- Trang nhất
- Viện KSND tỉnh
- Viện KSND cấp huyện
- Tin Tức
- Nghiệp vụ
- Tin hoạt động
- Văn bản
- Lịch làm việc
- Họp không giấy
Trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong công tác thi hành án dân sự tại Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới là thẩm quyền và là một trong các phương thức kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự được quy định tại Điều 28, Điều 30 Luật tổ chức VKSND năm 2014; Điều 12, Điều 159 Luật thi hành án dân sự năm 2008 được sửa đổi bổ sung năm 2014; Điều 32 Quy chế công tác kiểm sát THADS - HC (Kèm theo Quyết định số 810 ngày 20/12/2016 của Viện trưởng VKSND tối cao). Đây cũng là một trong những chỉ tiêu nghiệp vụ cơ bản của Kế hoạch công tác năm 2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương và Chương trình công tác năm 2020 của Phòng kiểm sát tạm giữ, tạm giam và thi hành án.
Thông qua các cuộc trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự trong thời gian vừa qua tôi đã rút ra được kinh nghiệm trong một số nội dung khi trực tiếp kiểm sát tại Cơ quan thi hành án dân sự. Trong khuôn khổ bài viết này tôi xin chia sẻ kinh nghiệm trong việc kiểm sát việc xử lý tài sản, tang vật và thu chi tiền thi hành án của cơ quan THA để các đồng chí cùng nghiên cứu, tham khảo, trao đổi và vận dụng trong công tác kiểm sát THADS. Cụ thể:
Thứ nhất, khi tiến hành kiểm sát việc xử lý tài sản, tang vật:
Kiểm sát viên đối chiếu Phiếu nhập kho, xuất kho với Sổ theo dõi vật chứng, tài sản bị kê biên, tạm giữ; xác định phiếu xuất, nhập kho cụ thể, xem số thứ tự phiếu xuất, nhập kho có liên tục không, có trùng với sổ theo dõi tang vật không?
Có thể phát hiện một số vi phạm về việc bảo quản vật chứng, tài sản quy định Điều 12 Thông tư 01/2016/TT-BTP ngày 01/02/2016 như: Về việc chậm xử lý tang vật (chậm chuyển giao tài sản sung công, chậm tiêu hủy tang vật, không rà soát yêu cầu tòa án chuyển bản án để xử lý, giải quyết…); Không kịp thời có văn bản đề nghị Tòa án giải thích bản án, quyết định đối với phần tang vật tuyên không rõ, khó thi hành, vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư liên tịch số 14/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010.
Thứ hai, khi tiến hành kiểm sát hoạt động thu chi, tiền thi hành án
Đối với thủ quỹ:
Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát việc Cơ quan THA chốt quỹ tiền mặt; Yêu cầu thủ quỹ cung cấp sổ quỹ tiền mặt và các quyển biên lai thu tiền được giao quản lý. Xác định xem quỹ tiền mặt trong Sổ quỹ tiền mặt tính đến ngày VKS tiến hành trực tiếp kiểm sát là bao nhiêu? Số tiền thu nộp quỹ so thực tế số tiền mặt trong két có chênh lệch không;
Tiến hành lập biên bản chốt quỹ đến ngày trực tiếp kiểm tra. Sau đó, đối chiếu sổ quỹ tiền mặt với Biên bản kiểm kê quỹ của cơ quan THA. Đối chiếu sổ quỹ tiền mặt của thủ quỹ với sổ quỹ tiền mặt của Kế toán nghiệp vụ THA. Đối chiếu sổ quỹ tiền mặt với các chứng từ thu, chi tiền thi hành án để xem xét việc cập nhật, ghi chép sổ sách của thủ quỹ với kế toán có chính xác, kịp thời không. Cuối cùng là đối chiếu biên lai thu tiền với tiền nộp trên sổ quỹ tiền mặt.
Đối với kế toán
Trước tiên yêu cầu kế toán cung cấp số của quyển biên lai đã chuyển giao cho các Chấp hành viên quản lý, sử dụng sau đó yêu cầu cung cấp sổ quỹ tiền mặt của Kế toán in từ máy tính ra, bảng cân đối tài khoản và báo cáo phân tích số dư của các đầu tài khoản để biết chi tiết số việc còn tiền tồn chưa giải quyết xong, kiểm sát hồ sơ thi hành án để xác định lý do chưa giải quyết là khách quan hay chủ quan. Qua đó, xác định được số tiền chậm nộp ngân sách, chậm chi trả cho công dân, chậm gửi vào tài khoản tạm giữ, tài khoản phí thi hành án mở tại Kho bạc.
Tiếp theo KSV cần yêu cầu Kế toán cung cấp báo cáo hoạt động thu thi hành án để kiểm sát việc đối chiếu kết quả thi hành án của Chấp hành viên và Kế toán THA có thường xuyên không, có trùng khớp với báo cáo thu của Kế toán không? cung cấp chứng từ thu, chi trong thời điểm kiểm sát và rà soát phiếu thu, phiếu chi của Kế toán với sổ quỹ tiền mặt của thủ quỹ có trùng nhau không, để xác định kế toán có kịp thời lập phiếu thu không, số thứ tự của các phiếu thu, chi có liên tục không? Nếu có việc đứt quãng của số phiếu thu, lý do nhảy số trên phần mềm kế toán có được phát hiện và lập biên bản có xác nhận của thủ trưởng cơ quan THA không?.
Yêu cầu cung cấp giấy Xác nhận số dư tài khoản tiền gửi của kho bạc, Sổ gửi tiền tiết kiệm (nếu có), Giấy nộp tiền, giấy xác nhận số dư của kho bạc… phải là bản có dấu đỏ.
Lưu ý: Trước khi thực hiện kiểm sát công tác thu, chi tiền thi hành án cần xác định số dư còn lại quỹ thi hành án. Số dư còn lại quỹ thi hành án thể hiện trên Sổ quỹ tiền mặt; Sổ tiền gửi ngân hàng, kho bạc; Sổ tiền gửi tiết kiệm (nếu có). Khi kiểm sát phải so sánh với Báo cáo của cơ quan THADS có bằng nhau không.
Đối với Chấp hành viên
KSV yêu cầu Chấp hành viên cung cấp các loại biên lai đã được nhận từ Kế toán (lưu ý: Mỗi số biên lai có 4 liên, nội dung thu tiền các liên phải trùng với nhau, không được tẩy xóa, liên nộp cho kế toán phải trùng với liên còn lưu ở cuống biên lai, nếu có chứng từ hỏng, hủy phải còn đầy đủ 4 liên). Tiến hành kiểm sát, rà soát các biên lai thu tiền của Chấp hành viên với sổ quỹ tiền mặt của thủ quỹ THA để xác định Chấp hành viên có kịp thời nộp tiền vào quỹ không. Số ngày thu trên cuống biên lai có trùng với liên nộp cho Kế toán để lập phiếu thu tiền không? Biên lai có tẩy xóa, sửa chữa và hủy có đúng quy định không?
Khi thực hiện tốt công tác này KSV có thể phát hiện một số vi phạm thường gặp như:
Việc quản lý sai quy định đối với khoản phí thi hành án; Quản lý tiền mặt tại quỹ thi hành án. Tất cả các khoản tiền về thi hành án phải được bảo quản tại Kho bạc theo quy định tại khoản 2 Điều 58 Luật Thi hành án dân sự và khoản 2 Điều 18 Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 về án phí, lệ phí Tòa án. Thực tiễn, các cơ quan THA để lại quỹ tiền mặt rất nhiều, không đúng quy định, trong đó có khoản tiền tạm ứng án phí, tiền thu trước quyết định, cá biệt có trường hợp để lại cả khoản tiền phải trả cho công dân…. Kế Toán báo cáo không trung thực: có thể sửa chữa phần số dư cuối kỳ bằng với số dư thực tế còn tại quỹ tiền mặt và tiền gửi ngân hàng, kho bạc để đối phó với Đoàn kiểm tra. Chấp hành viên, thủ quỹ không nộp tiền hoặc chậm nộp vào quỹ THA. Thủ quỹ chậm nộp tiền vào TK Kho bạc, vào ngân sách. Tẩy xóa chứng từ. Không gửi tiết kiệm các khoản tiền đương sự chưa đến nhận; Gửi tiền tiết kiệm đối với khoản tiền phải trả cho đương sự đứng tên cá nhân thủ quỹ THA.
Pháp lệnh Án phí, lệ phí Toà án ngày 27/02/2009 quy định Cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thu án phí. Điều 18 Pháp lệnh này quy định toàn bộ án phí, lệ phí Tòa án thu được phải nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước tại kho bạc nhà nước. Viện kiểm sát có thể trực tiếp xác minh thông tin tài khoản của Cơ quan Thi hành án dân sự tại Ngân hàng, Kho Bạc, để xác định số tiền thực có tại tài khoản tiền gửi và thời gian thực nộp tiền và cơ quan Thuế để xác định có việc trích lại 10% của khoản tiền án phí không?
Trên đây là một số kinh nghiệm của bản thân khi tiến hành kiểm sát việc kiểm sát xử lý tài sản, tang vật và thu chi tiền thi hành án khi trực tiếp kiểm sát hoạt động thi hành án dân sự tại các cơ quan THADS. Rất mong được các đồng chí trong ngành trao đổi, chia sẻ thêm để các cuộc trực tiếp kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án dân sự tại Cơ quan thi hành án dân sự ngày càng đạt hiệu quả cao hơn./.
Nguyễn Thị Thanh Minh - Phòng 8 |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
© 2017 Bản quyền của VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG.