Trao đổi về một số dạng vi phạm phổ biến trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự sơ thẩm

Thứ năm - 16/05/2019 05:20

Trao đổi về một số dạng vi phạm phổ biến trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự sơ thẩm

Chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát (VKS) trong Tố tụng dân sự (TTDS) ngày càng được quan tâm và khẳng định, quá trình kiểm sát đã bảo vệ được quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, đảm bảo pháp luật được áp dụng thống nhất và nghiêm chỉnh. Để thực hiện tốt chức năng “kiểm sát hoạt động tư pháp” trong việc giải quyết các vụ án dân sự, thì kỹ năng kiểm sát của KSV có ý nghĩa quyết định. Việc nghiên cứu làm sáng tỏ nội dung các quy định của pháp luật đối với từng giai đoạn kiểm sát các vụ án dân sự, tìm ra những hạn chế bất cập và đưa ra giải pháp nâng cao kỹ năng kiểm sát là cơ sở khoa học, thực tiễn quan trọng và nâng cao hiệu quả khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của ngành kiểm sát nhân dân. Trong quá trình nghiên cứu bản thân tác giả đã tổng hợp một số dạng vi phạm phổ biến trong quá trình kiểm sát giải quyết các vụ án dân sự sơ thẩm, như sau:


Hình ảnh mang tính minh họa

1. Vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử

Nguyên tắc hai cấp xét xử thể hiện sự thận trọng của Tòa án trong việc xét xử, đảm bảo cho việc xét xử chính xác, công bằng, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, được quy định tại Điều 17 BLTTDS. Tuy nhiên, trên thực tế Thẩm phán khi giải quyết vụ án còn sơ suất, không giải quyết yêu cầu của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nên khi tuyên bản án sơ thẩm ảnh hưởng đến quyền lợi của họ, họ thực hiện quyền kháng cáo liên quan đến quyền, nghĩa vụ của mình, nhưng Tòa án phúc thẩm không thể xét xử, vì cấp sơ thẩm không xem xét yêu cầu của họ, điển hình như:

Vụ “Chia tài sản chung vợ chồng sau ly hôn”, giữa: Nguyên đơn: bà Nguyễn Thị S; bị đơn: ông Lê Minh T.

Nội dung vụ án: Bà Nguyễn Thị S và ông Lê Minh T là vợ chồng nhưng đã ly hôn, khi ly hôn ông bà không yêu cầu giải quyết tài sản. Sau khi ly hôn, bà S, ông T không thỏa thuận được về việc chia tài sản nên bà S có đơn khởi kiện chia tài sản chung vợ chồng.

Bà S yêu cầu chia các tài sản gồm: nhà đất tại thôn 2, xã HA, huyện KM; khoản tiền 580.000.000đ do bán 11,6ha đất rừng tại huyện YD, tỉnh BG; trả nợ ông Nguyễn Đức V 150.000.000đ. Bà S yêu cầu được ở nhà đất và trả tiền cho ông T. Bà xác định nguồn gốc tiền mua đất làm nhà tại xã HA, huyện KM là do bán 11,6ha đất rừng tại huyện YD, tỉnh BG, là tài sản chung của ông T, bà Thúy (vợ cũ ông T) mua năm 1996 (khi ấy bà Thúy và ông T còn là vợ chồng) nhưng trong quá trình chung sống với ông T bà S có công đầu tư, chăm sóc cây cối trên diện tích đất rừng nói trên.

Ông T xác định: Nhà, đất tại xã HA, huyện KM có được là do ông bán 11,6ha đất rừng tại huyện YD, tỉnh BG (tài sản chung của ông và vợ cũ là bà Thúy). Bán đất rừng năm 2008 được 2.080.000.000đ, mua đất làm nhà tại xã HA, huyện KM hết 800.000.000đ, số còn lại ông và bà S chi tiêu hết nên không còn số tiền 580.000.000đ như bà S trình bày. Ông xác định không nợ ông V 150.000.000đ, ông đề nghị chia số tài sản này theo quy định của pháp luật.

Bản án sơ thẩm quyết định:

- Xác định tài sản chung của bà S, ông T gồm: nhà đất tại xã HA, huyện KM trị giá 1.183.141.000đ ... Tổng giá trị tài sản chung là 1.773.141.000đ.

- Giao cho bà S sở hữu, sử dụng nhà đất tại xã HA, huyện KM, trị giá 1.183.141.000đ ...

- Tạm giao cho bà S sử dụng 52m2 đất và sử dụng tài sản trên đất là nhà xây cấp 4...

Việc tòa án tuyên như vậy, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà Thúy, bởi: Bà S, ông T đều trình bày nguồn tiền mua đất, làm nhà tại xã HA, huyện KM là do bà S, ông T bán 11,6 ha đất rừng (là tài sản của ông T, bà Thúy, có trước khi ông T kết hôn với bà S). Cấp sơ thẩm đã đưa bà Thúy vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan nhưng bản án sơ thẩm lại nhận định quyền lợi của bà Thúy sẽ được giải quyết ở một vụ án khác khi bà Thúy có yêu cầu, là thiếu sót. Mặc dù bà Thúy có kháng cáo về nội dung này nhưng cấp phúc thẩm không thể giải quyết được vì nếu giải quyết sẽ vi phạm nguyên tắc hai cấp xét xử.

2. Vi phạm trong việc thu thập đánh giá chứng cứ

Quá trình giải quyết vụ án Thẩm phán vi phạm trong việc xác định sai tư cách của người tham gia tố tụng đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Thẩm phán đưa người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án vào tham gia tố tụng nhưng không xem xét trách nhiệm của họ trong quá trình giải quyết vụ án đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi ích hợp pháp của đương sự khác.

Điển hình như Vụ Ly hôn, tranh chấp chia tài sản khi ly hôn giữa nguyên đơn là ông Nguyễn Văn Ph và bị đơn là bà Nguyễn Thị Đ.

Nội dung vụ án: Ông Ph, bà Đ tự nguyện đăng ký kết hôn tại UBND xã CL, huyện TK. Trong thời gian chung sống, hai vợ chồng tạo lập đư­ợc khối tài sản chung bao gồm: thửa đất số 109, diện tích 354 m2, thuộc tờ bản đồ số 05 tại xã CL, huyện TK mang tên ông Ph có giá trị 725.510.000 đồng; 01 ngôi nhà 02 tầng và 01 lán để xe trị giá 433.634.000 đồng. Tổng giá trị tài sản chung là 1.159.144.000 đồng...Về nợ chung: nợ Nguyễn Thị Nh 113.000.000 đồng; nợ bà Nguyễn Thị H 124.000.000 đồng; nợ ông Nguyễn Minh S 80.000.000 đồng.

Bản án sơ thẩm đã quyết định:

...

- Về quan hệ tài sản chung: Giao cho ông Ph sử dụng diện tích đất 272m2 trong thửa đất số 109, tờ bản đồ số 05 tại xã CL, huyện TK; 01 nhà mái bằng hai tầng; 01 lán xe lợp tôn. Tổng giá trị tài sản là 913.144.192đ. Ông Ph trả chênh lệch cho bà Đ 170.000.000đ.

- Về nợ: Giao cho ông Ph trả những khoản nợ sau: Trả ông S 80.000.000đ; trả bà H 124.000.000đ; trả bà Nh 113.000.000đ;

Tòa án tuyên như vậy, đã vi phạm:

- Vi phạm trong thu thập chứng cứ: Trong vụ án này, ông Nguyễn Minh S, bà Nguyễn Thị H, bà Nguyễn Thị Nh có yêu cầu ông Ph, bà Đ trả nợ số tiền đã vay. Quá trình giải quyết vụ án Tòa án sơ thẩm không thu thập chứng cứ để làm rõ số tiền nợ nêu trên có phải là tài sản vợ chồng không, nếu xác định là tài sản chung vợ chồng thì phải đưa bà M (vợ ông S), ông L (chồng bà H), ông C (chồng bà Nh) vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

3. Vi phạm trong việc tính án phí

Việc tính án phí sai trong quá trình giải quyết vụ án, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhà nước; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án, nhiều Thẩm phán lại chưa thật sự chú trọng nghiên cứu sâu kỹ những quy định về án phí, cập nhập những quy định mới để áp dụng cho chính xác. Chính vì vậy, vi phạm trong việc tính án phí vẫn diễn ra. Điển hình một số dạng vi phạm như sau:

* Tính án phí cho đương sự không được chia tài sản:

Vụ án “Tranh chấp ly hôn và chia tài sản chung vợ chồng”, giữa: NĐ: chị Phan Thị Ngọc L; BĐ: anh Phan Văn Đ.

Bản án sơ thẩm đã quyết định:

… Không chấp nhận các yêu cầu của chị Phan Thị Ngọc L về việc “yêu cầu chia tài sản chung vợ chồng”.

Tuy nhiên, Tòa án lại buộc chị L phải chịu 14.650.000đ án phí dân sự sơ thẩm chia tài sản chung là vi phạm điểm b khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Điểm b khoản 5 Điều 27 quy định: …“Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng … còn phải chịu án phí đối với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia’’.

Trên đây là một số dạng vi phạm mà tác giả muốn trao đổi để công chức ngành ngành KSND nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giải quyết các vụ án dân sự. Qua đó, cần nắm chắc những quy định về chức năng, nhiệm vụ của ngành, các văn bản quy phạm pháp luật, để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho công dân, và bảo đảm pháp luật được áp dụng nghiêm chỉnh, thống nhất./.

                                                                                                                 Phạm Thị Huyên
VKSND huyện Cẩm Giàng
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây