Cách đây 55 năm, ngày 26/7/1960 Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Lệnh số 20-LCT công bố Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, đánh dấu sự ra đời của ngành Kiểm sát nhân dân trong hệ thống bộ máy Nhà nước XHCN ở nước ta. Từ đó, ngày 26/7 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành Kiểm sát nhân dân. Cùng với sự ra đời của ngành Kiểm sát, VKSND huyện Cẩm Giàng cũng được thành lập.
Trải qua chặng đường 55 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm lãnh đạo của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương, Huyện ủy và HĐND huyện Cẩm Giàng, sự giúp đỡ hiệu quả của các cấp ủy Đảng, Uỷ ban nhân dân, các ban, ngành, đoàn thể, đặc biệt sự phối kết hợp chặt chẽ với các cơ quan nội chính và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cẩm Giàng đã không ngừng được củng cố phát triển và đạt nhiều thành tích đáng trân trọng trong các lĩnh vực công tác. Tuy trong mỗi giai đoạn cách mạng của đất nước, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát có sự thay đổi, song công tác kiểm sát luôn góp phần tích cực vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, xử lý nghiêm minh những hành vi vi phạm, tội phạm, đồng thời bảo đảm cho hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật tuân thủ đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Ở thời kỳ từ 1960 - 1975, khi mới thành lập VKSND huyện Cẩm Giàng chỉ có 2 cán bộ được điều động từ các ngành sang, cơ sở vật chất thiếu thốn. Lúc này vừa phải xây dựng tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ vừa phải thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là: đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quyền tự do dân chủ của nhân dân, bảo vệ thành quả của công cuộc cải tạo XHCN, hoàn thiện quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc và tăng cường chi viện cho chiến trường miền Nam với phương châm vừa chiến đấu vừa xây dựng; tích cực đấu tranh chống các tội phạm về kinh tế, tội phạm về trật tự xã hội, các hình vi cản trở việc chi viện cho tiền tuyến, các hành vi xâm phạm đến chính sách hậu phương quân đội. Tập trung phục vụ cuộc vận động “
Ba xây, ba chống” và cuộc vận động cải tiến Hợp tác xã.
Đến năm 1977, theo quyết định của Chính phủ, VKSND huyện Cẩm Giàng được hợp nhất với VKSND huyện Bình Giang thành VKSND huyện Cẩm Bình, lúc này có 6 cán bộ. Trong thời kỳ này đơn vị đã tích cực phục vụ việc thiết lập củng cố trật tự quản lý kinh tế XHCN, nhất là trong lĩnh vực phân phối lưu thông, đấu tranh chống các hoạt động vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; bảo vệ các nguyên tắc và quy định của pháp luật, đấu tranh với những quan điểm sai trái, kiên quyết xử lý các hành vi xâm phạm tài sản XHCN, tham ô, cố ý làm trái chính sách chế độ của Nhà nước... Công tác kiểm sát chung tập trung vào các lĩnh vực như vật tư, lương thực, ngoại thương đất đai, xây dựng…Chủ động đề xuất với cấp uỷ mở hội nghị pháp chế kiểm điểm việc chấp hành pháp luật ở địa phương qua đó nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật trong cán bộ, lãnh đạo các ngành, tăng cường pháp chế tại địa phương.
Trong thời kì đổi mới từ năm 1986, nhờ thực hiện chủ trương và các biện pháp đổi mới, công tác kiểm sát nói chung, VKSND Cẩm Bình nói riêng đã đạt đựơc kết quả tích cực góp phần đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế XHCN trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Trong lĩnh vực kiểm sát chung, VKSND huyện Cẩm Giàng đã khảo sát xác định lĩnh vực kinh tế trọng điểm để kiểm sát như: tập trung kiểm sát hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu; đầu tư xây dựng cơ bản; việc quản lý và sử dụng đất đai, việc chấp hành luật thuế…Thông qua kiểm sát đã pháp hành kháng nghị, kiến nghị đối với các đơn vị đựơc kiểm sát, yêu cầu khắc phục vi phạm và thu hồi cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng.
Tháng 4 năm 1997, thực hiện Nghị định số 11/CP, VSNND Huyện Cẩm Giàng được tái lập. Sau khi tái lập mặc dù còn nhiều thiếu thôn về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, nhưng đơn vị đã kịp thời ổn định tổ chức và tiếp tục thực hiện tốt các nhiệm vụ do VKSND tỉnh và Huyện uỷ Cẩm Giàng giao.
Năm 2002 đánh dấu bước điều chỉnh quan trọng về chức năng và nhiệm vụ của VKSND theo hiến pháp năm 1992 và luật tổ chức VKSND năm 2002. VKSND tập trung thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 53-CT/TW, Nghị quyết số 08-NQ/TW, Nghị quyết số 48-NQ/TW, Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020, cùng với toàn ngành, VKSND huyện Cẩm Giàng đã nỗ lực cố gắng phấn đấu đạt được những tiến bộ đáng kể, nhất là công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư, đảm bảo không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội. Công tác kiểm sát hoạt động tư pháp đạt chất lượng, hiệu quả cao, đã phát hành nhiều kiến nghị, kháng nghị, yêu cầu đối với các cơ quan tư pháp và cơ quan hữu quan, đã góp phần đảm bảo cho các quy định của pháp luật được thực hiện nghiêm chỉnh, thống nhất.
Ngày 24/11/2014 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII đã thông qua Luật tổ chức VKSND, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2015. Luật đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, theo đó địa vị pháp lý của VKSND được khẳng định rõ hơn và có nhiều nội dung mới lần đầu tiên được quy định trong luật. Chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp được thể hiện rõ ràng, cụ thể hơn, đặc biệt là trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân...
Để đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới, trong những năm vừa qua đơn vị luôn quan tâm đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, KSV, chú trọng công tác đào tạo tại chỗ nhằm thực hiện tốt mục tiêu xây dựng đội ngũ Kiểm sát viên:
"Vững về chính trị, giỏi về nghiệp vụ, tinh thông về pháp luật, công tâm và bản lĩnh, kỷ cương và trách nhiệm", gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thực hiện lời Bác dạy: cán bộ Kiểm sát phải “
công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn". Đến nay, đơn vị có 12 đồng chí, trong đó có 01 đồng chí KSV trung cấp, 7 đồng chí KSV sơ cấp, 01 đồng chí KTV…; 100% cán bộ, Kiểm sát viên làm nghiệp vụ kiểm sát có bằng trình độ cử nhân Luật, trong đó 02 đồng chí có trình độ thạc sỹ Luật.
Trong suốt 55 năm qua, mặc dù còn nhiều khó khăn do thiếu thốn về nguồn nhân lực, điều kiện làm việc, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn nhưng với sự lỗ lực phấn đấu của đội ngũ cán bộ, KSV, VKSND huyện Cẩm Giàng đã đạt được nhiều thành tích nổi bật được VKS cấp trên và các cấp uỷ Đảng tặng nhiều danh hiệu cao quý như: 19 năm được công nhận là
“Tập thể lao động XHCN” và
“Tập thể lao động xuất sắc”; năm 1990 vinh dự được Chủ tịch nước tặng “
Huân chương lao động hạng 3”; năm 2002 được tặng thưởng “
Huân chương lao động hạng nhì”; năm 2002, 2003 được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen. Tập thể được VKSND tối cao và VKSND tỉnh tặng nhiều Bằng khen, giấy khen trong các đợt thi đua ngắn hạn; có 23 lượt cán bộ, KSV đạt danh hiệu “
chiến sĩ thi đua cơ sở”; nhiều đồng chí được tặng thưởng Huy chương, kỷ niệm chương vì sự nghiệp bảo vệ pháp chế, Bằng khen, Giấy khen. Chi bộ nhiều năm liên tục được công nhận là chi bộ Đảng trong sạch vững mạnh. Năm 2000, 2002, 2003, 2004 được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen.
Có thể khẳng định, với sự quyết tâm, đồng lòng nhất trí cao của đội ngũ cán bộ, KSV, Viện kiểm sát nhân dân huyện Cẩm Giàng đã hoàn thành tốt các yêu cầu cải cách tư pháp của Đảng, thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu cơ bản được Quốc hội giao tại các Nghị quyết của Quốc hội. Những thành tích và kết quả đó đã góp phần quan trọng kiềm chế sự gia tăng tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân.
Trong thời gian tới, với những kinh nghiệm mà Viện kiểm sát nhân dân huyện Cẩm Giàng đã rút ra từ thực tiễn, tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức của đơn vị tiếp tục phấn đấu phát huy truyền thống của ngành, của đơn vị, kế thừa những thành tựu, kinh nghiệm trong suốt 55 năm thành lập và phát triển của ngành, triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 và các quy định của pháp luật liên quan nhằm thực hiện tốt nhất chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.