Ngày 16/10/2015 tại trụ sở UBND tỉnh Hải Dương, Lãnh đạo VKSND tỉnh dự cuộc họp do Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương tổ chức, đồng chí Lê Đình Khanh - Phó trưởng Đoàn ĐBQH chủ trì.
Đ/c Lê Đình Khanh- Phó trưởng Đoàn ĐBQH phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Tại cuộc họp, đồng chí Nguyễn Hoàng Dương - Phó viện trưởng VKSND tỉnh báo cáo tóm tắt kết quả công tác kiểm sát 9 tháng đầu năm 2015, nhiệm vụ chủ yếu 3 tháng còn lại và ý kiến tham gia của Ngành kiểm sát Hải Dương đối với dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính (sửa đổi). Đối với 3 dự án luật sửa đổi, Ngành kiểm sát đề nghị Đoàn ĐBQH quan tâm những vấn đề sau:
Về Bộ luật tố tụng hình sự, đề nghị bổ sung trường hợp trong quá trình giải quyết vụ án nếu không đủ căn cứ để buộc tội, kết tội người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo về một tội nặng hơn hoặc quyết định mức phải bồi thường thiệt hại cao hơn vào nguyên tắc xử lý theo hướng có lợi cho người bị buộc tội (Điều 13 dự thảo). Đề nghị bổ sung cơ quan Kiểm ngư là cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra (Điều 35 dự thảo). Đề nghị đồng ý với phương án
“Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền trình bày lời khai, đưa ra ý kiến,
không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc
buộc phải nhận mình có tội” (Điều 57,58,59,60 dự thảo). Đề nghị quy định tại điều 59 dự thảo về quyền đọc tài liệu của bị can như sau:
“đọc, ghi chép bản sao hoặc tài liệu đã được số hóa trong hồ sơ vụ án liên quan đến việc bào chữa”. Đề nghị đồng ý với phương án Bắt buộc chỉ định người bào chữa đối với
“bị can, bị cáo về tội mà Bộ luật hình sự quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm tù trở lên, tù chung thân, tử hình” (Điều 121 dự thảo). Đề nghị nhất trí với quy định tại Điều 235 dự thảo về thẩm quyền truy tố.
Về Bộ luật tố tụng dân sự, Luật tố tụng hành chính, Ngành KS Hải Dương có 05 ý kiến tham gia, đề nghị Đoàn ĐBQH quan tâm, đó là: Thứ nhất phải xác định vị trí của VKSND trong TTDS, TTHC là cơ quan tiến hành tố tụng. Thứ hai, tiếp tục quy định trong mọi trường hợp khi Kiểm sát viên được phân công phiên tòa mà vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa. Và bổ sung quy định: "VKSND phải tham gia phiên tòa, phiên họp khi giải quyết những vụ, việc dân sự mà chưa có điều luật quy định". Thứ ba, phải quy định về phát biểu của Kiểm sát viên tại phiên tòa bao gồm phát biểu cả về pháp luật nội dung và pháp luật về tố tụng. Thứ tư, tiếp tục quy định VKSND có quyền thu thập chứng cứ và trách nhiệm cung cấp tài liệu, chứng cứ của cơ quan, tổ chức, cá nhân cho VKSND như hiện nay. Thứ năm, tiếp tục quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng VKSND như khoản 2 điều 44 BLTTDS và khoản 2 điều 39 Luật TTHC hiện hành.
Đoàn ĐBQH nhất trí cao với kết quả công tác kiểm sát 9 tháng đầu năm 2015, nhiệm vụ chủ yếu 3 tháng còn lại, đồng thời Những ý kiến tham gia nêu trên của VKSND tỉnh được Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Hải Dương đồng thuận. Các Đại biểu QH tiếp tục nghiên cứu để tham gia ý kiến với Quốc Hội khóa XII, kỳ họp thứ 10.