
Ngành kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra trong công tác kiểm sát điều tra các loại vụ án, đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Tập trung nâng cao chất lượng kiểm sát; kiên quyết yêu cầu CQĐT thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với CQĐT giải quyết khó khăn, vướng mắc, những vấn đề phức tạp nảy sinh trong quá trình điều tra; tỷ lệ điều tra giải quyết án đạt 82%, bằng so với cùng kỳ năm 2013; tỷ lệ truy tố đạt 99% (chỉ tiêu tại Nghị quyết của Quốc hội là 90%), bằng so với cùng kỳ năm 2013; phối hợp với các ngành làm án xác định 71 vụ án trọng điểm (tăng 10 vụ so với cùng kỳ năm 2013; đạt 5,6% - tăng so với chỉ tiêu VKSND tối cao giao 0,6%) có tác dụng giáo dục, phòng ngừa, phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương. VKS 2 cấp ban hành 22 kiến nghị yêu cầu CQĐT khắc phục vi phạm trong hoạt động điều tra, 19 kiến nghị trong việc phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm.
Công tác kiểm sát việc quản lý, xử lý tố giác, tin báo tội phạm tiếp tục được tăng cường, đã quản lý 1.113 tin báo, kiểm sát giải quyết 1.059 tin báo (đạt 95,15% - chỉ tiêu tại Nghị quyết của Quốc hội là 90%). Qua công tác quản lý tình hình tội phạm và kiểm sát giải quyết tố giác tội phạm đã yêu cầu CQĐT khởi tố 31 án hình sự, 41 bị can, yêu cầu hủy bỏ 1 quyết định không khởi tố vụ án hình sự, hủy bỏ 1 quyết định khởi tố bị can, CQĐT đã thực hiện. Tổ chức kiểm tra liên ngành đối với 2 CQĐT cấp huyện để rút kinh nghiệm trong việc thực hiện Quy chế phối hợp trong công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tổ chức kiểm sát trực tiếp việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm của 13 CQĐT cùng cấp và ban hành 13 kết luận, kiến nghị. Công tác kiểm sát việc bắt, tạm giữ, tạm giam và thực hiện chế độ trong giam, giữ được quản lý chặt chẽ. Qua kiểm sát việc bắt đối với 948 người, VKS từ chối phê chuẩn 01 lệnh bắt bị can để tạm giam. Hủy bỏ quyết định tạm giữ 1 người.
- Chất lượng Thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát nhân dân từng bước nâng lên, chú trọng nâng cao trách nhiệm trong việc xét hỏi và tranh luận tại phiên tòa, góp phần cùng Tòa án nhân dân thực hiện công khai, dân chủ trong xét xử, các phán quyết của Tòa án đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử sơ thẩm 856 vụ/ 1.714 bị cáo (tăng 37 vụ/131 bị cáo so với cùng kỳ năm 2013), không có vụ nào Toà án tuyên không phạm tội. Hai cấp tăng cường kiểm tra bản án, quyết định; qua kiểm sát bản án, quyết định của Toà án, VKS đã phát hành 16 kháng nghị phúc thẩm, đã xét xử chấp nhận 12/13 kháng nghị đạt 92,3% (chỉ tiêu tại Nghị quyết của Quốc Hội là 70%); kháng nghị giám đốc thẩm 2 vụ, tái thẩm 1 vụ chưa xét xử. THQCT và kiểm sát xét xử phúc thẩm 122 vụ / 162 bị cáo, giám đốc thẩm 1 vụ /1 bị cáo. Tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các cơ quan tố tụng thấp 1,52% (chỉ tiêu VKSND tối cao giao là không quá 6%), giảm so với cùng kỳ năm 2013 là 0,03% (giữa Viện kiểm sát với Cơ quan Điều tra 0,66% tăng so với cùng kỳ năm 2013 là 0,53%; giữa Toà án với Viện kiểm sát 0,86% giảm 0,56%).
- Đổi mới chất lượng kiểm sát nhằm nâng cao chất lượng kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực dân sự, hành chính; kiểm sát xét xử sơ thẩm 480 vụ (tăng 64 vụ), phúc thẩm 103 vụ (giảm 26 vụ). Tăng cường công tác kháng nghị phúc thẩm án dân sự, hành chính, đã phát hành 28 kháng nghị phúc thẩm, Tòa án xét xử chấp nhận 10/10 vụ đạt (100%); ban hành 40 kiến nghị (tăng 4 kiến nghị) đều được tiếp thu, sửa chữa. Thực hiện chủ trương "Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa", trong công tác THQCT và kiểm sát xét xử, hai cấp đã phối hợp với Toà án tổ chức 129 (94 phiên toà hình sự, 35 phiên tòa dân sự, hành chính); tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn của lãnh đạo Viện kiểm sát hai cấp; tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và giải pháp nâng cao công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử.
- Viện kiểm sát nhân dân hai cấp đã tập trung kiện toàn tổ chức, bộ máy làm việc, bộ phận chuyên trách phòng, chống tham nhũng và kiện toàn cán bộ lãnh đạo quản lý theo hướng tăng cường công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Trong năm qua, đã đề nghị và được Viện KSND tối cao bổ nhiệm lại 01 phó Viện trưởng VKSND tỉnh, 01 Viện trưởng, 01 phó Viện trưởng VKS cấp huyện, 02 KSV trung cấp và 08 KSV sơ cấp, bổ nhiệm 04 Viện trưởng, 01 phó Viện trưởng VKSND cấp huyện, 02 Kiểm sát viên Trung cấp và 06 Kiểm sát viên Sơ cấp; Viện trưởng VKSND tỉnh bổ nhiệm 24 Kiểm tra viên, 09 Kế toán trưởng và 04 phụ trách kế toán. Thực hiện luân chuyển 02 phó Viện trưởng VKS cấp huyện, 01 phó Trưởng phòng, 01 Kiểm sát viên trong diện quy hoạch, chuyển đổi vị trí công tác 01 Kiểm sát viên; điều động theo yêu cầu công tác đối với 19 công chức; tiếp nhận và phân công công tác đối với 02 công chức. Đã cử 85 lượt cán bộ đi học các lớp nghiệp vụ kiểm sát, cao cấp LLCT, cao học luật và nghiên cứu sinh...
- Ngành kiểm sát tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng trụ sở Viện KSND tỉnh, bảo trì, sửa chữa 4 trụ sở VKS cấp huyện, trang bị máy vi tính, máy chiếu, tủ hồ sơ cho các đơn vị cơ bản đáp ứng nhu cầu công tác.
Ban chỉ đạo xác định: Hoạt động của các cơ quan tư pháp trong đó có ngành kiểm sát thu nhiều kết quả; góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định, công tác điều tra, xử lý tội phạm, bắt giam giữ cải tạo phạm nhân thực hiện đúng pháp luật; chất lượng điều tra, truy tố, xét xử được nâng lên, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Công tác xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tư pháp được rà soát, kiện toàn, thường xuyên chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ, đảm bảo tính chuyên sâu, phát huy hiệu quả công tác, đảm bảo theo đúng quy định, theo hướng ưu tiên cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác đặt ra. Tuy nhiên, việc thực hiện công tác cải cách tư pháp còn tồn tại một số khó khăn như: việc triển khai thực hiện Nghị quyết 49-NQ/TW của một số đơn vị còn chậm; chỉ đạo thực hiện Nghị quyết ở một số đơn vị chưa quyết liệt, thiếu giải pháp cụ thể;thiếu lực lượng điều tra viên, giám định viên; khó khăn về kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở giam, giữ, cho công tác giám định. Việc phối hợp giữa lãnh đạo các cơ quan tư pháp ở một số lĩnh vực còn chưa chặt chẽ, chưa thường xuyên.
Ban chỉ đạo nhấn mạnh về phương hướng công tác cải cách tư pháp đối với ngành kiểm sát, một số nội dung như: Tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 03/01/2014 của Bộ Chính trị về triển khai thi hành Hiến pháp (sửa đổi năm 2013). Tích cực tham gia xây dựng pháp luật nhằm thể chế hóa các chủ trương chỉ đạo của Trung ương về cải cách tư pháp. Tiếp tục triển khai sâu rộng, có chất lượng việc thực hiện chủ trương của Đảng về “Tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra”, “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa”; nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử, thi hành án hình sự, hạn chế tối đa việc bỏ lọt tội phạm, người phạm tội và không làm oan người vô tội; tăng cường kiểm sát các hoạt động tư pháp trong các lĩnh vực dân sự, hành chính, thi hành án dân sự và giải quyết khiếu nại tố cáo. Tiếp tục quan tâm xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ để tổ chức thực hiện tốt Đề án thành lập Tòa án nhân dân sơ thẩm và Viện KSND nhân dân tương ứng.