Trong cuộc đời mỗi người con người đều có nhiều dấu ấn, kỷ niệm. Mỗi dấu ấn, kỷ niệm trong từng giai đoạn của cuộc đời gồm những buồn, vui, trăn trở luôn được lưu giữ trong tâm trí, khó có thể nào quên được.
Năm 2010 tôi được tuyển dụng vào làm việc tại Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương, là điều mà bản thân tôi và gia đình mong ước từ lâu. Tôi được phân công công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Tứ Kỳ, khi hết thời gian tập sự tôi được phân công công tác tại Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Miện, là nơi tôi sinh ra và lớn lên.
Thời gian cứ thấm thoắt trôi, với sự cố gắng của bản thân, đam mê trong công việc, không ngừng học hỏi và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cộng với sự tin tưởng, giúp đỡ của bạn bè, đồng nghiệp, sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Viện kiểm sát huyện Thanh Miện nói riêng và Viện kiểm sát tỉnh Hải Dương nói chung. Tháng 11/2014 tôi Vinh dự được Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao bổ nhiệm chức danh Kiểm sát viên sơ cấp. Niềm vinh dự đến với bản thân tôi, tuy nhiên tôi cũng hiểu rằng, Đảng, Nhà nước, ngành kiểm sát đã tin tưởng, giao trọng trách và bản thân tôi cần phải không ngừng phấn đấu để xứng đáng với sự tin tưởng ấy. Tôi tự ý thức được rằng mình phải không ngừng học hỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải không ngừng rèn luyện trình độ lý luận, rèn luyện đạo đức của bản thân để xứng đáng là một kiểm sát viên với lời dặn của Bác dạy là cán bộ kiểm sát phải "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn"
Cũng như bao cán bộ ngành kiểm sát, tôi mong ước sẽ có ngày mình được là người tiến hành tố tụng, thay mặt Nhà nước thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên toà hình sự và rồi ngày ấy, cái ngày mà tôi mơ uớc cũng đã đến. Tôi hồi hộp, chờ mong và muốn biết cảm giác của bản thân sau phiên toà đầu tiên mà tôi tham gia sẽ như thế nào?
Phiên toà hình sự đầu tiên mà tôi được tiến hành tố tụng với tư cách là Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử là vụ án hình sự Nguyễn Trọng Vinh, phạm tội
“Trộm cắp tài sản”, quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS, xét xử lưu động tại Hội trường UBND xã Tứ Cường sáng ngày 19/12/2014. Phiên xét xử có sự tham dự của đông đảo quần chúng nhân dân và được phát trên loa phát thanh 18 xã, thị trấn. Phiên toà diễn ra trong không khí trang nghiêm, trong lời luận tội, tôi đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Thanh Miện đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bị cáo Nguyễn Trọng Vinh phạm tội Trộm cắp tài sản, áp dụng khoản 1 Điều 138, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 (tái phạm và phạm tội nhiều lần) của Bộ luật hình sự đề nghị xử phạt bị cáo 15-18 tháng tù. Trên cơ sở đánh giá những chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội, nhân thân, điều kiện hoàn cảnh kinh tế, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 138, điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; điểm g khoản 1 Điều 48 (tái phạm và phạm tội nhiều lần) của Bộ luật hình sự tuyên phạt bị cáo Nguyễn Trọng Vinh 18 tháng tù. Bản án thể hiện sự khoan hồng của pháp luật đối với thái độ thành khẩn, ăn năn hối cải của bị cáo, thể hiện sự độ lượng khoan dung của người bị hại khẩn thiết xin giảm nhẹ cho bị cáo Vinh, người đã gây thiệt hại về tài sản cho họ. Nhưng nó cũng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, phải có một hình phạt nghiêm khắc với bị cáo mới có tác dụng giáo dục, dăn đe, phòng ngừa. Kết quả xét xử để lại trong tôi rất nhiều vui, buồn, trăn trở.
Vui là vì: tôi đã thực hiện tốt công việc được Đảng, Nhà nước, ngành kiểm sát giao với tư cách là Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử tại phiên toà hình sự; đảm bảo việc truy tố, xét xử là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; góp phần vào việc giữ gìn, bảo đảm trật tự trị an trên địa bàn; giáo dục phòng ngừa chung trong quần chúng nhân dân địa phương.
Buồn là vì: Bản thân bị cáo Nguyễn Trọng Vinh không tôn trọng pháp luật, không tôn trọng quyền về tài sản của người khác được pháp luật bảo vệ. Mặc dù đã hai lần bị kết án về tội Trộm cắp tài sản nhưng khi vừa chấp hành xong hình phạt tù của hai bản án trước đó, thì bị cáo lại tiếp tục phạm tội. Bản thân bị cáo là một thanh niên khoẻ mạnh, không tìm cho mình một công việc ổn định, có thu nhập để nuôi sống bản thân, gia đình mà bị cáo tìm tự tìm cho mình con đường mà gia đình, xã hội phê phán, lên án, pháp luật nghiêm cấm đó là trộm cắp tài sản của người khác. Như vậy việc trừng trị, dăn đe của pháp luật đối với bị cáo tại hai bản án trước đó cũng chưa giúp bị cáo thay đổi để trở thành người có ích cho gia đình, xã hội.
Trăn trở: Là một kiểm sát viên, tôi hiểu tầm quan trọng của việc giáo dục, hiểu được tầm quan trọng, ảnh hưởng của gia đình, bạn bè, xã hội đối với mỗi cá nhân. Tôi trăn trở, làm thế nào để có thể phòng ngừa việc người phạm tội, sau khi chấp hành xong hình phạt tù lại tái phạm. Đó là điều không chỉ gia đình, bạn bè bị cáo Vinh mong muốn, mà bản thân tôi và toàn xã hội đều mong muốn, tuy nhiên để làm được điều này không phải dễ. Nó cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và xã hội trong việc giáo dục đối với người phạm tội và có phần trách nhiệm không nhỏ của Kiểm sát viên khi thực thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử vụ án hình sự.
Tôi tự nhận thức, trong thời gian tới bản thân tôi cần phải nâng cao hơn nữa trách nhiệm giáo dục, phòng ngừa tội phạm thông qua phiên toà xét xử vụ án hình sự.