(Kỷ niệm sinh nhật lần thứ 105 ngày sinh đồng chí Võ Nguyên Giáp 25/8/1911-25/8/2016)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp sinh ngày 25/8/1911 tại Làng An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình có tên khai sinh là Võ Giáp. Từ năm 1925 đến 1926, Đại tướng tham gia phong trào học sinh ở Huế, năm 1927 tham gia Đảng Tân Việt cách mạng (một tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Đông Dương, nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Năm 1930, Đại tướng bị địch bắt và kết án hai năm tù. Sau khi ra tù, Đại tướng tiếp tục hoạt động tuyên truyền, gây cơ sở cách mạng trong thanh niên, học sinh. Năm 1936, Đại tướng hoạt động trong phong trào dân chủ bán hợp pháp của Đảng ở Hà Nội; là biên tập viên các báo của Đảng: Báo Lao động, Báo Tiếng nói chúng ta, Báo Tiến lên, Thời báo Cờ Giải phóng... Đại tướng được cử làm Chủ tịch Ủy ban Báo chí Bắc Kỳ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh tư liệu)
Tháng 6/1940, Đại tướng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và được Đảng cử sang nước ngoài gặp lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Năm 1941, Đại tướng về nước, tham gia công tác chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang ở căn cứ địa Cao-Bắc-Lạng. Tháng 12/1944, Đại tướng được đồng chí Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Tháng 3/1946, Đại tướng là Chủ tịch Quân sự, Ủy viên trong Chính phủ Liên hiệp; khi thành lập Quân ủy Trung ương, được cử làm Bí thư Quân ủy Trung ương. Tháng 10/1946, là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy quyền làm Tổng Chỉ huy Quân đội Nhân dân và Dân quân tự vệ Việt Nam. Tháng 1/1948, Đại tướng được phong quân hàm Đại tướng, Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tháng 2/1951, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Đại tướng được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Từ tháng 9/1955 đến tháng 12/1979, Đại tướng là Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng. Tháng 9/1960, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Tháng 12/1976, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng, Đại tướng được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, được Ban Chấp hành Trung ương bầu vào Bộ Chính trị.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong ngày đầu thành lập đội Việt Nam
tuyên truyền giải phóng quân năm 1944 (ảnh tư liệu)
Từ tháng 1/1980, Đại tướng là Phó Thủ tướng thường trực; từ tháng 4/1981 đến tháng 12/1986, là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ). Đại tướng liên tục được bầu làm Đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII.
Trong kháng chiến chống Pháp, đồng chí trực tiếp chỉ huy các chiến dịch lớn: chiến dịch Biên Giới năm 1950, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954.
Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí cùng Bộ Chính trị chỉ đạo các chiến dịch lớn ở miền Nam Việt Nam, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng hoàn toàn miền Nam, chỉ đạo cuộc chiến tranh nhân dân chống chiến tranh phá hoại bằng không quân, hải quân của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam.
Suốt cuộc đời hoạt động trên 80 năm Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã có nhiều công lao đóng góp đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, là người học trò xuất sắc và gần gũi của chủ tịch Hồ Chí Minh, là Đại tướng đầu tiên và Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tướng Võ Nguyên Giáp được nhân dân yêu mến, kính trọng, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ - Là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ chiến sỹ toàn quân. Đảm nhiệm nhiều vị trí trọng trách của Đảng và Nhà nước và ở bất cứ cương vị nào Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng cống hiến sức lực và trí tuệ cho đất nước cho nhân dân. Đại tướng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng:
- Huân chương Sao vàng.
- Huân chương Hồ Chí Minh.
- Huân chương Quân công hạng Nhất.
- Huân chương Chiến thắng hạng Nhất
- Huân chương Chiến công hạng Nhất.
- Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
- Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
- Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng