Tuyên truyền kỷ niệm 71 năm ngày thành lập CAND 19/8/1945-19/8/2016)
Cách mạng tháng 8 năm 1945, cùng với việc tổng khởi nghĩa giành chính quyền, CAND Việt Nam đã ra đời. Ở Hà Nội sau khi chiếm lĩnh Ty Cảnh sát và các quận, đồn cảnh sát của địch, ta đã lập sở Liêm phóng Bắc bộ do đồng chí Chu Đình Xương cán bộ xứ ủy Bắc Kỳ giữ chức giám đốc sở Liêm phóng và thành lập Ty Cảnh sát do đồng chí Nguyễn Huy Khôi làm trưởng ty cảnh sát. Nhiều nơi ở Bắc bộ đã thành lập Ty Liêm phóng và Ty Cảnh sát. Tại Trung bộ, ngày 23/8/1945 Ủy ban nội vụ Trung bộ quyết định thành lập Sở trinh sát Trung bộ do đ/c Nguyễn Văn Ngọc làm giám đốc. Ở Nam bộ, ngày 25/8/1945 ủy ban hành chính lâm thời đã quyết định thành lập Quốc gia tự vệ cuộc và cử hai đồng chí Dương Bạch Mai làm Giám đốc và đ/c Nguyễn Văn Trấn làm ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc Nam bộ.Sự ra đời của lực lượng CAND Việt Nam sau Cách mạng tháng Tám là một tất yếu khách quan.
Vừa mới ra đời trong cách mạng tháng Tám, Công an nhân dân Việt Nam đã bước ngay vào cuộc chiến đấu gian khổ, gay go phức tạp và lập lên những chiến công vô cùng vẻ vang oanh liệt, đã đập tan mọi âm mưu thâm độc và hoạt động của bọn phản cách mạng, bọn gian tặc khác, bảo vệ Đảng và chính quyền dân chủ nhân dân còn non trẻ. Trong lúc tình hình chính trị kinh tế đang gặp khó khăn, ngày 25 - 11 - 1945 Trung ương đảng đã ra chỉ thị "kháng chiến kiến quốc". Quán triệt chỉ thị của Đảng ngành Công an đã anh dũng mưu trí kịp thời khám phá các âm mưu và hoạt động phá hoại của bọn đặc vụ Tưởng, bọn mật thám gián điệp Pháp câu kết với các loại phản động trong các đảng phái chính trị phản động, tiêu diệt các sào huyệt gây tội ác giết người của chúng, kịp thời đập tan âm mưu gây rối, gây bạo loạn hòng lật đổ chính quyền dân chủ nhân dân, bảo vệ thắng lợi chính quyền cách mạng non trẻ. Điển hình trong thời gian này lực lượng CAND đã khám phá vụ "ôn như hầu" đập tan âm mưu của bọn quốc dân đảng; đại việt câu kết với thực dân Pháp hòng lật đổ chính phủ cách mạng.
Ở Nam bộ, với danh nghĩa quân đồng minh vào giải giáp quân đội Nhật, ngày 6-9-1945 quân đội Anh do tướng Gơraxay chỉ huy đến Sài gòn. Lợi dụng danh nghĩa quân đồng minh, quân đội Anh trắng trợn giúp đỡ Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai. Những ngày đầu cuộc kháng chiến ở Nam bộ, Quốc gia tự vệ cuộc đã trở thành lực lượng vũ trang chủ yếu của Đảng, nhân dân ta vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân rút ra căn cứ chuẩn bị kháng chiến lâu dài vừa tổ chức các trận chiến đấu vũ trang kìm chân địch, xây dựng cơ sở phá tề trừ gian. Điển hình là cuộc chiến đấu của “Đội cảm tử” thuộc Quốc gia tự vệ cuộc Cần Thơ đã tiến công Sở chỉ huy hành quân của Pháp ở thị trấn Cái Răng. Trận Cái Răng diễn ra trong những ngày đầu Nam bộ kháng chiến đã khích lệ lòng yêu nước, chí căm thù giặc và quyết tâm kháng chiến của đồng bào Nam bộ.
Theo chủ trương của Trung ương Đảng, ngày 21-2-1946 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 23-SL thống nhất các lực lượng liêm phóng, cảnh sát, trinh sát, quốc gia tự vệ cuộc trong toàn quốc thành "Việt Nam công an vụ". Đồng chí Lê Giản được giao nhiệm vụ Giám đốc Việt Nam Công an vụ đầu tiên. Tiếp đó ngày 18-4-1946 Bộ Nội vụ ra quyết định số 121-NĐ về tổ chức Việt Nam Công an vụ. Nghị định quy định Việt Nam Công an vụ có 3 cấp: Nha công an Trung ương, Sở công an kỳ, Ty công an tỉnh. Thực hiện Sắc lệnh số 23-SL và Nghị định 121-NĐ, lực lượng Công an đã được triển khai thống nhất trên tất cả các địa phương trong cả nước để làm nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền, bảo vệ nhân dân, trấn áp kịp thời bọn phản cách mạng và bọn phạm tội khác, giữ gìn an ninh trật tự.
Trong chín năm kháng chiến gian khổ, lực lượng Công an nhân dân vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng và trưởng thành trong thực tiễn. Từ năm 1947 đến năm 1953 Nha công an và sau này là Thứ Bộ công an và Bộ Công an đã tổ chức được tám cuộc Hội nghị công an toàn quốc và bốn cuộc Hội nghị chuyên đề nghiệp vụ (Hội nghị điều tra lần thứ nhất do Nha công an tổ chức từ ngày 20-6 đến 4-7-1949; Hội nghị công an trật tự lần thứ nhất do Nha công an tổ chức ngày 2-8-1950; Hội nghị trinh sát lần thứ nhất do Thứ Bộ Công an tổ chức từ ngày 25-5 đến 1-6-1953; Hội nghị trị an hành chính lần thứ nhất do Bộ Công an tổ chức từ ngày 4 đến 20-5-1954). Qua các Hội nghị này lực lượng Công an đã tổng kết được nhiều bài học kinh nghiệm về hoạt động nghiệp vụ của mình góp phần ngày càng nâng cao khả năng và kết qủa công tác chiến đấu. Về tổ chức bộ máy của lực lượng Công an cũng không ngừng được củng cố hoàn thiện cho phù hợp vơí thực tiễn chiến đấu. Trong các Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ nhất và lần thứ 2, Nghị quyết hội nghị đều ghi rõ là tiếp tục củng cố bộ máy công an gọn nhẹ, bí mật, phù hợp với tình hình hiện tại. Đặc biệt là tại Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 6 và lần thứ 7 lực lượng Công an đã triển khai hệ thống tổ chức mới và tổng kết rút ra 7 kết luận quan trọng mang tính lý luận nghiệp vụ (đó là kết luận về bảo vệ cơ quan; công tác điều tra nghiên cứu; công tác bắt và xét xử, công tác hỏi cung, công tác quản chế; công tác kiểm soát sự ra vào trong vùng tạm chiếm và vấn đề công an xã).
Ngày 16-2-1953 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 141-SL đổi Nha công an Trung ương thành Thứ Bộ Công an trực thuộc Hội đồng Chính phủ. Đồng chí Trần Quốc Hoàn ủy viên Trung ương Đảng được cử giữ chức Thứ trưởng Thứ Bộ Công an.
Trong cuộc họp Hội đồng Chính phủ từ ngày 27-29 tháng 8-1953, dưới sự chủ tọa của Hồ Chủ Tịch, đã quyết định đổi tên Thứ Bộ Công an thành Bộ Công an. Đồng chí Trần Quốc Hoàn ủy viên TW Đảng được cử giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an.
Sau Hiệp định Giơnevơ (1954) đất nước ta tạm thời chia thành 2 miền và tiến hành 2 nhiệm vụ chiến lược: Cách mạng XHCN ở miền Bắc và Cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Thời kỳ sau khi giải phóng, ở miền Bắc kẻ địch đã tổ chức và cài cắm lại hàng vạn tên Phỉ ở vùng Đông bắc và Tây bắc của Tổ quốc. Để giữ vững an ninh-trật tự ở miền Bắc lực lượng Công an nhân dân phối hợp với lực lượng Công an vũ trang. Lực lượng Quân đội và nhân dân đã tiến hành tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ số Phỉ mà Pháp - Mỹ để lại, đã nhanh chóng ổn định An ninh-trật tự ở các vùng biên cương phía Bắc. Mặt khác, trong thời kỳ này các lực lượng phản gián phối hợp với các lực lượng khác và được sự giúp đỡ của nhân dân chúng ta đã điều tra khám phá một số ổ nhóm gián điệp do đế quốc Mỹ và Pháp cài lại nhằm phục vụ cho âm mưu đen tối của chúng là phá hoại nền An ninh chính trị của miền Bắc hòng chia cắt lâu dài đất nước ta. Bị thất bại trong các chiến lượng xâm lược ở miền Nam, đế quốc mỹ leo thang gây chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Với tình hình mới và để chống hoạt động phá hoại của Mỹ ngụy, ngành Công an đã kịp thời đề ra "kế hoạch phòng chống chiến tranh" lấy bí danh là "kế hoạch 69".
Từ khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc lực lượng Công an nhân dân đã coi trọng công tác đấu tranh chống tội phạm hình sự, chúng ta đã huy động nhiều lực lượng, phát động nhiều đợt, nhiều chiến dịch quét vét đấu tranh xử lý bọn lưu manh, côn đồ chuyên nghiệp, khám phá và trừng trị bọn trộm cướp, bọn xâm phạm tài sản XHCN và tài sản của công dân... đảm bảo sự yên ổn về trật tự an toàn xã hội của hậu phương lớn, đồng thời tích cực giải quyết đẩy lùi một số tệ nạn xã hội như: gái điếm, cờ bạc, nghiện hút... các phong trào bảo vệ trị an mà sau này là phong trào "bảo vệ an ninh Tổ quốc" được phát triển sâu rộng trong nhân dân, trong các cơ quan, xí nghiệp được dấy lên phong trào đấu tranh chống tham ô lãng phí, bảo vệ tài sản XHCN. Qua đó quần chúng đã được nâng cao tinh thần cảnh giác và đã phát hiện cho cơ quan Công an nhiều hành động phạm pháp của bọn tội phạm hình sự.
Ngày 28-7-1956 Thủ tướng Chính phủ ra Nghị định số 982/TTg xác định mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ của Bộ Công an. Lực lượng Công an nhân dân càng chiến đấu càng trưởng thành. Ngày 20-7-1962 Hồ Chủ Tịch ký lệnh 34-LCT công bố pháp lệnh quy định nhiệm vụ, quyền hạn và pháp lệnh quy định chế độ cấp bậc của sĩ quan và hạ sĩ quan Cảnh sát nhân dân. Để tăng cường kiện toàn bộ máy lực lượng Công an, đồng thời để đáp ứng tình hình và nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới.
Dưới ánh sáng của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 3 (1960) cách mạng miền Nam ngày càng phát triển và giành được những thắng lợi cơ bản. Các tổ chức an ninh như "ban bảo mật", "An ninh cơ sở", "An ninh nhân dân", không ngừng phát triển, vùng giải phóng dần dần được mở rộng; tháng 2-1962 trước sự lớn mạnh vượt bậc của phong trào cách mạng, Hội nghị thành lập lực lượng An ninh nhân dân miền Nam đã được triệu tập. Hội nghị đã lấy tên "ban bảo vệ An ninh" để thống nhất tổ chức công an miền Nam và xác định nhiệm vụ là: tham mưu giúp cấp ủy, phát động và hướng dẫn quần chúng, điều tra nắm tình hình địch, phục vụ việc bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng, bảo vệ các cuộc đấu tranh của nhân dân. Tại các thành phố thị xã và vùng nông thôn do địch kiểm soát, lực lượng An ninh vừa hoạt động bí mật vừa hoạt động vũ trang kết hợp với các cuộc đấu tranh của quần chúng do Đảng lãnh đạo.
Bên cạnh đó lực lượng An ninh nhân dân ở miền Nam vừa chiến đấu chống địch tiến hành bảo vệ Đảng, bảo vệ cơ sở cách mạng vừa xây dựng, phát triển lực lượng. Các tổ chức như điệp báo, an ninh bí mật, cơ sở bí mật, trinh sát vũ trang, biệt động nội thành... được thành lập và không ngừng phát triển ngay trong lòng địch. Các tổ chức này đã gây cho địch nhiều thất bại to lớn, bọn ác ôn hoang mang dao động, nhiều tên hoảng sợ không dám ngủ lại ở đồn bốt, không dám hống hách với nhân dân.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đã đưa cách mạng nước ta chuyển sang giai đoạn mới: Cả nước độc lập, thống nhất cùng tiến hành công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Phát huy truyền thống tốt đẹp của toàn lực lượng, Công an nhân dân đã nhanh chóng kiện toàn tổ chức, phát triển lực lượng và triển khai các mặt công tác nhằm ổn định An ninh - trật tự trong phạm vi cả nước, phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Đảng.
Tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa 6 ngày 6-6-1975 của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa quyết định đổi tên Bộ Công an thành Bộ Nội vụ và Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 1-8-1975.
Trong những năm mới giải phóng lực lượng Công an đã kịp thời điều tra khám phá, kịp thời đập tan hàng chục nhóm tổ chức phản động. ở Tây Nguyên bọn phản động Fulro đẩy mạnh hoạt động gây cho ta khó khăn, thiệt hại. Lực lượng Công an nhân dân đã để xuất với cấp ủy Đảng về những chủ trương đối sách đấu tranh với chúng, đồng thời ra sức tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, kết hợp việc phát huy sức mạnh của nhân dân với đẩy mạnh các mặt về công tác nghiệp vụ để đấu tranh truy quét phân hóa làm tan rã tổ chức, lực lượng của bọn Fulro.
Ngay sau khi chiếm lĩnh, đập tan các công cụ đàn áp của Mỹ ngụy, lực lượng Công an đã tham gia ban quân quản tiến hành đăng ký cho hàng vạn đối tượng thuộc ngụy quân, ngụy quyền, cảnh sát tình báo, và phản động các loại ra trình diện và tiến hành cải tạo giáo dục họ.
Ngày 2 tháng 12 năm 1980 Bộ chính trị đã ra Nghị quyết 31 NQ-TƯ Về nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới. Bộ nội vụ (nay là Bộ Công an) đã chỉ đạo các địa phương mở liên tục 23 đợt tiến công kết hợp với phát động quần chúng truy quét tội phạm hình sự , tập trung truy quét bon lưu manh chuyên nghiệp, côn đồ hung hãn, bọn cầm đầu băng ổ nhóm, bọn trộm cắp tài sản Nhà nước và nhân dân. ở những địa bàn trọng điểm như thành phố thị xã, khu công nghiệp tập trung, các tuyến giao thông, khu vực biên giới, cảng biển.
Từ những năm cuối thập kỷ 80, tình hình thế giới có nhiều biến động sâu sắc, phức tạp và đến những năm đầu thập kỷ 90 hệ thống XHCN không còn nữa. Trong lúc tình hình KT-XH diễn biến phức tạp, có mặt nghiêm trọng, có nhiều biến động xấu, có lúc gay gắt, trong tình hình đó bọn đế quốc và các thế lực thù địch trong và ngoài nước ráo riết tiến hành chiến lược "Diễn biến hòa bình" coi Việt Nam là một trọng điểm tập trung lực lượng, tập trung hoạt động trên mọi lĩnh vực kinh tế - chính trị - văn hóa, xã hội nhằm xâm nhập nội bộ ta, gây rối, gây bạo loạn, xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng ta, lật đổ chế độ XHCN ở Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo của Nhà nước, CAND đã chủ động phát hiện và đấu tranh ngăn chặn âm mưu hoạt động diễn biến hòa bình gây rối, gây bạo loạn của các thế lực thù địch.
Cùng với việc tiếp tục đổi mới về tổ chức ngành ta đã bố trí sắp xếp lại lực lượng, xây dựng thế trận ANND, xác định đối tượng chính, các địa bàn trọng điểm, đổi mới công tác tình báo trên các mặt hoạt động qua đó thu được nhiều tài liệu có ý nghĩa quan trọng, kịp thời báo cáo đề xuất Bộ Chính trị, Ban bí thư những thông tin quan trọng, phục vụ cho công tác bảo vệ nội bộ và hoạt động đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.
Từ năm 1992, tình hình trong nước, khu vực và trên thế giới ngày càng phức tạp. Ngày 29 tháng 6 năm 1992, Hội nghị lần thứ 3 Ban chấp hành TW (khóa 7) đã họp phân tích tình hình và ra nghị quyết về nhiệm vụ quốc phòng và bảo vệ an ninh quốc gia trong giai đoạn mới. Nghị quyết đã xác định những đối tượng cần tập trung đấu tranh và xác định nhiệm vụ cụ thể của quốc phòng và an ninh.
Trên cơ sở Chỉ thị của Bộ Chính trị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị của Bộ Nội vụ về đấu tranh chống tham nhũng, buôn lậu, Bộ Nội vụ đã tập trung chỉ đạo các cục nghiệp vụ phối hợp với các ngành tăng cường đấu tranh chống tội phạm kinh tế, đặc biệt là chống tham nhũng, buôn lậu.Được sự chỉ đạo thường xuyên, trực tiếp của lãnh đạo bộ, sự giúp đỡ của các ngành, các cấp và nhân dân, các cục nghiệp vụ đã phối hợp với công an các địa phương tấn công mạnh mẽ, liên tục phát hiện, điều tra, đề nghị truy tố hàng trăm vụ với hàng nghìn đối tượng, thu hồi cho Nhà nước hàng trăm tỷ đồng.
Quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị, của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nội vụ về công tác đấu tranh chống tội phạm trong tình hình mới; được sự lãnh đạo sát sao của cấp ủy Đảng, sự giúp đỡ của quần chúng nhân dân, Công an nhân dân đã phát động quần chúng thực hiện Chỉ thị 135/CT của Chính phủ, liên tục mở các đợt tấn công, truy quét tội phạm. Qua các chiến dịch, chúng ta đã bắt hàng ngàn đối tượng có lệnh truy nã đang lẩn trốn, bắt và xử lý hàng nghìn đối tượng trộm, cướp. Triệt phá hàng chục băng cướp có vũ trang. Qua hiệu qủa thực tế của việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị 135/CT/CP về tấn công, truy quét tội phạm đã làm giảm hẳn hoạt động của bọn tội phạm, nhiều đối tượng đã ra tự thú.
Trong tình hình tội phạm ở nước ta vẫn có xu hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, ngày 31 tháng 7 năm 1998 chính phủ ra Nghị quyết 09/1998/NQ-CP về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Nghị quyết số 09/NQ-CP đã đưa ra các chủ trương và biện pháp trong đấu trang phòng, chống tội phạm. Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09/1998/ NQ-CP và chương trình quốc gia phòng chống tội phạm ngày 8-11-2004 Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Chỉ thị 37/2004/CT-TTg về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09/1998/ NQ-CP và Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của Chính phủ đến năm 2010. Kết quả các mặt công tác công an từ sau khi có Nghị quyết 09/1998/ NQ-CP và chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, Chỉ thị 37/2004/CT-TTg của Chính phủ đã cho hiệu qủa rõ rệt, trật tự xã hội ổn định hơn, góp phần thiết lập kỷ cương xã hội, quần chúng càng tin yêu Đảng, chế độ; tạo lập cơ chế phối hợp đồng bộ, phát huy được sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm;từng bước kiềm chế sự gia tăng của các laọi tội phạm nghiêm trọng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần bảo đảm cho công cuộc đổi mới phát triển thắng lợi./.