- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 52 BLHS; đồng thời là tình tiết định khung hình phạt quy định tại 6/13 tội xâm phạm sở hữu thuộc chương XVI BLHS và một số tội phạm khác như: Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248); Tội gian lận bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp (Điều 214); Tội gian lận bảo hiểm y tế (Điều 215); Tội Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho công cụ, thiết bị, phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật (Điều 285) …
Thực tiễn chế định Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp còn có nhận thức và áp dụng khác nhau; ví dụ Nguyễn Văn A, đủ năng lực trách nhiệm hình sự, trộm cắp tài sản làm nghề sinh sống và lấy tiền làm nguồn sống chính, cụ thể:
Ví dụ 1: Trong tháng 1/2019, Nguyễn Văn A đã 5 lần trộm cắp điện thoại di động, xe máy của người dân trên địa bàn huyện X tỉnh HD, giá trị tài sản đều trên 2.000.000 đồng, chưa lần nào bị khởi tố. A bị xét xử về tội Trộm cắp tài sản theo điểm b khoản 2 Điều 173 BLHS, tình tiết định khung Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, tình tiết tăng nặng TNHS phạm tội 2 lần trở lên (điểm g khoản 1 Điều 51 BLHS). Không có quan điểm khác nhau khi xử lý A.
Ví dụ 2: Trong tháng 1/2019, Nguyễn Văn A đã 5 lần trộm cắp điện thoại di động, xe máy của người dân, trong đó 2 lần trên địa bàn huyện X tỉnh HD và 3 lần trên địa bàn huyện C tỉnh QN; Nguyễn Văn A bị 2 Cơ quan tiến hành tố tụng huyện X tỉnh HD và huyện C tỉnh QN khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử về tội Trộm cắp tài sản, tại các vụ án khác nhau, theo khoản 1 Điều 173 BLHS, tình tiết tăng nặng TNHS phạm tội 2 lần trở lên.(TAND huyện C tỉnh QN xét xử trước);
Ví dụ 3: Trong tháng 1/2019, Nguyễn Văn A đã 3 lần trộm cắp điện thoại di động, xe máy của người dân, trên địa bàn huyện X tỉnh HD. Do A đã 2 lần bị kết án về tội Trộm cắp tài sản, chưa được xóa án tích, nên A bị Cơ quan tiến hành tố tụng huyện X tỉnh HD khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử về tội Trộm cắp tài sản, theo điểm b, điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS, tình tiết định khung: tái phạm nguy hiểm, có tính chất chuyên nghiệp;
Khi xử lý Nguyễn Văn A theo ví dụ 2, ví dụ 3, đã có quan điểm khác nhau: Quan điểm 1: A phải bị xét xử về tội Trộm cắp tài sản, theo điểm b khoản 2 Điều 173 BLHS, tình tiết định khung có tính chất chuyên nghiệp, tình tiết tăng nặng TNHS phạm tội 2 lần. Quan điểm này căn cứ hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006, đó là việc A đã 05 lần trở lên cùng phạm một tội trộm cắp tài sản không phân biệt đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự chưa được xoá án tích và đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Quan điểm 2 (quan điểm của người viết): A 05 lần trở lên cùng phạm một tội trộm cắp tài sản, nhưng đã bị xét xử bằng các Bản án khác nhau của các TAND khác nhau; TA xét xử sau tổng hợp Bản án theo Luật định; Nếu xử lý A về tội Trộm cắp tài sản, theo điểm b khoản 2 Điều 173 (có tính chất chuyên nghiệp) là xét xử 2 lần đối với A về 1 hành vi phạm tội. A có thể bị phạt với mức án nghiêm khắc hơn người phạm tội lần đầu vì trường hợp phạm tội của A lại tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự;
Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006, là hướng dẫn thực hiện Điều 48 khoản 1 điểm g BLHS 1999; BLHS 1999 đã hết hiệu lực, khi BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017 có hiệu lực thi hành từ 01/01/2018. Quy định này không có lợi cho người bị kết án, theo tinh thần Nghị quyết 41/2017 của UBTVQH13 thì không được áp dụng khi xét xử người phạm tội;
Từ phân tích trên, tác giả thấy rằng, cần thay đổi nội dung hướng dẫn tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp, cho phù hợp nguyên tắc xử lý trách nhiệm hình sự quy định tại BLHS 2015, sửa đổi bổ sung 2017, theo hướng: chỉ áp dụng tình tiết phạm tội có tính chất chuyên nghiệp khi: Người bị kết án đã 05 lần trở lên cùng phạm một tội trộm cắp tài sản mà chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự và đều lấy các lần phạm tội làm nghề sinh sống và lấy kết quả của việc phạm tội làm nguồn sống chính.
Nguyễn Quang Trung Phòng 7 - VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.