- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Đặt vấn đề Để quyết định việc buộc tội, phát hiện vi phạm pháp luật nhằm bảo đảm mọi hành vi phạm tội, người phạm tội, pháp nhân phạm tội, vi phạm pháp luật đều phải được phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh, việc xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và người phạm tội, pháp nhân phạm tội, không làm oan người vô tội, VKSND (Kiểm sát viên) phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm theo Luật định và Quy chế nghiệp vụ ngành, Kiểm sát việc việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của TAND, trong đó có kiểm sát quyết định tạm đình chỉ vụ án của TAND (Thẩm phán chủ tọa phiên tòa)
Tạm đình chỉ vụ án trong giai đoạn xét xử, được quy định tại các Điều 277, Điều 281, Điều 290 và Điều 326 Bộ luật TTHS. Kiểm sát Quyết định tạm đình chỉ vụ án là nhiệm vụ quyền hạn của VKS khi kiểm sát xét xử, được quy định tại Điều 267 khoản 3 BLTTHS; do Kiểm sát viên được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử vụ án hình sự của Tòa án, thực hiện (Điều 42 khoản 1 điểm m BLTTHS); Kiểm sát viên phải thực hiện hoạt động kiểm sát như sau:
Thứ nhất, Kiểm sát về căn cứ tạm đình chỉ vụ án
- Khi có kết luận giám định tư pháp xác định bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo (điểm b khoản 1 Điều 229 BLTTHS); đây là trường hợp sau khi VKS truy tố bị can ra trước Tòa án để xét xử, mới phát hiện có căn cứ để Tòa án Quyết định trưng cầu giám định và kết luận xác định được bị can bị bệnh tâm thần hoặc bệnh hiểm nghèo;
- Khi trưng cầu giám định, yêu cầu định giá tài sản, yêu cầu nước ngoài tương trợ tư pháp chưa có kết quả nhưng đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử, quy định tại Điều 277 BLLTTHS (điểm c khoản 1 Điều 229 BLTTHS);
- Không biết rõ bị can, bị cáo đang ở đâu mà đã hết thời hạn chuẩn bị xét xử, quy định tại Điều 277 BLLTTHS (điểm b khoản 1 Điều 281 BLTTHS); có thể xảy ra các trường hợp:
+ Sau khi thụ lý vụ án, chưa ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử, Thẩm phán quyết định triệu tập bị can đến làm việc để xét áp dụng biện pháp ngăn chặn (Cấm đi khỏi nơi cư trú) hoặc đến nhận Quyết định đưa vụ án ra xét xử, nhưng bị can, bị cáo vắng mặt không có lý do, xác minh tại địa phương, chính quyền và thân nhân không biết bị can ở đâu; trường hợp này, nếu xác định được bị can đã bỏ trốn thì Tòa án phải yêu cầu Cơ quan điều tra Công an cùng cấp truy nã bị can; hết thời hạn chuẩn bị xét xử, không bắt được bị can, Thẩm phán ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án.
+ Thẩm phán đã giao được Quyết định đưa vụ án ra xét xử cho bị cáo (có căn cứ xác định), nhưng bị cáo không đến phiên tòa theo ngày giờ địa điểm xét xử mà không có lý do chính đáng theo quy định; trường hợp này phải hoãn phiên tòa lần thứ nhất, tiếp tục triệu tập hợp lệ lần thứ hai, bị cáo vẫn không đến phiên tòa mà không có lý do chính đáng theo quy định; Tòa án có thể xét xử vắng mặt bị cáo, nếu đủ căn cứ quy định tại điểm d khoản 2 Điều 290 BLTTHS; Nếu sự vắng mặt của bị cáo gây trở ngại cho việc xét xử thì Tòa án cần yêu cầu Cơ quan Công an (Cảnh sát hỗ trợ tư pháp) áp giải bị cáo đến phiên tòa; không áp giải được do bị cáo bỏ trốn, thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa thay mặt Hội đồng xét xử ra Quyết định tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị cáo.
- Chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị (điểm c khoản 1 Điều 281 BLTTHS); Là trường hợp Tòa án phát hiện văn bản pháp luật có liên quan đến việc xét xử, có nội dung cần cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; có kết quả giải quyết này, Tòa án mới có thể tiếp tục xét xử vụ án được. Đây là quy định mới so với BLTTHS 2003.Việc xác định trường hợp nào cần kiến nghị, phải thận trọng, khách quan.
- Tạm đình chỉ vụ án thuộc nội dung bắt buộc phải thảo luận khi Nghị án (điểm a khoản 3 Điều 326 BLTTHS). Điều luật không quy định cụ thể căn cứ tạm đình chỉ vụ án khi thảo luận nghị án; không có nghĩa Hội đồng xét xử thoát ly căn cứ được quy định tại Điều 281 BLTTHS, nhưng phải loại trừ các căn cứ quy định tại điểm b, c khoản 1 Điều 229, điểm b khoản 1 Điều 281 BLTTHS; như vậy chỉ còn căn cứ Chờ kết quả xử lý văn bản pháp luật mà Tòa án kiến nghị (điểm c khoản 1 Điều 281 BLTTHS).
Trường hợp tại phiên tòa, mới phát sinh tài liệu xác định bị cáo có dấu hiệu tâm thần, bệnh hiểm nghèo, thì giải quyết như thế nào, Hội đồng xét xử có được Nghị án, quyết định tạm đình chỉ vụ án không? Từ quy định tại Điều 85, 326 BLTTHS thấy rằng, đây là vấn đề cần chứng minh về năng lực trách nhiệm hình sự của bị cáo, cần phải có Kết luận giám định tư pháp; Hội đồng xét xử không được tạm đình chỉ vụ án mà phải ra Quyết định trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung;
Thứ hai, Kiểm sát về thẩm quyền, trình tự, thủ tục ra quyết định tạm đình chỉ vụ án Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ký quyết định ban hành trong thời gian chuẩn bị xét xử (Điều 277 BLTTHS) hoặc tại phiên tòa sau khi nghị án (Điều 326 BLTTHS); Quyết định tạm đình chỉ được giao cho bị can, bị cáo, bị hại hoặc người đại diện của họ và gửi cho người tham gia tố tụng khác trong thời hạn 03 ngày, phải gửi cho VKS cùng cấp, VKS cấp trên trong thời hạn 02 ngày kể từ ngày ra quyết định (Điều 286 BLTTHS);
Thứ ba, Viện kiểm sát thực hiện quyền kháng nghị Thời hạn kháng nghị Quyết định tạm đình chỉ vụ án của VKS cùng cấp là 07 ngày, của VKS cấp trên là 15 ngày, kể từ ngày Tòa án ra quyết định. Nếu Tòa án thực hiện đúng quy định tại Điều 286 BLTTHS, thì VKS cùng cấp chỉ được nghiên cứu Quyết định 05 ngày (bao gồm cả ngày nghỉ, ngày lễ). Thời hạn rất ngắn do vậy Kiểm sát viên phải kiểm sát chặt chẽ hoạt động của Thẩm phán, kiến nghị yêu cầu chuyển ngay quyết định, nghiên cứu kiểm sát ngay, trên cơ sở tài liệu THQCT, KSĐT chú ý căn cứ (lý do Tạm đình chỉ của Tòa án), phát hiện việc tạm đình chỉ không có căn cứ, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia tố tụng, phải báo cáo đề xuất Viện trưởng kháng nghị ngay, hết thời hạn kháng nghị cùng cấp, phải báo cáo VKS cấp trên để kháng nghị phúc thẩm.
Thứ tư, lập hồ sơ kiểm sát án tạm đình và quản lý hồ sơ theo quy định đây là yêu cầu bắt buộc đối với Kiểm sát viên khi Kiểm sát Quyết định tạm đình chỉ xét xử của Tòa án, được quy định tại Quy định về việc quản lý hồ sơ tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố tạm đình chỉ và hồ sơ vụ án hình sự tạm đình chỉ của Viện kiểm sát nhân dân ban hành kèm theo Quyết định số 46/QĐ-VKSTC ngày 14/02/2019 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Hồ sơ án tạm đình chỉ (Hồ sơ án kiểm sát xét xử) gồm có các tài liệu từ khi Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ đến khi có quyết định phục hồi vụ án của Tòa án hoặc quyết định đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự, các báo cáo đề xuất của Kiểm sát viên, văn bản, yêu cầu xác định hoạt động kiểm sát. Hồ sơ tạm đình chỉ phải bảo đảm khoa học, đầy đủ, chặt chẽ, kịp thời, không bị hư hỏng, thất lạc, thuận lợi cho công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tạm đình chỉ xét xử, thuận lợi cho việc thực hiện thông tin báo cáo, đáp ứng hiệu quả yêu cầu quản lý, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo Viện kiểm sát các cấp.
Nguyễn Quang Trung Phòng 7 - VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.