Tứ Kỳ: ban hành kháng nghị vụ án dân sự

Thứ hai - 15/03/2021 22:04

Trong quá trình giải vụ án tranh chấp kiện đòi tài sản giữa nguyên đơn là ông Tiêu Văn Đạt, bị đơn là UBND xã Đông kỳ (nay là xã Chí Minh), Viện KSND huyện Tứ Kỳ nhận thấy bản án của Tòa án cùng cấp vi phạm nghiêm trọng trong việc đánh giá, thu thập chứng cứ như sau:

1. Vi phạm về thu thập chứng cứ:

- Tòa án không thu thập hồ sơ dự toán, thiết kế  xây dựng lò gạch để làm căn cứ giải quyết vụ án, mà lại căn cứ vào hóa đơn mua cát của ông Đạt và ông Dư vào tháng 10/2009 là không phù hợp.

Dự án này của ông Đạt chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên Tòa án không xác minh làm rõ nội dung trên, mà vẫn căn cứ vào Thông báo số 63 ngày 03/8/2009 của UBND huyện để giải quyết là chưa chính xác.

- Tòa án tuyên cho ông Đạt được lấy 164.824,8 m3 cát mang đi. Nhưng không tiến hành làm việc với các cơ quan chuyên môn để xác định việc tuyên ông Đạt được mang cát đi có ảnh hưởng gì đến môi trường, việc bảo vệ đê điều mùa bão lũ,  việc ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của những hộ dân khác (như bờ cát ở xung quanh ao hiện do ông Nhân đấu thấu nuôi trồng thủy sản, nếu lấy hết bờ cát đi thì số cá ông Nhân đang nuôi sẽ bị cuốn trôi đi mất).

2. Vi phạm về đánh giá chứng cứ:

- Tại biên bản bổ sung ngày 25/10/2018 giữa UBND xã Đông Kỳ (nay là Chí Minh), có đại diện của phòng Kinh tế hạ tầng - UBND huyện Tứ Kỳ và ông Tiêu Văn Đạt, xác định diện tích ông Đạt san gạt là 45.402m2, nhưng khi Tòa án tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ lại xác định diện tích sân phơi gạch và nền lò là 46.392m2, chênh lệch 990m2. Tuy nhiên Tòa án nhân dân huyện Tứ Kỳ không làm rõ lý do tại sao có sự chênh lệch diện tích san lấp.

- Biên bản thẩm định tại chỗ của Tòa án nhân dân huyện Tứ Kỳ không xác định cụ thể khu vực lò gạch; khu vực bãi phơi gạch, nhà chứa gạch, công trình phụ trợ là bao nhiêu m2, mà lại tiến hành thẩm định chung toàn bộ khu đất là 46.392m2 và xác định đây là diện tích ông Đạt đã san lấp, là chưa phù hợp.

Biên bản thẩm định Tòa án có đào 09 vị trí để xác định độ sâu từ đó tính ra khối lượng, nhưng Tòa án không tiến hành đào những vị trí chân lò gạch, sân phơi gạch để xác định độ sâu của cát san lấp là chưa khách quan.

Tòa án nhân dân huyện Tứ Kỳ căn cứ điều 713 BLDS năm 2005 để tuyên ông Đạt được lấy cát mang đi là trái quy định tại điều 43 Luật đất đai năm 2003 (nay là khoản 1 điều 92 Luật đất đai năm 2013).

3. Vi phạm trong việc đưa thiếu người tham gia tố tụng

Để ông Đạt thực hiện việc xây dựng lò gạch và các công trình phụ trợ phục vụ sản xuất kinh doanh, thì UBND huyện Tứ Kỳ và UBND tỉnh Hải Dương mới là cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và cấp giấy phép. Do vậy trong trường hợp không thể cho ông Đạt lấy cát đi, mà phải bồi thường, hỗ trợ theo Luật đất đai, thì việc bồi thường, hỗ trợ do Cơ quan có thẩm quyền cấp phép (UBND huyện Tứ Kỳ và UBND tỉnh Hải Dương). Cho nên trong vụ án này phải đưa UBND huyện Tứ Kỳ và UBND tỉnh Hải Dương vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan mới đảm bảo việc giải quyết vụ án được toàn diện và khách quan.  

Ngoài ra Tòa án Tứ Kỳ còn vi phạm trong việc tính án phí.

Quá trình kiểm sát giải quyết vụ án này, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tứ Kỳ đã xác định TAND huyện Tứ Kỳ đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng là đưa thiếu người tham gia tố tụng; vi phạm trong việc thu thập, đánh giá chứng cứ và về án phí, theo quy định tại các điều 68, 97, 108, 147 Bộ luật TTDS năm 2015 và điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14. Ngày 05/02/2021 áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Viện kiểm sát nhân dân huyện Tứ Kỳ đã ban hành kháng nghị phúc thẩm số 01/QĐKNPT-VKS-DS đề nghị cấp phúc thẩm tuyên hủy bản án để giải quyết theo thủ tục sơ thẩm để vụ án giải quyết có căn cứ, đúng pháp luật,  đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.

                                                                            Vũ Hoàng Ninh
VKSND huyện Tứ Kỳ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây