Suy ngẫm về yêu nước và thi đua

Thứ hai - 12/01/2015 03:02

Suy ngẫm về yêu nước và thi đua

          Có thể khẳng định rằng, yêu nước là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, được hình thành và phát triển trong quá trình lịch sử lâu dài của công cuộc dựng nước và giữ nước. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến vấn đề thi đua yêu nước, coi đó là một bộ phận không thể thiếu được trong công tác quản lý của Nhà nước, đồng thời là tấm gương mẫu mực trong mọi phong trào thi đua do chính Người khởi xướng.

          Ngày 11/06/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc. Đây là sự tổng kết thực tiễn sâu sắc, đồng thời nêu lên những yêu cầu quan trọng, cấp thiết đối với phong trào cách mạng nước ta. Bác đã chỉ ra nhiệm vụ của thi đua ái quốc là: “Diệt giặc đói, Diệt giặc dốt, Diệt giặc ngoại xâm”. Bác chỉ rõ giặc dốt là một trong ba nhiệm vụ quan trọng của đất nước cùng với giặc đói và giặc ngoại xâm. Diệt giặc dốt là nhiệm vụ quan trọng thứ hai sau diệt giặc đói và xếp trên giặc ngoại xâm. Bác cho rằng: “Bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau Làm cho tốt, Làm cho nhiều”. Bác tin tưởng rằng: “Thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng”. Và để thực hiện thắng lợi mục tiêu, Bác cũng yêu cầu: “Mỗi người dân Việt Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một chiến sĩ tranh đấu trên các mặt trận: quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa”.
          Trong thư gửi thanh niên về thi đua ái quốc, ngày 01-8-1951, Người ân cần chỉ bảo: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua làm cho đoàn kết chặt chẽ thêm. Và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi…”. “Thi đua không nên thiên về một phía. Phải điều hòa 3 nhiệm vụ với nhau: gia tăng sản xuất, công việc hàng ngày và học tập (chính trị, văn hóa, tình hình trong nước và thế giới).” Ngày 01-5-1952, tại Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc, Người nhấn mạnh “Thi đua là yêu nước: Thi đua là một cách yêu nước thiết thực và tích cực… Yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất…
          Hồ Chí Minh không chỉ là người khởi xướng phong trào thi đua ái quốc mà cũng là người thực hiện xuất sắc nhiệm vụ của phong trào thi đua, là tấm gương sáng của phong trào thi đua ái quốc Việt Nam...
          “Lần Bác về Hải Hưng tham gia chống hạn với nông dân, nghe tin Bác về các đồng chí cán bộ tỉnh tổ chức đón Bác long trọng. Bác không hài lòng, phê bình ngay:"Bác về là đi chống hạn chứ có phải đi chơi đâu mà đón tiếp" Bác ăn mặc quần áo như một lão nông thực sự. Người đi rất nhanh đến chỗ nhân dân đang đào mương, xắn quần, xắn tay áo xuống cùng đào đất với bà con, để lại phía sau các "quan cách mạng" trong những bộ quần áo bảnh bao đang lúng túng hổ thẹn trước dân chúng. Cuối cùng tất cả cùng ào xuống đào đất với bà con theo gương Bác. Bác không nói, không hô hào, nhưng Người đã làm cuộc "cách mạng" cho "các quan" trước muôn dân”(Trích Hồ Chí Minh- Chân dung đời thường)
          Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước ta, Hồ Chí Minh đã đưa dân tộc Việt Nam từ đêm trường nô lệ đến bến bờ độc lập - tự do. Người đã được dân tộc và thế giới công nhận là anh hùng dân tộc. Sự khiêm nhường tột bậc và đức hy sinh cao cả của một con người vĩ đại, bậc anh hùng huyền thoại Hồ Chí Minh, Người là tấm gương vĩ đại, trong sáng và trọn vẹn không ai sánh nổi. Hồ Chí Minh đã trở thành nhà kiến tạo, linh hồn của phong trào thi đua ái quốc Việt Nam.
          Tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước đối với các thế hệ cán bộ, người lao động cho đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong bối cảnh đất nước đang bước vào hội nhập và phát triển như hiện nay, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc hơn nữa quan điểm, tư tưởng của Người về thi đua yêu nước: “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua, những người thi đua là những người yêu nước”. Bản thân mỗi cá nhân luôn học ở Người những đức tính: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư để từ đó phát huy năng lực của chính mình, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mà Đảng và nhà nước giao cho. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết trung ương 4 khóa XI về một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay, thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Cán bộ ngành kiểm sát “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn”. 
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây