Cơ sở pháp lý để xử phạt đối với hành vi "Găm khẩu trang và thiết bị y tế"

Thứ hai - 10/02/2020 22:23

Cơ sở pháp lý để xử phạt đối với hành vi

Trong những ngày qua, kể từ khi đại dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng vi rút corona gây ra, sau khi công bố dịch tại thị trường nước ta mặt hàng như khẩu trang (nhất là khẩu trang y tế), nước rửa tay và một số thiết bị y tế cho việc phòng chống dịch bệnh bị đẩy giá lên cao. Chỉ tính từ ngày 31/01/2020 đến ngày 02/02/2020, qua kiểm tra cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt 1221 trường hợp tăng giá thiết bị y tế, nhiều cửa hàng bị thu hồi giấy phép kinh doanh và phạt tiền với mức có nơi lên đến số tiền vài chục triệu đồng. Qua tìm hiểu về cơ sở pháp lý, xin dẫn văn bản pháp luật hướng dẫn về việc xử phạt nói trên.


Cơ quan quản lý thị trường kiểm tra việc mua bán mặt hàng khẩu trang y tế (nguồn ảnh: báo Thanh niên)

Đối với hành vi găm hàng, cơ sở pháp lý để tiến hành xử phạt được quy định tại Khoản 2 Điều 47 Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ. Nghị định này quy định mức xử phạt khá nặng. Cụ thể: người nào cắt, giảm hàng hóa bán ra thị trường; ngừng bán hàng hóa hoặc không mở cửa hàng; mở cửa nhưng không bán hàng…khi thị trường có biến động về cung cầu, giá cả hàng hóa do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, chiến tranh hoặc diễn biến bất thường khác sẽ bị xử phạt từ 10 - 20 triệu đồng.

Trường hợp số hàng bị găm lại trong kho vượt quá 150% so với lượng hàng hóa tồn kho trung bình của ba tháng liền kề trước đó, mức phạt sẽ nặng hơn, từ 20 - 30 triệu đồng, đồng thời bị tịch thu toàn bộ số hàng hóa găm lại.

Về việc kiểm tra đột xuất thì theo hướng dẫn tại  Thông tư số 35/2018/TT-BCT ngày 12/10/2018 của Bộ Công thương quy định: khi có thông tin về hành vi vi phạm pháp luật hoặc dấu hiệu vi phạm pháp luật, nhiều trường hợp lực lượng quản lý thị trường có thể kiểm tra đột xuất các cửa hàng kinh doanh thiết bị y tế, nhà thuốc để phát hiện vi phạm. Đối với những cơ sở tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần, cơ quan chức năng còn có thể tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 03 tháng đến 06 tháng.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của nhà nước, trên cơ sở pháp lý rõ ràng, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng, việc xử lý các hành vi găm các mặt hàng thiết bị y tế sẽ ổn định được tình hình giá trên thị trường và ổn định được tâm lý của người dân góp phần lớn vào thành công trong việc chống đại dịch.

                                                                                                                Nguyễn Thị Thu Hằng
VKSTP Hải Dương

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây