Kỷ niệm 1 lần về thăm Đảo Cò Thanh Miệ

Thứ tư - 26/11/2014 21:19
          Đó là một chiều thu tháng 10, sau khi giao lưu với chị em phụ nữ VKSND tỉnh Hưng Yên thì chị em phụ nữ VKSND tỉnh Hải Dương chúng tôi ghé về thăm Đảo Cò Chi Lăng Nam, huyện Thanh Miện theo lời mời của anh Trịnh Quốc Thịnh- Viện trưởng VKSND huyện Thanh Miện. Ai cũng háo hức vì tiếng là người Hải Dương nhưng hầu như chưa có điều kiện được đặt chân đến khu du lịch sinh thái chỉ cách thành phố khoảng 30km này. Theo sự hướng dẫn của anh Thịnh, chúng tôi phải chờ đến khoảng 5 giờ chiều, lúc đó cò mới đi kiếm ăn về. Trong lúc chờ đợi, chị em chúng tôi tản mát xung quanh bờ hồ An Dương, trò chuyện với người dân trong vùng. Phải tiếp xúc mới biết họ tự hào về mảnh đất quê mình như thế nào. Ai cũng có ý thức giữ gìn khu du lịch này, họ giáo dục con cháu không được săn bắt hoặc ăn thịt cò vạc và còn giải thích đó là thói quen từ xưa để lại. Xưa kia khu vực hồ An Dương vốn là một vùng đồng quê chiêm trũng, ở giữa có một gò đất nổi cao. Thế kỷ XV có trận đại hồng thủy làm vỡ đê sông Hồng, nước tràn vào cánh đồng và không rút đi được nên đã tạo thành hồ An Dương như ngày nay. Theo dòng thời gian, đất lành chim đậu, các loài cò, vạc ở nơi khác tìm về trú ngụ ngày càng nhiều.
 
          Khoảng 5h chiều, khi mà bóng nắng dần tắt thì cò vạc bắt đầu “giao ca”, cò về, vạc lại đi kiếm ăn. Chúng bay rợp trời, huyên náo cả không gian vùng quê yên tĩnh. Hàng ngàn, hàng vạn con xoáy trong trên không, con đậu xuống, con nghiêng cánh chao liệng tạo nên cảnh sắc vô cùng ấn tượng, tựa như một bức tranh thủy mặc. Đoàn chúng tôi tập hợp và chia nhau lên hai chiếc thuyền chèo đi vòng quanh hồ. Ngồi trên thuyền ngắm cảnh sông nước mây trời vào buổi hoàng hôn, cò vạc bay lượn xung quanh, cảm xúc thật khó tả; một cảm giác thật hạnh phúc, thanh bình như được trở về tuổi thơ. Ai cũng vội vàng lấy máy ảnh hoặc điện thoại để kịp ghi lại những khoảnh khắc đẹp đẽ trong cảnh chiều tà này.Với diện tích khoảng 3000m2, Đảo Cò là nơi tập trung của hơn 16.000 con cò và hơn 6000 con vạc sinh sống trên ba dải đất nối giữa lòng hồ với nhiều chủng loại khác nhau như cò trắng, cò lửa, cò hương, cò nghênh, cò ruồi, cò diệc, cò bợ, cò đen, vạc xám, vạc xanh, vạc đen có nguồn gốc từ Trung Quốc, My an ma, Ấn Độ, Nê pan. Ngoài ra Đảo cò còn là nơi trú ngụ của rất nhiều loài chim khác như diệc xám, chim chả, bói cá, bồng chanh, cuốc, cú mèo… Hệ sinh vật dưới nước lòng hồ An Dương cũng vô cùng phong phú với nhiều loài  như tổ đỉa, rái cá, cá mòi, cá chép, cá măng kìm, cá bơn, cá trạch, tôm, cua, …Thảm thực vật xung quanh hồ chủ yếu là những cây bóng mát, là nơi để các loài chim đỗ và làm tổ như cây tre, chuối, nhãn, vải…
 
          Đi một vòng hồ, thưởng ngoạn không gian xanh mát, trong lành của Đảo Cò thật là một trải nghiệm thú vị. Lên đến bờ rồi mà ai cũng lưu luyến, ngoái lại nhìn cảnh vật thêm một lần nữa như để ghi dấu trong tâm hồn về mảnh đất tươi đẹp đã một lần đặt chân đến.  
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây