Thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ kiểm sát

Thứ hai - 25/07/2016 20:21

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ kiểm sát

 
Từ khi Viện kiểm sát nhân được thành lập mười chữ vàng mà Bác Hồ đã căn dặn đối cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn” luôn được coi là phương châm hoạt động và rèn luyện đối với từng cán bộ Kiểm sát trong ngành kiểm sát nhân dân.
Ngày 26/7/1960 Bác Hồ ký Lệnh số 20/LCT công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có hiệu lực thi hành, theo đó Ngành kiểm sát nhân dân đã được thành lập. Để chuẩn bị cho việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân, cùng với Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cử đồng chí Hoàng Quốc Việt sang làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Đồng chí Hoàng Quốc Việt là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, một con người của trí tuệ và công việc; có sự phản ứng một cách linh hoạt và nhạy cảm đối với những vấn đề đặt ra cho công tác của Viện kiểm sát nhân dân sau này. Sự quan tâm của Hồ Chủ tịch và Trung ương Đảng là một vinh dự rất lớn đối với ngành Kiểm sát nhân dân ngay từ khi mới thành lập Ngành. Chuẩn bị cho việc thành lập Viện kiểm sát nhân dân, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Huỳnh Lắm cùng với đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc xây dựng Dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960. Sau khi xây dựng xong dự thảo, đồng chí Hoàng Quốc Việt có giao cho đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc lên báo cáo với Hồ Chủ tịch để xin Người cho ý kiến. Đồng chí Bùi Lâm kể lại, khi nghe trình bày về dự thảo Luật Tổ chức của ngành Kiểm sát nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đồng ý với dự thảo trên nguyên tắc chung của Hiến pháp năm 1959 đã quy định. Hồ Chủ tịch căn dặn, đại ý là: Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, Viện kiểm sát phải có biện pháp cụ thể để thực hiện cho được chức năng, nhiệm vụ đó; đó cũng là trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho Viện kiểm sát nhân dân. Là Cơ quan thực hiện chức năng kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, ngành Kiểm sát hơn ai hết phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật. Chính vì vậy khi dặn dò đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bác Hồ kính yêu đã nói: Cán bộ Kiểm sát phải “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”.
Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 
Khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố cán bộ kiểm sát phải xuất phát từ thực tế khách quan để xem xét đánh giá sự việc, phải khách quan, không được vì bất cứ lý do gì mà thiên lệch công việc. Khi thực hiện nhiệm vụ người cán bộ kiểm sát cẩn thận, đắn đo, suy nghĩ, xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội. Chú trọng bảo vệ quyền con người, quyền công dân. Tăng cường các biện pháp chống bỏ lọt tội phạm ngay từ khi tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và trong suốt quá trình tố tụng. Chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên ngày càng được nâng cao, tạo không khí dân chủ hơn tại các phiên tòa.
Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp được tiến hành chủ động, thường xuyên. Thông qua hoạt động kiểm sát, đã kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp, ban hành nhiều kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu các cơ quan khắc phục, sửa chữa. 
Trải qua 56 năm xây dựng và trưởng thành, ngành kiểm sát nhân dân đã không ngừng phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc trọng trách mà Ðảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Là cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, tội phạm, đồng thời bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật tuân thủ đúng đường lối, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước. Những đóng góp quan trọng của các thế hệ cán bộ kiểm sát ngày càng tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của ngành kiểm sát nhân dân Việt Nam: Truyền thống nghiêm chỉnh tuân thủ pháp luật, kiên quyết tấn công tội phạm, bản lĩnh thực thi công lý, tận tâm bảo vệ nhân dân.
Theo đó, là mỗi cán bộ ngành kiểm sát chúng ta luôn tự hào đối với ngành kiểm sát nhân dân đã có nhiều đóng góp quan trọng vào công tác đấu tranh bảo vệ tính nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần cùng toàn Ðảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước.
Thực hiện lời Bác dạy, các thế hệ cán bộ kiểm sát đã không ngừng học tập, nâng cao trình độ, rèn luyện bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, thử thách, hoàn thành trọng trách mà Ðảng và nhân dân giao phó. Do đó trước khó khăn người cán bộ Kiểm sát không được dao động, nao núng; phải vững vàng tìm cách vượt qua để hoàn thành nhiệm vụ. Có như thế, ngành kiểm sát nhân dân mới xây được đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên: “Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm”, từ đó tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và trật tự nội vụ trong ngành Kiểm sát nhân dân để đáp ứng nhu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49 - NQ/TW  của Bộ chính trị nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân quy định: “Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bản đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất”.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây