Kiến nghị ông Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh yêu cầu khắc phục vi phạm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung

Thứ tư - 18/03/2015 04:14
          Trong thời điểm từ 17/9/2014 đến ngày 31/01/2015 có 08 Tòa án nhân dân cấp huyện trả hồ sơ cho Viện kiểm sát với tổng số 15 vụ án/17 bị can để yêu cầu bổ sung chứng cứ (trưng cầu giám định hàm lượng chất ma túy đã thu giữ trong vụ án). Sau khi nhận hồ sơ do Tòa án trả, Viện kiểm sát đều không chấp nhận và đã chuyển trả hồ sơ lại ngay cho Tòa án 15 vụ, kèm văn bản trả lời giữ nguyên cáo trạng đã truy tố và đề nghị Tòa án đưa vụ án ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật, Tòa án đã tiếp tục đưa 4 vụ án ra xét xử.
          Qua nghiên cứu, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh nhận thấy việc Tòa án nhân dân cấp huyện trả hồ sơ với lý do yêu cầu giám định hàm lượng chất ma túy đối với các vụ án nêu trên là không đúng quy định của pháp luật, bởi lẽ : Theo quy định của các Điều luật trong chương XVIII Bộ luật hình sự năm 1999 việc khởi tố, truy tố, xét xử các tội phạm về ma túy căn cứ vào “trọng lượng” “số lượng” của các chất ma túy, không căn cứ vào “hàm lượng” của các chất ma túy.
          Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP ngày 24/12/2007 của Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự năm 1999 cũng chỉ hướng dẫn xác định hàm lượng moocphin để tính trọng lượng của chất ma túy đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch (hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng) và xái thuốc phiện, quy định tại phần I, mục 1, tiểu mục 1.1, điểm a, b, ngoài ra không có quy định nào hướng dẫn cách quy đổi “hàm lượng” để tính trọng lượng làm căn cứ khởi tố, truy tố, xét xử.
          Mặt khác, tại tiểu mục 1.4 mục 1 phần I Thông tư 17 còn quy định: “Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng đó là chất ma túy thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà truy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của Điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy”. Căn cứ vào quy định này thì ngay cả trong trường hợp giám định chất đã thu giữ không phải là ma túy mà người thực hiện hành vi ý thức chất đó là ma túy vẫn bị truy cứu tránh nhiệm hình sự tội phạm theo khoản 1 của Điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy.
          Về ý thức chủ quan của 17 đối tượng trong 15 vụ án trên, khi bị bắt quả tang  cũng như trong thời gian tạm giữ đều khai nhận vật cất giấu, mua bán là ma túy: He roin, ma túy dạng đá- Methamphetamine hoặc Ketamine… Kết luận giám định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền, khi kết luận đối với 15 vụ án nêu trên đều xác định: Các chất gửi đến giám định đều là loại chất ma túy nằm trong danh mục nhà nước cấm lưu hành, ban hành kèm theo Nghị định 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ và đủ trọng lượng để truy cứu trách nhiệm hình sự.
          Các vụ án nêu trên, cơ quan điều tra đã thu thập đủ chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của các bị can; do vậy việc một số TAND cấp huyện trả hồ sơ vụ án cho VKS để điều tra bổ sung là không đúng vì không phải là thiếu các chứng cứ quan trọng cơ bản, nên VKS cấp huyện không chấp nhận điều tra bổ sung, chuyển lại hồ sơ cho Tòa án cùng cấp và Tòa án đã xét xử 04 vụ.
          Việc một số Tòa án nhân dân cấp huyện trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung yêu cầu giám định hàm lượng chất ma túy đối với các vụ án nêu trên là chưa thực hiện đúng quy định tại điều 179 BLTTHS và Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-VKSNDTC-BCA-TANDTC ngày 27/8/2010 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành bộ luật tố tụng hình sự về trả hồ sơ để điều tra bổ sung. §ồng thời gây khó khăn cho việc giải quyết các vụ án như: thời hạn giải quyết vụ án kéo dài, nhất là các vụ án ma túy được xác định là án trọng điểm, không phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống các tội phạm về ma túy, dẫn đến việc áp dụng hình phạt đối với các bị cáo nhẹ không tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.
          Ngày 16/3/2015, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương đã ban hành kiến nghị số 108/VKS-KN đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh chỉ đạo các Tòa án nhân dân cấp huyện tổ chức rút kinh nghiệm đối với những vi phạm trong việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung như đã nêu trên và yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện tiếp tục ra quyết định đưa các vụ án còn lại ra xét xử theo quy định pháp luật.
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây