- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Điều 322 khoản 2 BLTTHS quy định Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp đến cùng từng ý kiến của bị cáo, người bào chữa, người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa;
Đối đáp được thực hiện trong phần tranh luận tại phiên tòa, sau khi Kiểm sát viên Luận tội (Điều 321 BLTTHS), trước khi Hội đồng xét xử nghị án (Điều 326 BLTTHS); Đối đáp đến cùng, chưa được giải thích tại Điều 4 BLTTHS, cần nghiên cứu để thực hiện cho đúng trong thực tiễn, khi mà Luật sư ý kiến, Kiểm sát viên không thực hiện đến cùng việc đối đáp.
Nghiên cứu quy định BLTTHS và từ thực tiễn công tác THQCT, KSXX án hình sự chúng tôi thấy rằng cần hiểu việc Đối đáp đến cùng như sau:
Thứ nhất, Đối đáp là một hoạt động để tranh tụng trong xét xử, chính là việc đưa ra chứng cứ, đánh giá chứng cứ, đưa ra yêu cầu để làm rõ sự thật khách quan của vụ án trong quá trình xét xử, giữa Kiểm sát viên với bị cáo, người bào chữa của họ và người tham gia tố tụng khác, dưới sự điều khiển của Chủ tọa phiên tòa, để xác định sự thật khách quan của vụ án; mọi chứng cứ xác định có tội, chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng điểm, khoản, điều của BLHS để xác định tội danh, quyết định hình phạt, mức bồi thường thiệt hại đối với bị cáo, xử lý vật chứng và những tình tiết khác có ý nghĩa giải quyết vụ án đều phải được trình bày, tranh luận, làm rõ tại phiên tòa;
Nếu tranh tụng bắt đầu ngay từ phần thủ tục phiên tòa, khi các bên đưa ra ý kiến mà cần sự đánh giá, quyết định của chủ tọa phiên tòa về tài liệu đồ vật, về sự có mặt, vắng mặt của người tham gia tố tụng…, thì đối đáp chỉ thực hiện xong khi Kiểm sát viên Luận tội;
Khi Đối đáp, Kiểm sát viên phải đưa ra chứng cứ, tài liệu, tranh tụng với người tham gia tố tụng; Tòa án có trách nhiệm tạo điều kiện cho Kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, những người tham gia tố tụng khác thực hiện đầy đủ quyền, nghĩa vụ của mình và tranh tụng dân chủ, bình đẳng trước Tòa án. (**)
Thứ hai, Đối đáp đến cùng là nội dung phải tranh luận giữa Kiểm sát viên và người tham gia tố tụng. Khi Kiểm sát viên đã đưa đầy đủ chứng cứ, tài liệu và lập luận để đối đáp từng ý kiến, tất cả ý kiến xoay quanh nội dung buộc tội, lượng hình đối với bị cáo thì được coi là đến cùng. Việc kết thúc tranh luận (chấm dứt việc đối đáp- công nhận đã đối đáp đến cùng) thuộc trách nhiệm, nghĩa vụ của Hội đồng xét xử (Điều 323 khoản 4 BLTTHS);
Ví dụ: Khi bào chữa cho bị cáo A, bị truy tố, xét xử về tội Cố ý gây thương tích, quy định tại Điều 134 khoản 2 BLHS (Tỷ lệ thương tật của bị hại 25%- bị cáo dùng hung khí nguy hiểm); Luật sư cho rằng A chỉ dùng dao chém anh B, khi anh B dùng tuýp sắt tấn công A làm A bị thương 10%, B đã bị khởi tố về tội Cố ý gây thương tích; như vậy A bị kích động mạnh về tinh thần do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của anh B; A không phạm tội Cố ý gây thương tích như Kiểm sát viên phát biểu luận tội. Kiểm sát viên đối đáp A và anh B là hàng xóm, mâu thuẫn từ trước, thời điểm xảy ra vụ án 2 bên đều chuẩn bị hung khí (dao, tuýp sắt) và xông vào đánh nhau, 2 người đều bị thương. A và B khai nhận nội dung này tại các biên bản ghi lời khai, hỏi cung trong giai đoạn điều tra, phúc cung của Kiểm sát viên và khai nhận tại phần xét hỏi, nội dung bị cáo, bị hại khai nhận phù hợp vật chứng thu giữ, hình ảnh Videoclip thu giữ được đã công bố, trình chiếu công khai tại Tòa. Trong vụ án đang xét xử A là bị cáo, anh B là bị hại; A là bị hại khi xét xử hành vi phạm tội mà B là bị cáo; do vậy không có việc A phạm tội trong trạng thái bị kích động mạnh về tinh thần do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của anh B; đề nghị Hội đồng xét xử cho A được hưởng tình tiết giảm nhẹ TNHS quy định tại điểm khoản 2 Điều 51 BLHS (phạm tội trong trường hợp bị hại có lỗi); Kiểm sát viên không phải đối đáp khi mà Luật sư không đưa được nội dung khác làm thay đổi nội dung đã đối đáp. Chủ tọa phiên tòa dừng việc đối đáp nội dung này, kết thúc phần tranh luận.
Từ phân tích trên, chúng tôi cho rằng ngoài việc Kiểm sát viên, Thẩm phán phải nghiên cứu và chủ động thực hiện quy định về tranh luận, đối đáp, rất cần hướng dẫn cụ thể của cấp có thẩm quyền về tranh tụng, đối đáp đến cùng tại phiên tòa hình sự./
(**) Bài viết có sử dụng tư liệu từ Bình luận khoa học Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015/GS.TS Nguyễn Ngọc Anh; Luật sư.TS Phan Trung Hoài đồng chủ biên/ NXB Chính trị Quốc gia sự thật/2018.
Nguyễn Quang Trung Phòng 7 - VKSND tỉnh Hải Dương |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.